Đầu năm 2024 xuất khẩu rau quả liên tiếp đón nhận những tín hiệu khả quan khi các doanh nghiệp nhận được đơn hàng có giá trị lớn vào những thị trường tiềm năng.
2023 được đánh giá là năm thành công đối với ngành rau quả Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu rau đạt 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước. Từ những tín hiệu tích cực từ thị trường và đổi mới trong phương thức sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) dự báo, năm 2024, ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới, tăng trưởng ở mức 15-20% so với năm 2023, tương đương 6,5-7 tỷ USD nếu vận dụng tốt thời cơ...
Thực tế, mới đầu năm 2024 nhưng thị trường xuất khẩu rau quả khá sôi động và rộng mở. Mới đây, UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang phối hợp với các sở ngành, Hợp tác xã Cù Lao Giêng và Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T công bố xuất khẩu lô xoài tượng da xanh VietGAP đầu tiên đi thị trường Australia, Mỹ. Đây là lô xoài đã được cấp mã số vùng trồng, đợt này thị trường Australia nhập 6 tấn và Mỹ nhập 1 tấn.
Bà Huỳnh Kim Định – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, đây là bước khởi đầu minh chứng rõ rệt nhất hướng đến sự liên kết từ khâu sản xuất của người dân, HTX, chính quyền địa phương và doanh nghiệp (DN). Bà Định cho rằng, đây sẽ là hướng đi bền vững để mở rộng và phát triển tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group đánh giá, việc xuất khẩu lô xoài tượng da xanh sang thị trường Australia và Mỹ bước đầu khẳng định vị thế trái xoài tượng của An Giang chinh phục thị trường khó tính. Đây là cơ hội lớn giúp thúc đẩy hình ảnh, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện nay, DN cũng đang có định hướng mở rộng thêm thị trường, để tiếp tục đưa trái xoài sang nhiều nước hơn.
Năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành hàng rau quả nói riêng sẽ đón nhận nhiều cơ hội tốt trong năm 2024. Hiện Bộ NNPTNT đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau quả Việt Nam trong năm 2024. “Riêng mặt hàng rau quả, sự mở rộng thị trường tại nhiều nước có dấu hiệu khả quan. Cụ thể, với trái dưa hấu, trước đây, chúng ta chủ yếu bán ở chợ biên giới, số liệu không được ghi nhận, song việc Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư mở chính ngạch, giúp trái dưa hấu phát triển tốt vượt bậc tại đất nước 1,4 tỷ dân này” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói và cho biết thêm, dự kiến, thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Nếu triển khai được, các nghị định này sẽ đóng góp quan trọng trong xuất khẩu nông sản Việt Nam, đặc biệt là những tháng đầu năm 2024.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam Nguyễn Khắc Tiến, 2023 là năm khởi động của ngành ra quả và 2024 sẽ là năm bứt phá ở thị trường Trung Quốc khi dư địa và tiềm năng rất lớn. “Qua quá trình làm việc với các tập đoàn của Trung Quốc, công ty nhận thấy tiềm năng gia tăng kim ngạch của sản phẩm sầu riêng chế biến. Sang năm 2024, công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm này. Đặc biệt trái dưa hấu Việt Nam có thêm tin vui từ Nghị định thư chấp nhận nhập khẩu của thị trường Trung Quốc” - ông Tiến cho hay.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng lạc quan khi cho rằng năm 2024, xuất khẩu rau, quả sẽ khởi sắc nhờ các mặt hàng chủ lực: sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài. Đặc biệt, nếu có thêm sầu riêng đông lạnh, dừa tươi nữa thì xuất khẩu rau quả sẽ lập kỷ lục mới, ít nhất đạt 6 tỷ USD, kỳ vọng có thể đạt 6,5 tỷ USD.
Dù có nhiều thuận lợi, song ông Nguyên cũng lưu ý, ngành rau quả cần phải phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và đảm bảo uy tín của rau quả Việt Nam như lưu ý về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, cơ sở đóng gói... theo quy định của các Nghị định thư đã ký kết.