Tinh giản biên chế, gọn nhẹ bộ máy

Mai Loan-H.Vũ 31/10/2017 08:25

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016. Từ những bất cập trong việc phình bộ máy, nhiều đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, thực hiện kỷ luật hành chính chưa nghiêm, tránh tình trạng xử lý kỷ luật “nhẹ trên, nặng dưới”.


“Giai đoạn 2011-2016 biên chế tăng 4,8%, bình quân mỗi năm tăng gần 1%. Các đầu mối phình to, trong khi sắp xếp còn chậm, đề án vị trí việc làm chưa hiệu quả, bộ máy có xu hướng tăng ở cấp xã thôn, mỗi năm cấp xã tăng 2-3 người” - ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam). (Ảnh: Quang Vinh).

Tinh giản, bộ máy lại phình ra

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, giai đoạn 2011-2016, cơ cấu tổ chức số lượng các bộ của Chính phủ được giữ ổn định,ngành thực hiện đúng quy định pháp luật, tuy nhiên còn nhiều đầu mối. Cuối năm 2016, số đơn vị hành chính trực thuộc các bộ tăng từ 418 lên 446, ngoài ra còn 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Ở cấp tỉnh, cơ cấu tổ chức bên trong của sở ngành còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng. Hiện có 16 bộ, cơ quan ngang bộ duy trì phòng trong vụ, tổng số phòng là 320. Trong đó nhiều vụ có rất nhiều phòng, như ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có từ 5 đến 7 phòng/vụ.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, bộ máy nhiều tầng nấc, chất lượng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, 2 triệu cán bộ công chức nên hàng năm ngân sách bỏ ra 20% chỉ cho lương nhưng hiệu quả chưa cao, đánh giá cán bộ chưa sát thực tiễn, còn nể nang, đánh giá cuối năm cán bộ đều hoàn thành nhiệm vụ. Theo ông Tiến, tinh giản bộ máy dù có Nghị định tinh giản biên chế, tuy nhiên việc tinh giản đạt 2,8% trong giai đoạn 2007-2011 chủ yếu là về hưu trước tuổi. Trong giai đoạn 2011-2016 biên chế tăng 4,8%, bình quân mỗi năm tăng gần 1%. Hiện tượng phình to các đầu mối trong khi sắp xếp còn chậm, đề án vị trí việc làm chưa hiệu quả, bộ máy có xu hướng tăng ở cấp xã thôn, mỗi nam cấp xã tăng 2-3 người.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), cứ tinh giản bộ máy lại phình ra, tăng thứ trưởng quá quy định... khiến cho đề án cải cách tiền lương không thể cải thiện. Nhiều nơi thiếu nghiêm túc trong đề bạt bổ nhiệm cán bộ, hình thành một số chức danh không đúng quy định như cấp hàm, có bộ có đến 9 thứ trưởng. “Trung ương làm được thì bộ ngành, tỉnh xã cũng làm theo. Cấp phó tăng nhanh có nơi phòng nhiều lãnh đạo mà không bị nhắc nhở, phê bình. Không xác định rõ vị trí việc làm, phân cấp giữa Trung ương và địa phương nên tạo ra số lượng cán bộ “sáng cắp ô đi tối cắp về” nhiều. Cung vượt quá cầu nên nhiều người cố tăng biên chế để có chỗ cho con em mình dẫn đến tình trạng chạy biên chế, chạy chức quyền”- ông Phương chỉ rõ.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích: Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nêu cơ bản không tổ chức phòng trong vụ. Tuy nhiên hiện nay chỉ có 2/22 bộ không tổ chức phòng/vụ. Hiện nay, số phòng/vụ tuy đã giảm nhưng vẫn còn tới 681 phòng. Như vậy 1 vụ có 4 phòng, thậm chí có vụ tới 7-8 phòng, rõ ràng chúng ta đã biến cái “cá biệt” đặc thù thành “phổ biến”. Bên cạnh đó, có bộ đã giải thể số phòng trong tổng cục, nhưng một số phòng trong tổng cục lại được nâng cấp lên thành cục, thậm chí với số lượng nhiều hơn. “Phải chăng đây là cách lách luật gây khó khăn trong phối hợp công tác, quá nhiều tầng nấc trung gian, khó điều hành, giảm hiệu quả, hiệu lực công việc. Việc thành lập phòng trong vụ cũng góp phần gây lên số lượng lãnh đạo nhiều hơn công chức”- bà Hoa đặt vấn đề.


“Hiện chỉ có 2/22 bộ không tổ chức phòng trong vụ. Số phòng trong vụ tuy đã giảm nhưng vẫn còn tới 681 phòng. Như vậy 1 vụ có 4 phòng, thậm chí có vụ tới 7-8 phòng, cái “cá biệt” đặc thù thành “phổ biến” - ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định).

Không thể nuôi nổi bộ máy cồng kềnh

Cần giải pháp phải mạnh hơn nữa xử lý cả người bổ nhiệm và được bổ nhiệm- đó là vấn đề được ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đặt ra. Sau khi ông nhấn mạnh tình trạng lãnh đạo quản lý không thực hiện các chỉ đạo của cấp trên về tinh giản bộ máy, giảm biên chế. Do đó cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, thực hiện kỷ luật hành chính chưa nghiêm, tránh tình trạng xử lý kỷ luật “nhẹ trên, nặng dưới”.

Theo ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), nhiều bộ tăng biên chế khiến ngân sách nhà nước như “cái bánh” chia không đủ. Sau 40 năm thống nhất đất nước, 30 năm đổi mới nhưng cái bánh ngân sách được ví như “nồi cơm Thạch Sanh” khó có thể chia được với bộ máy hiện nay. “Thời gian không còn dài, cần khẩn trương giảm nhanh biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước để dành tiền cho đầu tư phát triển. Mọi việc cán bộ ở cấp cơ sở như thôn, bản, ấp việc gì cũng biết, giải quyết nhanh chóng những phát sinh tại cơ sở. Cho nên nếu giảm đi một người để tăng cán bộ cơ sở ở nơi sát dân, gần dân sẽ đem lại hiệu quả hơn”- ông Sơn nói.

Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), bộ máy phình và biên chế tăng lên ở cấp cục, phòng đã làm tăng lãnh đạo cấp phó, nhiều bộ ngành đưa ra “sáng kiến” bổ nhiệm chức danh hàm tại các cục, vụ, phòng. Có nơi chỉ có 3 người nhưng có 1 trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng. Quản lý biên chế thiếu thống nhất, tập trung, thực hiện tinh giản chưa thực chất, nể nang né tránh, đề án vị trí việc làm tính khả thi không cao. Theo ông Hòa, tinh giản biên chế là đụng đến con người cho nên phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong chủ trương tinh giản biên chế, đồng thời ban hành các bộ tiêu chí đánh giá cán bộ một cách cụ thể minh bạch. Đặc biệt giao quyền phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh tình trạng cục bộ địa phương.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, cần nâng cao vai trò của Bộ Nội vụ trong việc thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6. Không thành lập phòng trong vụ, trừ trường hợp đặc biệt. Nhóm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh 5,8% so với năm 2011 tạo gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước. Nguyên nhân chủ quan là do một số bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa nghiêm việc tinh giản biên chế, xã hội hóa dịch vụ công chưa làm nhiều, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu chưa cao. Do đó, cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, người đứng đầu không thực hiện hay thực hiện không đạt mục tiêu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Chính phủ hàng năm phải có báo cáo về kết quả việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để làm căn cứ cho Quốc hội giám sát.


ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: Quang Vinh).

Còn ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) kiến nghị, trên cơ sở rà soát xác định chức năng nhiệm vụ của từng cấp hành chính cần phân công rõ ràng cho từng bộ phận trong bộ máy hành chính. Chấm dứt tình trạng cấp trên ôm việc, hoặc can thiệp trái quy định vào công việc cấp dưới và cấp dưới đùn đẩy việc lên cấp trên.

Quy định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, nhiệm kỳ qua Chính phủ đã rà soát chức năng nhiệm vụ các cơ quan, bước đầu quy định 1 việc chỉ giao cho 1 cơ quan chịu trách nhiệm chính. Tháng 8-2017 còn tồn tại 3 vấn đề đó là quản lý đầu tư xây dựng PPP, hoạt động phân bổ đầu tư phát triển, 9 vấn đề về sự phối hợp giữa các bộ ngành. Trong giai đoạn 2011-2016 vẫn giữ ổn định 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, có 42 tổng cục tăng thêm 2 tổng cục. Bộ máy chuyên môn cơ quan cấp tỉnh và huyện giữ ổn định. Từ đầu nhiệm kỳ số lượng thứ trưởng đã giảm đi đáng kể, trước kia bình quân là 5,55 còn hiện giờ là 4,7. Sắp tới Bộ sẽ rà soát thực hiện tại 21 tỉnh thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Kết luận 17 của Bộ Chính trị, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng. Từ năm 2015 đến nay đã tinh giản 29 ngàn biên chế. Thời gian tới sẽ điều chỉnh các cơ quan có nhiệm vụ trùng lắp, hoàn thiện các nghị định về cơ cấu tổ chức cơ quan ngang bộ cơ quan chuyên môn. Chính phủ sẽ quy định khung số lượng cấp phó và phân cấp cho địa phương thành lập cơ quan chuyên môn theo nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh giản biên chế, gọn nhẹ bộ máy