Tín hiệu tích cực của nền kinh tế

T.Hằng 31/07/2023 07:00

Dù mức độ phục hồi còn chậm nhưng sản xuất công nghiệp đang dần tăng trưởng trở lại. Cùng với đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Tín hiệu tích cực của nền kinh tế đang dần hiện rõ.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành nghề đã nỗ lực vượt khó, đem lại kết quả đáng khích lệ. Ảnh: Quang Vinh.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, tháng 7 và 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49/63 địa phương.

Duy trì tăng trưởng

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất đang thu hẹp dần khó khăn, mở rộng thành quả. Nhiều đơn vị của Hiệp hội DN cơ khí cho biết, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện, DN sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật...

Đã có những DN tiên phong phát triển công nghiệp hỗ trợ, như Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải (Thaco Industries) sản xuất rất nhiều sản phẩm cơ khí phục vụ cuộc sống như máy móc nông nghiệp, đường ống cấp thoát nước, bồn chứa nước, linh kiện và phụ tùng ô tô... Những sản phẩm đó đã giúp Thaco Industries đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm và tăng trưởng liên tục trong các năm gần đây.

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, một số DN, ngành nghề đã nỗ lực vượt khó, đem lại kết quả đáng khích lệ. Đáng chú ý nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước.

Cũng theo ông Phương, quan trọng hơn là cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa được thúc đẩy. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì mức tăng trưởng ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Xuất khẩu sầu riêng đã gần đạt 1 tỷ USD.

Tín hiệu vui từ xuất khẩu

Tháng 7/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại, Việt Nam xuất siêu 2,15 tỷ USD hàng hóa trong tháng 7 và 15,23 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2023.

Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2023, có đến 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%.

Đặc biệt, ở một số ngành hàng trong 6 tháng đầu năm gặp khó như xuất khẩu tôm, xuất khẩu hàng dệt may, xuất khẩu thủy sản khó khăn dần được khắc phục. Chẳng hạn với mặt hàng tôm, 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc có xu hướng kim ngạch xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước và xuất hiện nhiều tín hiệu vui cho xuất khẩu tôm nửa cuối năm nay.

Một tín hiệu khả quan cho các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản là ngày 12/7 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về giải pháp gỡ khó cho DN thủy sản. Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị về việc điều chỉnh lãi suất cho vay, cấp tín dụng, cơ cấu lại nợ theo đúng giải pháp quy định tại Nghị quyết số 88 ngày 8/6/2023, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho DN ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167 ngày 1/5/2023.

Điểm sáng nữa cũng được nhìn nhận là việc thành công trong thu hút dòng vốn ngoại. Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, điểm tích cực là vốn thực hiện ước đạt 11,58 tỷ USD trong 7 tháng, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, cùng với số lượng dự án và vốn đầu tư ngày càng gia tăng, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một khu vực kinh tế năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời, khu vực đầu tư nước ngoài cũng đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Doanh nghiệp vẫn cần tiếp sức

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng dù đã có dấu hiệu tích cực, tuy nhiên DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các DN trong nước mà còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong khu vực. Khó khăn dồn dập, trong nửa đầu năm 2023, các DN đã thấm mệt. Nhiều DN trong khó khăn đã chọn cách tự tái cơ cấu, thay đổi chiến lược, tìm kiếm giải pháp để phục hồi.

Các DN mong muốn việc cải cách hành chính, cải cách thủ tục kinh doanh phải quyết liệt và phát huy hiệu quả hơn nữa. Mặt khác, các DN đề nghị chính sách hỗ trợ tập trung vào 2 công cụ chính là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; cùng với đó là phải điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là áp dụng các nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài.

Theo giới chuyên gia kinh tế, những nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN là đáng ghi nhận. Bên cạnh các kỳ tích xuất khẩu như gạo, sầu riêng bản thân các ngành hàng cũng có thể có kết quả tốt hơn nữa. Chẳng hạn DN dệt may nhanh chóng xanh hóa để đáp ứng các yêu cầu nước nhập khẩu. Tuy nhiên, trước nhiều thách thức, DN cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Trong đó, các DN nên đi theo xu hướng chuyển đổi xanh bởi đây sẽ là tiền đề giúp tạo “giấy thông hành” tốt hơn khi gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, tăng thêm tính cạnh tranh cho DN.

Ông Trần Thành Long - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì, củng cố các thị trường truyền thống; khai thác hiệu quả, thực chất hơn nữa các FTA đã ký kết cũng như sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết các FTA mới nhằm phát triển các thị trường mới, tiềm năng.

Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để hỗ trợ dòng tiền, đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Quan trọng nhất là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, cần theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Thêm nữa, thời điểm này cần thực hiện hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, lãi suất nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực tăng trưởng. Điều hành tỷ giá phù hợp; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng. Điều hành thống nhất, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vốn, lao động. Phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu tích cực của nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO