Bão số 3 (Yagi) đã quật đổ 8.700 cây xanh trong nội đô Hà Nội, trong đó có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây.
Theo kế hoạch, đến ngày 30/9, Sở Xây dựng Hà Nội và đơn vị quản lý, duy trì cây xanh, các quận, huyện, thị xã sẽ trồng lại và thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè để đảm bảo chất lượng, cảnh quan và mỹ quan đô thị. Những cây bị ngã đổ sẽ được tiến hành cắt sửa lại, bôi chất liền sẹo, chất kích thích rễ để đảm bảo thân cây phát triển ổn định. Nhưng điều quan trọng hơn là Hà Nội cần sớm có quy hoạch cây xanh đô thị và bản đồ cây xanh phù hợp để tránh những câu chuyện đáng tiếc lặp lại…
Cứu lấy các “cụ” cây
Nhìn những hàng cây bị đổ ngã, trong đó có nhiều cây đã lâu năm, thật xót xa, tiếc nuối. Đó là những cây cổ thụ, đại thụ đã gắn bó với người Hà Nội qua bao thăng trầm cuộc sống. Có những cây đã trên trăm năm tuổi.
Sau bão, khắp thành phố, hầu như không có tuyến đường nào không có cây xanh đổ, gãy. Đó là một cây cổ thụ trên phố Hàng Cót mà thân cây rất đặc biệt được tạo thành bởi các cây si, đa, sanh, nhội, bồ đề mọc quấn lấy nhau. Nhưng cũng thật đau buồn khi cây đổ ngã, người ta lại thấy gốc cây bị hệ thống cáp ngầm “bao vây”. Còn tại phố Hàng Bún, có một cặp “song sinh” là 2 cây si trên trăm tuổi, bão đã “vật đổ 1 cụ”, thế là “2 cụ si” phải chia lìa. Ở ngay đầu phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), có cây đa to, xù xì, hàng trăm cái rễ phụ tỏa từ trên cao xuống cũng bị quật ngã.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, các cây có đường kính dưới 25cm là những cây có khả năng phục hồi và sống cao. Ngoài giáng hương và sưa trắng, sưa đỏ, các loại cây cổ thụ, quý hiếm khác như sanh, si, đa, xà cừ, sữa, nhội, sấu, phượng... được ưu tiên dựng lại trên một số tuyến phố chính. Quá trình thu dọn, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cũng rất chú trọng đến công đoạn dựng lại cây nghiêng, đổ, gìn giữ tối đa cây để trồng lại.
Ông Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thống kê của UBND quận sau cơn bão số 3, số cây xanh đổ, gãy, bật gốc trên địa bàn là hơn 697 cây. Đối với các cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, quý hiếm có giá trị kinh tế cao, quận đã phối hợp Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội kiểm tra, đánh giá và tổ chức chống dựng tại chỗ. Trường hợp không thể chống dựng thì đề xuất di chuyển về vườn ươm để chăm sóc.
“Cứu được cây là chúng tôi tìm mọi cách để cứu” - ông Tùng nói và cho biết thêm, thời gian tới, UBND quận sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND 18 phường phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tiếp tục di chuyển các gốc cây đã gãy đổ; triển khai các thủ tục đầu tư để trồng lại cây tại vị trí đã gãy, đổ trên một số tuyến phố theo phân cấp. Cố gắng hồi phục nhanh nhất màu xanh cho các tuyến đường.
Không nên cứ có đất là trồng
Thời điểm này, vấn đề cần nhìn nhận thấu đáo là trồng những loại cây gì phù hợp với điều kiện đô thị cũng như tránh được sự hủy hoại của bão lốc, vừa tạo ra nét đẹp đặc trưng về cây xanh của Hà Nội?
Nhiều chuyên gia lâm nghiệp cho rằng trồng cây trong đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng phải tính toán kỹ về loại cây, đất đai cho phù hợp, không thể “có đất là trồng”. Bởi thành phố có quá nhiều công trình ngầm (cáp điện, cáp viễn thông, thoát nước...), cộng thêm việc bê tông hóa vỉa hè khiến rễ cây phát triển kém, dễ đổ ngã khi gặp mưa bão.
Đặc biệt quan trọng là không thể để “bệnh thành tích” lan tràn trong việc trồng cây xanh đô thị, mà cần có sự nghiên cứu, đầu tư và giám sát kỹ từng cây một. Việc trồng ẩu, trồng xổi khiến mỗi mùa bão, gió lại góp thêm lượng lớn cây đổ. Chưa kể cây đổ vào người dân, nhà cửa, xe cộ, gây ra những thiệt hại không thể khắc phục.
Theo ông Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam), để cây sống được, đứng vững được là do bộ rễ. Nếu bộ rễ của cây chắc chắn thì khó có thể bị quật ngã. Rõ hơn, theo vị chuyên gia này, cây có 2 hệ gồm rễ ngang - rễ cọc. Rễ cọc đâm sâu xuống đất còn rễ ngang phát triển đến đâu, lá phát triển đến đấy. Nếu cây rễ cọc không phát triển kịp sự phát triển của tán lá thì khi gặp gió to cây ắt bị đổ.
Cây xanh đô thị phải chịu nhiều áp lực hơn so với cây cối trong tự nhiên. Không chỉ chịu tác động thường xuyên từ nhiệt độ cao, ô nhiễm không khí mà còn chịu tác động khi các hoạt động xây dựng và giao thông có thể gây hư hại đến rễ, thân và cành cây. Không gian sinh trưởng của cây xanh đô thị rất hạn chế, vì thế để giữ cho chúng có cuộc sống bền bỉ, tăng sức chống chịu thì cần kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu suy yếu. Cùng đó, phải tỉa cành đúng cách, loại bỏ cành khô yếu, giảm sức gió ngăn ngừa gãy đổ cũng như cải thiện cấu trúc rễ, bổ sung dinh dưỡng định kỳ để rễ khỏe mạnh.
Sớm lập bản đồ cây xanh cho Thủ đô
Hà Nội được biết đến là thành phố của cây xanh, với những “phố cây” đã trở thành ký ức của bao thế hệ. Phố Phan Đình Phùng từng được gọi là “phố sấu”; phố Lò Đúc là “phố sao đen”; phố Nguyễn Du với hoa sữa; phố Hoàng Diệu với hàng cây xà cừ… Những thân cây gồ ghề, cồng kềnh có tuổi đời nhiều hơn với hầu hết mọi người.
Sau này, do vội vã trồng, nhiều đường phố chủ yếu là các cây lấy bóng mát, hay lấy hoa mà không có nhiều giá trị về gỗ cũng như giá trị biểu tượng mang tính văn hóa, ký ức. Hôm nay, đi trên nhiều đường phố của Hà Nội, người ta có cảm giác lẫn lộn do quá đa dạng các loại cây. Kể cả những tuyến đường nội đô mới thì quy hoạch cây xanh vẫn bất ổn. Có thể kể đến tuyến phố Trần Duy Hưng, dù đã thay cây xanh cỡ lớn đến 2 lần nhưng vẫn lộn xộn, không hợp lý. Tuyến đường này đã từng được trồng cả nghìn cây hoa anh đào Nhật Bản, nhưng không hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cây chết nhanh chóng.
Trước đó, 262 cây phong lá đỏ được trồng trên trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng vào đầu năm 2018 với kỳ vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào giữa lòng Hà Nội. Tuy nhiên, việc trồng thử nghiệm đã không mang lại hiệu quả. Theo thống kê, 45 cây trong số này đã chết, 217 cây còn lại sinh trưởng kém, thường xuyên héo lá; cành, nhánh khô và sâu bệnh. Theo giới chuyên gia lâm nghiệp và môi trường, sau lần thiệt hại quá lớn này Hà Nội rất cẩn trọng trong quy hoạch các hàng cây trong nội đô. Cùng với việc cứu sống những cây còn có thể, thì rất quan trọng là việc trồng mới loại cây gì phù hợp, mang lại vẻ đẹp lâu bền.
