Theo cơ quan chức năng, đã có 53 người mất tích, trong đó có 45 người ở thôn 1 (xã Trà Leng) và 8 người ở thôn 1 xã Trà Vân. Hiện lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 7 nạn nhân.
Cập nhật...
Theo TTXVN, đêm 28/10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành liên quan đã họp khẩn về vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My).
Cuộc họp đã nhất trí thành lập Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương tại huyện Bắc Trà My do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trí Thanh chỉ huy.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện đã có thông tin ban đầu về vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng. Tuy nhiên, từ trung tâm xã đến hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở nên chưa thể tiếp cận.
Cụ thể, đã có 53 người mất tích, trong đó có 45 người ở thôn 1 (xã Trà Leng) và 8 người ở thôn 1 xã Trà Vân. Hiện lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 7 nạn nhân.
"Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, đã vùi lấp nhiều người", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, một số sự cố có thể lường trước được nhưng riêng sạt lở đất do mưa lũ kéo dài ở vùng núi rất khó đoán định.
Đánh giá cao lãnh đạo tỉnh, các lực lượng, Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 rất chủ động tập trung xây dựng phương án khẩn trương tìm kiếm, song Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc tìm kiếm sẽ khó khăn do địa bàn xảy ra sự cố rất phức tạp, đi lại khó khăn. Hơn nữa, mưa lũ kéo dài cộng với cơn bão số 9 vừa rồi tác động rất mạnh, làm sạt lở đất tại nhiều khu vực.
Phó Thủ tướng lưu ý Quảng Nam cần đặc biệt tập trung ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh, của các lực lượng trên địa bàn. Ông yêu cầu tiếp tục rà soát các vị trí nguy hiểm để sơ tán dân. "Khó nhưng cũng phải làm", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Đêm 28/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện về việc cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Trong Công điện gửi Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5; UBND tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tối nay, 28/10/2020, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người dân.
Lúc 22h30, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Công an, Quân khu 5 họp khẩn tại Trụ sở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam để bàn biện pháp cứu hộ cứu nạn.
Trước đó, tối cùng ngày, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số tại Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tìm kiếm bằng được những trường hợp hiện còn mất tích; giúp người dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa, bảo đảm cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.
Đặc biệt, có phương án để kịp thời ứng phó với mưa lũ, trước hết là rà soát, sơ tán dân khỏi những khu vực nguy hiểm (ngập sâu, có nguy cơ sạt lở); bảo đảm vận hành an toàn hồ đập, không để xảy ra tác động tiêu cực; tập trung lực lượng với phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với mọi tình huống.
Tính đến 20h30 ngày 28/10, sau khi bão số 9 tan, địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ còn gió và mưa nhẹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường, từ chiều 28/10 đến ngày 29/10, địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to, tổng lượng mưa bình quân từ 40-80 mm, có nơi trên 100 mm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng bão số 9, từ 10-16h ngày 28/10, địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có gió giật cấp 8-10, lượng mưa bình quân từ 150-300mm gây ngập lụt, sạt lở và làm đổ sập nhiều công trình trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, bão số 9 đã làm chết, mất tích 3 người, bị thương 5 người và làm 13 nhà bị sạt lở, vùi lấp tại huyện Phước Sơn; 30 nhà ở các huyện Phước Sơn, Bắc Trà My và Nam Trà My bị tốc mái.
Một số trường học, công trình công cộng, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng bị tốc mái.
Đến 17h, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, sau khi đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Trà My (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; ở TP Huế và TP Đà Nẵng có gió giật cấp 10; ở Sân bay Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; các nơi khác ở khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có gió giật cấp 7-8.
Trong tối và đêm nay, ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 40-70 mm; từ ngày mai (29/10) mưa giảm.
Từ đêm nay đến ngày 31/10, ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500 mm. Ở Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150 mm.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mưa lớn sau bão có khả năng ngập lụt tại các vùng trũng thấp, ven sông suối. Dự báo khu vực Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm/đợt và có khả năng gây lũ trên các sông.
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bình Định cảnh báo trong 6 đến 12 giờ tới mực nước lũ các sông tiếp tục lên đạt đỉnh và sau đó giảm dần; nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các huyện (An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát); Sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven hạ lưu các sông, khu nội thành đô thị. Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Chiều 28/10, lãnh đạo UBND huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cho biết, do mưa lớn nên nước sông Đakrông dâng cao gây chia cắt, cô lập nhiều thôn, xã trên địa bàn.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đakrông, các cầu tràn dẫn vào các xã như: Ba Lòng, A Vao, Ba Nang… đến chiều nay đã bị chia cắt vì nước ngập sâu, chảy xiết.
Trong khi đó, thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Trị, hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị ở huyện miền núi Hướng Hóa bắt đầu thực hiện xả lũ, điều tiết nước từ chiều ngày 28/10.
Cụ thể, Công ty Thủy điện Quảng Trị thực hiện xả lũ từ 15h ngày 28/10.
Lưu lượng xả lũ tại thời điểm ban đầu theo thông báo là 40m3/s, sau khi cắt lũ hồ chứa xả điều tiết theo lưu lượng về hồ thực tế.
Đây là lần thứ 2 trong gần 20 ngày qua, thủy điện Quảng Trị tiến hành xả lũ trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp kéo dài từ ngày 6 đến 21/10.
Trước đó, ngày 11/10, Công ty Thủy điện Quảng Trị cũng đã xả lũ với lưu lượng thông báo là 40 m3/s.
Trưa 28/10, bão số 9 đổ bộ vào đất liền, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo cuộc họp các thành viên Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 tại Đà Nẵng.
Theo đó, lực lượng chức năng khẩn trương chuẩn bị máy bay để ngay khi thời tiết thuận lợi sẽ tìm kiếm các thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định gặp nạn trên biển.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cần xây dựng phương án, chương trình tìm kiếm cứu nạn bằng máy bay để áp dụng trong các đợt tìm kiếm cứu nạn sau này.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đến 12h ngày 28/10, bão số 9 đã gây ra gió bão rất lớn tại Quảng Ngãi, Quảng Nam và các tỉnh lân cận.
Hiện lực lượng chức năng đang giữ gìn, đảm bảo an toàn cho trên 45.000 tàu thuyền neo đậu, 188.000 lồng cá. Các địa phương cố gắng đảm bảo không rủi ro về người.
Hiện, 6 tỉnh của khu vực trọng điểm đã tổ chức sơ tán cho hơn 98.000 hộ với khoảng 400.000 nhân khẩu; đang tập trung giữ gìn an ninh, đảm bảo an toàn cho người dân trên mọi phương diện.
Tất cả các công trình trọng điểm, đặc biệt là các hồ chứa đều đang được đảm bảo an toàn.
Chiều 28/10, các tỉnh Tây Nguyên sẽ tiếp tục có gió to kèm mưa lớn, Bộ trưởng đề nghị chính quyền và nhân dân khu vực này cảnh giác trước sạt lở, lũ quét tại các vùng núi và ngập lụt ở các vùng trũng, các hồ chứa và bảo vệ tài sản của nhân dân trước ảnh hưởng của thiên tai.
Về vấn đề tìm kiếm cứu nạn các tàu thuyền gặp nạn trên biển, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: “Hiện nay, có 2 tàu cá Bình Định bị chìm trên biển, chúng tôi đang tìm kiếm với hy vọng các ngư dân có áo phao và vẫn còn trôi dạt trên biển.
Lực lượng chức năng đã liên lạc được với một tàu Bình Định bị hỏng máy, đang thả trôi trên biển sáng nay, 12 ngư dân trên tàu có sức khỏe ổn định.
Lúc 1h sáng 28/10, Bộ Quốc phòng điều động 2 tàu Kiểm ngư xuất phát từ cảng Cam Ranh và dự kiến đến 20h tối nay sẽ tiếp cận được tàu đang thả trôi này. Sau buổi họp sáng nay, Bộ Quốc phòng đã điều động thêm 1 tàu kiểm ngư tiếp tục ra khu vực tàu BĐ-96338 bị chìm vào trưa hôm qua.
Ngoài ra, Quân đội cũng sẵn sàng dùng máy bay tìm kiếm, thả áo phao và thông báo cho các tàu thuyền ứng cứu tàu gặp nạn trên biển”.
Theo bản tin do Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia phát ra lúc 10h15 sáng nay, do ảnh hưởng của bão số 9, tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13; tại Bình Châu (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 11, giật cấp 12, tại Hoài Hải (Bình Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11, tại An Khê (Gia Lai) có gió cấp 7, giật cấp 9.
