Đại dịch Covd-19 kéo dài hơn 2 năm đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch đã phải cắt giảm nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn. Khi du lịch khôi phục, thiếu nhân lực chính là điều các DN phải đối diện.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, DN ngành du lịch đã cắt giảm nhân sự đến 70-80% năm 2020. Năm 2021, số lao động làm toàn thời gian chỉ còn ở mức 25% so với năm 2020, trong khi đó khoảng 30% lao động nghỉ việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động. Những lao động này quay lại với công việc cũ trước khi theo ngành du lịch và khách sạn, hoặc tìm việc làm khác.
Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro - Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam) đánh giá, tình trạng mất cân bằng cung và cầu nghiêm trọng đối với lao động có trình độ vốn đã là vấn đề nan giải của ngành từ trước khi đại dịch bùng phát. Số liệu thống kê từ trước đại dịch cho thấy, chỉ có 42% lao động được đào tạo bài bản về du lịch, 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Hiện tại, cả nước có khoảng trên 300 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến đại học.
Tuy nhiên quy mô đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế; hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao; liên kết giữa nhà trường, DN và giữa các chủ thể, chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; các chính sách và hành lang pháp lý cho tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí (Trường Đại học Văn Lang) cũng cho rằng, lao động trong ngành du lịch hiện nay so với yêu cầu của hội nhập, phát triển, cạnh tranh trên thế giới, đặc biệt trong khu vực dịch vụ cao cấp (tiêu chuẩn khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc hơn nữa), chưa đáp ứng được yêu cầu. Khu vực dịch vụ cao cấp có tính cạnh tranh cao, nhưng nhân lực của Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng quản trị toàn cầu và quản trị chuỗi giá trị đặc thù của ngành.
Chẳng hạn, các cơ sở lưu trú và phục vụ ẩm thực, các công ty vận chuyển du lịch; những nhà tổ chức du lịch liên quan đến MICE, thiên nhiên, văn hóa, di sản, thể thao và du lịch mạo hiểm; nghề thủ công và bán lẻ, các công ty công nghệ hỗ trợ.
Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro mong muốn, ngành du lịch cần nỗ lực đưa ra các biện pháp đồng bộ nhằm khuyến khích lao động có trình độ quay lại làm việc. Về mặt chính sách, cần đặc biệt lưu ý đến các định hướng giáo dục đào tạo được đề cập trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
“Ngày càng có nhiều nhân tài được đào tạo bài bản về du lịch và khách sạn tại các trường đại học, cao đẳng, và họ sẵn sàng tham gia thị trường lao động ở cấp quản lý. Ngành du lịch nên tạo cơ hội và thu hút nguồn nhân lực này với mức lương cao hơn bình thường”- tiến sĩ Ribeiro nhấn mạnh đồng thời cho rằng sự phối hợp giữa ngành DN du lịch với các cơ sở đào tạo du lịch là hết sức cần thiết để đảm bảo Việt Nam có thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.
Một giải pháp mà Chính phủ có thể triển khai là đưa ra ưu đãi thuế cho các tổ chức tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo về du lịch và khách sạn. Nhiều DN có cơ sở vật chất tốt và phù hợp cho việc đào tạo ngành du lịch tại chỗ, nhưng họ cần hỗ trợ về chi phí.
Nếu huy động được sự tham gia của họ thì nỗ lực mở rộng quy mô đào tạo và chất lượng sẽ được nâng cao, giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ trong ngành du lịch và khách sạn ở Việt Nam.
Thị trường lao động du lịch có yêu cầu và mức độ các kỹ năng; từ những yêu cầu phức tạp đối với các sản phẩm và dịch vụ 5 sao cho đến các yêu cầu rất đa dạng trong các khu vực kinh doanh nhỏ và không chính thức. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch cần định vị giá trị riêng của từng phân khúc. Đó là cách tiếp cận có ưu tiên, có trọng điểm theo thực tế với một lộ trình rõ ràng.