Nếu không “bắt” người chạy chức quyền uống thuốc dư luận sẽ còn bức xúc vì vấn nạn này sẽ tạo ra bất công rất lớn trong xã hội, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) nhấn mạnh.
Ngày 29/3 Quốc hội đã dành trọn 1 ngày để thảo luận tại Hội trường về các báo cáo nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nhiều ý kiến ĐB đã góp ý thẳng thắn vào những vấn đề lớn của đất nước cả nhiệm kỳ vừa qua.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình).
Nhiều giải pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Về nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết, nhìn chung cử tri nhân dân ghi nhận nỗ lực các Chủ tịch nước và cá nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Chủ tịch nước đã thể hiện sự tận tâm, tận tuỵ, làm việc phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Đặc biệt, vai trò nêu gương của ông trước Đảng, trước hệ thống bộ máy có đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới đất nước.
“Về tồn tại, hạn chế mà Chủ tịch nước tự kiểm, chúng tôi cũng thấy, đó là với cương vị đứng đầu Nhà nước nhưng đóng góp vào kết quả chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, vấn đề hệ trọng quốc kế dân sinh thì chưa rõ”, ông Phương nói và dẫn chứng cụ thể như việc vay nợ quốc tế, giám sát sử dụng nguồn vay, an toàn nợ công và khả năng trả nợ quốc gia...
Chẳng hạn, “vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang được Hiến định, còn trên thực tế thể hiện thế nào? Mới ở khâu thăng giáng quân hàm, còn vai trò với quyết được xây dựng lực lượng, đề nghị đầu tư nguồn lực tài chính và trang bị thiết bị kỹ thuật phục vụ quốc phòng an ninh thì cũng chưa rõ”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM).
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng cho biết, cử tri đánh giá Chủ tịch nước gương mẫu trong lối sống và công việc, có tinh thần trách nhiệm cao và làm việc không mệt mỏi cho dân cho nước.
Đặc biệt, trong vai trò Trưởng ban cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước có nhiều đóng góp trong đổi mới hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống tư pháp nói riêng. Chủ tịch nước luôn gắn bó với cử tri, giữ tình cảm cách mạng với nhân dân; có thái độ cương quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước có quyền tham dự các cuộc họp của UBTVQH và Chính phủ, yêu cầu Chính phủ họp về những vấn đề họp Chủ tịch nước thấy cần thiết. Tuy nhiên, vừa qua việc này chưa thực hiện nên đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh nhiệm kỳ tới, với vai trò nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước có thể đóng góp nhiều mặt hơn, đặt biệt là quốc phòng, ngoại giao.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM).
Nói không với nạn chạy chức, chạy quyền
Góp ý kiến vào báo cáo nhiệm kỳ của Thủ tướng, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) tiếp tục chỉ ra những bức xúc trong bộ máy quản lý nhà nước. Theo ĐB, vấn đề đội ngũ cán bộ công chức, bộ máy nhà nước quá cồng kềnh là điều ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên, điều đáng nói là lại xuất hiện thêm một số luật góp phần làm cho bộ máy cồng kềnh như luật chính quyền địa phương tăng thêm 22 nghìn biên chế thuộc hội đồng nhân dân.
Nếu tăng thêm biên chế thế này thì làm sao thực hiện được mục tiêu tinh giảm biên chế. Ông Đương đề nghị cần có giải pháp căn cơ để tinh gọn bộ máy đừng để dư luận râm ran là 30% cán bộ “cắp ô” mà chẳng tinh giản được người không làm được việc.
Đưa ra giải pháp cụ thể, ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị, nếu luật làm tăng biên chế phải sửa luật đồng thời nhất thể hóa một số chức danh giữa đảng chính quyền để có những cán bộ nói đi đôi với làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ngoài ra phải giảm bớt tổ chức đoàn thể đi, nhất là tổ chức hưởng tiền từ ngân sách và hợp nhất một số cơ quan lại nếu phạm vi, nội dung hoạt động giống nhau.
Vấn đề chạy chức chạy quyền ông Đương cũng đề nghị phải tìm những liều thuốc đặc trị đề trị vấn nạn này. Nếu không “bắt” người chạy chức quyền uống thuốc dư luận sẽ còn bức xúc vì vấn nạn này sẽ tạo ra bất công rất lớn trong xã hội.
ĐB Tô Văn Tám (KonTum).
Xin lỗi người oan sai cần chân thành
Góp ý kiến vào báo cáo nhiệm kỳ công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ĐB Tô Văn Tám (KonTum) có chỉ ra những điểm sáng trong công tác bồi thường oan sai như, thực hiện một chác đúng đắn, nghiêm túc, cầu thị việc bồi thường oan sai trong tố tụng. “Dư luận đánh giá cao việc này nhưng người dân vẫn lấy làm tiếc vì đôi lúc việc tổ chức xin lỗi công khai chưa được thấu đáo”, ông Tám nói.
“Thời gian xin lỗi diễn ra quá ngắn, người được xin lỗi không có cơ hội giãi bày, làm họ hụt hẫn và có cảm giác những oan ức, đau buồn của họ không được chia sẻ, cảm thông, khiến ý nghĩa việc bồi thường oan sai chưa trọn vẹn”, ông Tám nói.
K.Ly