Ngay sau khi nhận được thông tin tích cực từ cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước nhằm nghe báo cáo về tình hình cho vay bất động sản (ngày 6/2), lập tức nhiều cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và điện tăng mạnh. Vấn đề này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Không để "bong bóng" cũng không để "đóng băng"
Trước đó, tại họp báo tổng kết cuối năm 2022 (ngày 27/12/2022) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản (BĐS), để làm rõ hơn trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý BĐS, doanh nghiệp, dự án BĐS. Từ đó, tìm giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, không để "bong bóng" nhưng cũng không để "đóng băng".
Là thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực BĐS, ông Tú cho biết đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên, theo ông Tú, trong định hướng tín dụng năm 2023 của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần ưu tiên cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục kiểm soát tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là kinh doanh BĐS, những hoạt động có tính chất đầu cơ, đội giá BĐS.
Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS là gần 800.000 tỷ đồng. Con số này tại thời điểm cuối năm 2021 là xấp xỉ 700.000 tỷ đồng.
Trước đó, tại buổi gặp mặt nhân dịp đầu Xuân với ngành Ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo ngành ngân hàng rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS cả về phía người bán và người mua.
Nhiều mã cổ phiếu tăng
Thông tin tích cực từ cuộc họp của NHNN vào chiều ngày 6/2 lập tức làm nhiều cổ phiếu ngân hàng, BĐS và điện tăng mạnh.
Ngày 7/2, một số cổ phiếu điện và xây lắp điện tăng vọt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và BĐS ghi nhận nhiều mã quay đầu tăng ấn tượng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng. Trong đó, cổ phiếu Vietcombank (VCB) tăng 3.000 đồng, lên 96.000 đồng/cp; BIDV (BID) tăng 1.650 đồng, lên 45.000 đồng/cp; Vietinbank (CTG) tăng 850 đồng, lên 29.900 đồng/cp.
Trong khi đó, nhiều mã cổ phiếu BĐS tăng trở lại như: Novaland (NVL) tăng 450 đồng, lên 15.400 đồng/cp; Hà Đô (HDG) tăng 600 đồng, lên 32.800 đồng/cp; Nhà Khang Điền (KDH) tăng 400 đồng, lên 27.350 đồng/cp...
Nhóm cổ phiếu điện và xây lắp điện cũng tăng giá mạnh theo sau thông tin tăng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (thêm 220-537 đồng/kWh). Trong đó, cổ phiếu PC1 của Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (xây lắp điện) tăng trần thêm 1.600 đồng, lên 24.900 đồng/cp. Điện Gia Lai (GEG) tăng thêm 4,5%; Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (NT2) tăng 3,5%; REE tăng 2,84%; Nhiệt điện Phả Lại (PPC) tăng 1,75%...
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm, dầu khí, tài chính... cũng diễn biến tích cực.
Như vậy, từ việc NHNN có thể sẽ nới dòng tiền cho vay vào lĩnh vực BĐS, cổ phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh, thoát khỏi tình trạng ảm đạm, tuột dốc suốt nhiều tháng qua. Sau những biến cố trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ánh khá nhiều rủi ro. Trong đó rủi ro về thanh khoản là rất lớn do áp lực đến từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán.
Vì vậy, với việc Chính phủ đang có những động thái thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, thì lĩnh vực BĐS cũng như trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục.
Nhắm vào nhu cầu thực của khách hàng
Trở lại với dòng vốn ngân hàng cho lĩnh vực BĐS, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khơi thông vốn cho khách hàng có nhu cầu thực là yêu cầu tiên quyết. Theo ông Trương Đình Long - Phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB, về lĩnh vực BĐS, ngân hàng này sẽ xác định “đánh” vào nhu cầu thực của khách hàng. Đối với những dự án chưa bàn giao hoặc các dự án không có liên kết với OCB, ngân hàng sẽ kiểm soát rủi ro chặt chẽ để bảo đảm an toàn tín dụng.
Đối với tín dụng BĐS, theo quy định của NHNN thì đến ngày 1/10/2023 các ngân hàng chỉ còn được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Về điều này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng sẽ gây khó khăn cho thị trường BĐS, doanh nghiệp và kể cả người vay mua nhà. Trong khi người mua nhà chính là khâu đầu tiên giải quyết thanh khoản cho thị trường BĐS. Nhưng hiện nay, áp lực lãi vay đối với BĐS khá cao, kể cả với người mua nhà.
Ông Châu cũng cho rằng, bản chất của tín dụng BĐS chủ yếu là vốn trung, dài hạn nên mong muốn được nới thời hạn áp dụng quy định trên để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Nhìn chung, tại thời điểm này, thị trường vốn đã có những dấu hiệu tích cực. Khi nguồn vốn được khơi thông, lãi suất cho vay hạ, sẽ kéo theo sự khởi sắc của nền kinh tế nói chung, trong đó có thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán.
Cùng với việc tập trung sớm đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới, trong năm 2023, Ủy ban chứng khoán nhà nước tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tập trung giám sát, kiểm tra việc cho vay giao dịch ký quỹ đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường.