Tinh giản phải đúng đối tượng

Ngọc Mai 17/11/2022 06:45

Bộ Nội vụ vừa có Công văn gửi các bộ, ngành và địa phương về việc tinh giản biên chế. Trước đó, Bộ Nội vụ nhận được báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế của các bộ, ngành, địa phương để kiểm tra theo quy định. Qua kiểm tra, phát hiện một số nơi thực hiện tinh giản chưa đúng đối tượng nên Bộ Nội vụ đã yêu cầu báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp. Đây là động thái mới trong việc tinh giản biên chế, được dư luận quan tâm.

Theo Bộ Nội vụ, qua kiểm tra cho thấy có những trường hợp chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã; công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ vẫn đề nghị giải quyết tinh giản biên chế (trong khi phải là cho thôi việc). Lại cũng có trường hợp công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, đề nghị giải quyết tinh giản biên chế nhưng vẫn được nâng bậc lương. Cũng có trường hợp chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tinh giản biên chế ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường; công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Bộ Nội vụ đề nghị, để tránh trường hợp phải khắc phục việc giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện tinh giản đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ, chính sách tinh giản biên chế và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Bộ máy cồng kềnh, biên chế vẫn phình ra sau nhiều lần tinh giản. Trong khi có nơi, có lĩnh vực thiếu người làm thì lại có ngành nhiều viên chức, công chức thôi việc, bỏ việc (điển hình là ngành Giáo dục và Y tế). Điều đó cho thấy việc tổ chức, sắp xếp bộ máy là không hề đơn giản, trong đó có việc tinh giản phải đúng đối tượng. Đã từng có chuyện người làm việc tốt thì bị tinh giản, trong lúc những người năng lực kém, ngáng trở công việc thì lại “bình yên”.

Sáng 5/11 vừa qua, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và chỉ đạo các bộ tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp để kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo bộ máy tinh gọn. Kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí và giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, cũng như giảm các đơn vị sự nghiệp công trong các bộ, ngành Trung ương. Về vấn đề tinh giản biên chế, đây là chủ trương lớn nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học, cào bằng và chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Trước đó, chiều 4/11, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế việc đánh giá, xếp loại vẫn còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý. Từ đó dẫn đến khó khăn cho việc tinh giản.

Ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ có thể nói là đã “bao quát được thực tế” khi mà việc nể nang trong đánh giá là khá phổ biến; dẫn đến tình trạng ai cũng như ai, người giỏi cũng như người kém, người làm cũng như người chơi. Đáng kể hơn, khi buộc phải giảm biên chế thì lại tiến hành không đúng đối tượng, không công bằng, dẫn đến mất đoàn kết, bộ máy bị xộc xệch.

Vì vậy, việc Bộ Nội vụ nhắc nhở một số nơi thực hiện tinh giản không đúng đối tượng, không đúng quy định là rất cần thiết. Chủ trương lớn của Đảng về tinh gọn, sắp xếp bộ máy hiệu quả, hiệu lực cần phải được làm đúng, công tâm, công bằng. Không vì nể nang, né tránh hoặc “lợi ích nhóm” mà cố tình làm sai, gây hậu quả lâu dài.

Muốn vậy, rất cần sự giám sát chặt chẽ ngay từ cơ sở. Mà muốn giám sát thực chất thì việc tinh giản phải dựa trên cơ sở các quy định, công khai minh bạch. Càng công khai minh bạch sẽ càng tạo được đồng thuận, giải quyết việc càng đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh giản phải đúng đối tượng