Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới thành lập phản ánh triển vọng tốt về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tích cực.
PV:Thưa ông, ông dự báo như thế nào về thị trường lao động cuối năm?
Ông Vũ Quang Thành: Từ đầu năm đến nay Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức với các địa phương lân cận như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm tạo cầu nối để doanh nghiệp (DN) và người lao động gặp nhau. Thông qua phiên giao dịch việc làm này đã kết nối hàng trăm nghìn công việc cho người lao động. Từ các dữ liệu tại các phiên giao dịch việc làm gần đây cho thấy, bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, vẫn có nhiều ngành nghề có chỉ số tăng, nhờ vậy đã giúp thị trường lao động tiếp tục có những chuyển biến tốt, nhu cầu tuyển dụng tăng vào những tháng cuối năm 2023… Số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại – dịch vụ (chiếm 90% tổng nhu cầu tuyển dụng), ngoài ra là khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các DN sẽ tiếp tục có sự biến động.
Cùng với nhu cầu tuyển dụng từ phía DN, cuối năm cũng là dịp phân khúc thị trường lao động thời vụ tăng cao. Phân khúc có nhu cầu như thế nào dịp cuối năm nay, thưa ông?
- Sở dĩ nhu cầu tuyển dụng tại Hà Nội vẫn tốt do, bên cạnh nhóm DN giảm quy mô sử dụng lao động, vẫn có không ít đơn vị mới thành lập và nhiều công ty không bị ảnh hưởng, từ đó nhu cầu tuyển dụng nhân sự vẫn gia tăng. Chính vì vậy, để tăng cường kết nối cung – cầu ngay từ bây giờ chúng tôi đã phối hợp với DN tiến hành thu thập nhu cầu tìm kiếm việc làm, nguyện vọng tìm kiếm việc làm của sinh viên trước khi phiên giao dịch việc làm diễn ra.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ phối hợp với các trường đại học, cao đẳng nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguồn sinh viên tìm kiếm việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các DN, đặc biệt là phân khúc bán thời gian để từ đó kết hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm tại các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội.
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong cả nước cho thấy, số lao động thất nghiệp có trình độ đại học, cao đẳng khá cao. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Đây không phải là câu chuyện mới. Thực tế từ những phiên giao dịch việc làm chúng tôi tổ chức cho thấy, có rất nhiều lao động dù tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng hồ sơ vẫn bị DN loại trong khi những lao động chỉ có trình độ trung cấp nhưng có kỹ năng nghề lại được lựa chọn. Bên cạnh điểm yếu kỹ năng thì, nhiều sinh viên mới ra trường còn thiếu kỹ năng mềm trong phỏng vấn, ứng tuyển cũng như thể hiện nguyện vọng của bản thân. Chính vì vậy, thông qua hoạt động giao dịch việc làm tại trường, ngoài việc kết nối DN với sinh viên, chúng tôi còn hỗ trợ trang bị kỹ năng phỏng vấn, chuẩn bị hồ sơ xin việc, tìm kiếm việc làm và kỹ năng tìm kiếm việc làm để phục vụ tốt cho việc làm sau này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước; tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt.