Thời gian gần đây, nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện để điều trị trong tình trạng “dở khóc, dở cười” chỉ vì tin vào lời thầy lang để chữa bệnh.
Ảnh minh họa.
U ngày một to vì đắp lá, uống thuốc nam
BV Ung Bướu Hà Nội vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân H.V.C. (43 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) đến viện khám trong tình trạng khối u với kích thước khổng lồ ở cổ khiến mặt bệnh nhân lệch hẳn sang một bên. Theo lời kể của bệnh nhân, trước khi đến BV khám cách đây 2 tháng, anh phát hiện cổ mình có nổi một cục to bằng đốt ngón tay nên đã tìm đến một thầy lang nổi tiếng tại địa phương để chữa trị u cục bằng cách “đắp lá”. Tuy nhiên, sau khi đắp lá của thầy lang, khối u ngày một to ra, phát triển nhanh kèm theo nổi hạch xung quanh thành một khối u lớn bầm tím khiến bệnh nhân cảm thấy vô cùng đau đớn. Đến khi thấy khó thở, nuốt vướng, khạc nhổ ra máu, anh C. mới tìm đến BV Đa khoa Ba Vì để khám, sau đó được chuyển lên BV Ung Bướu Hà Nội.
Sau khi tiến hành nội soi, chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện khối u dạng sủi chiếm toàn bộ hố amidan trái và sụn nắp hẹp khẩu kính hạ họng. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân mắc ung thư hạ họng di căn ở giai đoạn muộn.
Cùng giống như bệnh nhân C., trước đó đã có rất nhiều trường hợp chỉ vì tin theo lời thầy lang, đắp lá thuốc,… mà bệnh ngày một nặng, khối u ngày một to ra để lại nhiều hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ.
TS.BS Lê Thanh Đức - Trưởng khoa Nội 5, BV K chia sẻ: Nhiều trường hợp bị u vú khi đến viện thì đã di căn phổi, gan, xương giai đoạn IV, khiến cho quá trình điều trị gặp khó khăn và không hiệu quả.
Tỉnh táo khi chữa bệnh
Ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không nên tin tưởng vào các thầy lang vườn vì dễ rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Với những bài thuốc dân gian “lang vườn” chưa được kiểm chứng nếu tự ý sử dụng sẽ dễ dẫn đến việc người dân chậm điều trị bệnh, để đến khi bệnh không thể cứu chữa mới tìm tới cơ sở y tế thì đã quá muộn.
Thực tế cho thấy, không ít người dân dễ dàng tin vào “thầy lang vườn” chứng tỏ ý thức bảo vệ sức khỏe vẫn còn nhiều hạn chế. Người dân muốn khỏi bệnh, việc khám chữa bệnh phải đảm bảo quy trình toàn diện từ thăm hỏi, khám lâm sàng để chẩn đoán và chỉ định điều trị cho bệnh nhân. Ngoài việc kê đơn còn phải hướng dẫn chi tiết việc dùng thuốc và lưu ý liên quan đến bệnh tật. Việc tự chữa bệnh nghe theo lời đồn thổi sẽ gây những nguy hại tới sức khỏe. Nếu chữa không đúng bệnh, không đúng thuốc sẽ gây những tác hại lớn.
Một số bệnh nhân chần chừ đến BV vì không muốn đối diện sự thật mình bị ung thư, tin vào phán đoán có thể chữa khỏi bệnh của thầy lang với chi phí rẻ. Nhiều trường hợp chuẩn bị phẫu thuật thì bệnh nhân trốn viện vì niềm tin sai trái “đụng dao kéo sẽ khiến khối u phát triển nhanh”. Nhiều bệnh nhân sau một thời gian dùng các thuốc gia truyền thì quay về BV với tình trạng trầm trọng, không thể điều trị được nữa.
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, hiện điều trị ung thư ngày càng tiến bộ với các phương thức phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nhắm trúng đích... Tùy tình trạng, giai đoạn bệnh mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp, phối hợp đa mô thức để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Ung thư nếu phát hiện, điều trị sớm, đúng phương pháp sẽ có kết quả tốt, kéo dài cuộc sống chất lượng. Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh ung thư có thể trị khỏi bằng đông y hay các phương pháp dân gian, truyền miệng, nhịn ăn, bùa ngãi…
GS Mai Trọng Khoa- nguyên Phó Giám đốc BV Bạch Mai, một trong những chuyên gia hàng đầu về ung thư của Việt Nam cho hay: Có 3 nhóm bệnh nhân ung thư liên quan đến thuốc Đông y thường gặp: Nhiều nhất là những người bị bệnh nhưng không đến BV để điều trị, mà do nhận thức hoặc điều kiện kinh tế, họ chỉ uống thuốc của các ông lang bà mế. Đến khi bệnh đã ở giai đoạn cuối mới đến bệnh viện, thì việc điều trị đã vô cùng khó khăn, rất tốn kém mà không hiệu quả, tỉ lệ tử vong cao.
Nhóm thứ hai là những người đến BV khám và được chẩn đoán bệnh ung thư, nhưng lại bỏ điều trị ở BV để về uống thuốc nam. Đến khi bị tái phát mới quay lại BV điều trị tiếp thì đã quá muộn.
Nhóm bệnh nhân nữa là những người đã được chẩn đoán và điều trị ở bệnh viện, nhưng giữa các đợt điều trị lại tự ý uống thuốc của các ông lang bà mế, dẫn đến biến chứng suy gan, suy thận, phải cấp cứu và chạy thận nhân tạo... Lúc này, việc điều trị tây y cũng phải dừng lại vì biến chứng khiến bệnh nặng lên, nhiều nguy gây cơ tử vong.
Có thể thấy, việc tự ý điều trị bệnh bằng các bài thuốc nam và các phương pháp thiếu khoa học không chỉ khiến người bệnh rơi vào trạng thái nguy hiểm mà còn để lại nhiều biến chứng cũng như hậu quả lâu dài sau này. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo khi chữa bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư, không nên mù quáng tin tưởng vào lời của thầy lang dẫn đến “tiền mất, tật mang”, ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân và gia đình.