Bất chấp giãn cách xã hội, tín dụng 8 tháng tại 2 địa phương lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM vẫn tăng trưởng khá mạnh.
Giới chuyên gia nhìn nhận trong giai đoạn khó khăn hiện tại của dịch bệnh, không loại trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong điều kiện lạm phát được kiểm soát. Như vậy, tín dụng cuối năm sẽ có khả năng bứt tốc…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 8, tín dụng tăng khoảng 7,4% so với đầu năm. Còn theo số liệu của Cục Thống kê TP Hà Nội, tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với thời điểm kết thúc năm 2020.
Trong khi đó Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố tính đến ngày 1/8/2021 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia do ảnh hưởng của đại dịch, vòng quay tín dụng có chậm hơn do quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tạm ngưng hoạt động, gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch Covid -19. Nhưng đặt trong bối cảnh cả nền kinh tế khó khăn, tăng tín dụng vẫn tăng trên 7% là khá tốt.
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, tín dụng tăng là nhờ các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của NHNN và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 58.000 khách hàng với dư nợ 74.900 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 178.000 khách hàng với dư nợ 254.200 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 965.500 tỷ đồng cho hơn 97.700 lượt khách hàng.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, tín dụng chủ yếu chảy vào các khu chế xuất, khu công nghiệp – trọng điểm sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đơn hàng xuất khẩu vẫn tăng trưởng tích cực nên nhóm doanh nghiệp nước ngoài vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động, cầu tín dụng tăng đều đặn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hiện nay, dòng vốn tín dụng đã được hỗ trợ kịp thời cho những lĩnh vực thiết yếu, tới các doanh nghiệp, người dân. Sau lĩnh vực lúa gạo, sắp tới, NHNN dự kiến tổ chức hội nghị để hỗ trợ lĩnh vực nông sản, cây ăn quả và có thể là lĩnh vực thủy sản.