Vị trí tâm bão vào lúc 10h ngày 28/10 chỉ còn cách Quảng Nam 110 km, cách Quảng Ngãi 60 km, cách Bình Định 120km; cách Phú Yên 200 km. Sức gió mạnh nhất: cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.
Cơ quan khí tượng thủy văn cũng dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25 km/h.
Theo TTXVN, do ảnh hưởng của bão số 9, đến 8 giờ sáng ngày 28/10 tại Phú Yên có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, gió giật mạnh.
Tại các tuyến phố chính của thành phố Tuy Hòa như Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Nguyễn Công Trứ, nhiều cây xanh đã bị bật gốc, một số mái tôn, biển hiệu quảng cáo, lều bạt của người dân bị gió thổi bay.
Tại các địa phương như huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, do gió to một số cây xanh trồng dọc các tuyến đường liên xã bị ngã đỗ, chính quyền các địa phương đang huy động lực lượng phương tiện giải tỏa, khắc phục thông đường tạo thuận lợi cho người dân lưu thông.
Do ảnh hưởng của bão, tại Phú Yên có có gần 82.000 khách hàng bị mất điện tại các huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa.
Hiện Điện lực Phú Yên đã khôi phục sự cố mất điện cho 23.773 khách hàng, hiện còn 40/100 xã, phường, thị trấn với 58.200 khách hàng đang mất điện.
Theo bản tin phát ra lúc 9h sáng 28/10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, bão số 9 đã giảm đi 1 cấp.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.
Ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 100-210 mm.
Hồi 7h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.
Theo TTXVN, Lý Sơn là địa phương đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 9. Đến thời điểm hiện nay, Lý Sơn đang có gió rất mạnh rít từng cơn kèm theo mưa lớn, sóng biển cao từ 4-6 m.
Mưa lớn và gió mạnh đã làm tốc một số mái nhà của người dân và trụ sở cơ quan như: Nhà thi đấu trung tâm Thể thao văn hóa thông tin và trụ sở cơ quan thi hành án của huyện. Hiện nay, toàn bộ huyện đảo đã bị mất điện.
Theo báo cáo nhanh của Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đã có 1 người chết là anh Nguyễn Văn Hiệp, 39 tuổi, ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, bị ngã chết vào chiều ngày 27/10 khi chằng chống nhà ở; 1 người bị thương ở huyện Nghĩa Hành.
Hiện nay, dung tích các hồ đạt trung bình khoảng 61,5% dung tích thiết kế. Trong đó, hồ chứa nước có tràn xả lũ tự do: 67,6% dung tích thiết kế, hồ chứa nước có cửa van điều tiết: 60,3% dung tích thiết kế.
Riêng hồ chứa nước Nước Trong đạt 63,6% dung tích thiết kế. Tại các hồ thủy điện, dung tích trữ của các hồ chứa: Đakđrinh lac 84,5%, Hà Nang: 54,1%, ĐăkRe: 86,8%.
Sáng sớm 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp gấp với các lực lượng phòng chống bão số 9 khi chỉ còn khoảng 2 giờ đồng hồ nữa là bão đổ bộ vào đất liền.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh dù bão số 9 đã giảm cấp theo dự báo nhưng còn rất mạnh, ảnh hưởng rộng, mưa rất lớn. Các địa phương phải tận dụng tối đa thời gian để bảo vệ tính mạng, tài sản của của người dân, tiếp tục kiêm tra, rà soát các tàu thuyền trên biển, đặc biệt là 42 tàu còn đang ở trong khu vực nguy hiểm; các khu vực neo đậu; “cưỡng chế di dời tất cả những người còn ở trên tàu thuyền tại khu neo đâu, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản”.
Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại một lần nữa tình hình sơ tán, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, gió giật mạnh. Tất cả những nơi tránh trú bão, đón người dân sơ tán phải kiểm tra, gia cố lại chắc chắn.
Phó Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó với các sự cố mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực miền núi.
Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác sơ tán người dân, đảm bảo an toàn nơi tránh trú bão số 9 tại trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm.
Hồi 4h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 280km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.
Đến 16h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8 m.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m.
Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5 m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi.
Gió mạnh trên đất liền: Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Mưa lớn: Ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150-250 mm/đợt.
Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.