Lấy dẫn chứng hàng cây sao đen ở phố Lò Đúc, GS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nói rằng, Hà Nội cần trồng những loại cây mang đặc điểm rõ rệt của cây đô thị như tán lá xanh, rễ cọc, trồng lâu năm, ít bị gãy đổ, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu. “Khi nghiên cứu cây trồng đô thị phải tính đến khả năng sinh học của từng loài và phải trồng lâu dài, có tầm nhìn theo từng tuyến phố” - ông Lung nói.
TS.KTS Đặng Việt Dũng - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cũng cho rằng, việc hàng nghìn cây gãy đổ sau bão đã cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm về bài toán quy hoạch cây xanh như thế nào. “Vấn đề này, theo tôi cần có sự chung tay góp sức của nhiều ngành, chuyên gia. Trước mắt, để phủ xanh khoảng trống màu xanh cho đô thị, ngoài việc nhanh chóng trồng mới thì cũng phải tuyệt đối tận dụng những cây gãy đổ còn có thể trồng lại được” - ông Dũng nói.
Nhiều nghiên cứu cũng cho biết, Hà Nội nên ưu tiên trồng các loại cây như cây sao đen, xà cừ, bằng lăng, lim xẹt, hoàng nam, lộc vừng, me tây, phượng vĩ, sấu, long não (dã hương)...
Như vậy, Hà Nội không phải thiếu các loại cây quý trồng được trong phố, vấn đề là quy hoạch ra sao. Việc trồng cây không chỉ phủ xanh thành phố, giúp điều hòa không khí, cải tạo môi trường mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho từng tuyến phố của Thủ đô. Thế nên, việc lập bản đồ cây xanh của thành phố cần phải được tính toán thật kỹ lưỡng.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Phải là cả quá trình chăm sóc chứ không đơn thuần chặt, tỉa
Những năm qua, nhiều lần TP Hà Nội lập quy hoạch cây xanh. Trong đó xác định rõ định hướng khu vực cây xanh, cây xanh công cộng, cây xanh trong các khu nhà ở… Đặc biệt, có gợi ý danh mục các cây xanh được trồng và không nên trồng trên TP Hà Nội. Có thể nói, cây xanh phân bổ như thế nào trên toàn thành phố đã có định hướng và quy hoạch rõ ràng. Đây chính là thuận lợi, là công cụ pháp lý để thực hiện.
Vấn đề cần đặt ra là bảo dưỡng và chăm sóc cây xanh như thế nào. Không chỉ có chặt, tỉa mà chúng ta phải chăm sóc, điều tra, sử dụng và phối hợp để giữ cây xanh được bền vững. Như các hạ tầng kỹ thuật khi làm đường ống, đường dây cùng chung trên vỉa hè nhưng làm sao để không xâm lấn, làm hại đến cây xanh. Trong đó, đáng lưu ý là khi một số cây bật gốc người ta vẫn thấy rễ cây còn bọc nilon. Điều đó cho thấy sự cẩu thả trong quá trình trồng và thiếu giám sát, xử lý vi phạm.
Ngoài ra Hà Nội cần chú trọng hơn nữa đối với vườn ươm cây xanh. Những vườn ươm sẽ phải đủ cây trồng phù hợp cho đô thị. Bên cạnh đó, quá trình duy tu, bảo dưỡng nên chú trọng cây xanh mang tính chất di sản và cây xanh cổ thụ, phải xem cây khỏe, yếu thế nào để có chế độ chăm sóc đặc biệt, chứ không chỉ là đến mùa mưa bão là đi cắt, tỉa…