“Người ta hay dùng từ trên nóng-dưới lạnh để nói sự yếu kém trong thực thi chính sách. Nhưng nay trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa thì lạnh. “Sức nóng” này phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến được”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: Dương Giang.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra hôm 3/5. Chiều cùng ngày Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo, thông tin về phiên họp này.
Không khí kinh doanh đồng đều khắp mọi miền
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,80% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,4% cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 12,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,8%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,5% (cùng kỳ là 7,0%).
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển, tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 26,3%, chiếm khoảng 83,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Xuất siêu đạt 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Tại phiên họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương với việc ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc công việc được giao. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các diễn đàn, xúc tiến thương mại đầu tư, đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp, do đó, không khí đầu tư kinh doanh đồng đều ở khắp mọi miền.
Đặc biệt, trong thời gian qua, chúng ta xử lý nghiêm một số vụ việc tạo niềm tin cho nhân dân và tạo môi trường đầu tư như Công an TP.Hải Phòng đã khởi tố vụ án thuốc ung thư làm từ bột than tre, hay ở Đắk Nông khởi tố vụ vỏ cà phê nhuộm than pin… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được tăng cường. Chính phủ đã xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm như vụ AVG, đất đai tại Đà Nẵng, vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”, vụ đánh bạc trên internet… Chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, hành động của Chính phủ, của các bộ, ngành được xã hội đánh giá cao, đồng tình.
Không để tình trạng “trên nóng, dưới nóng, mà ở giữa lạnh”
Dù nền kinh tế có chuyển biến tích cực nhưng dẫn lời của Thủ tướng, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, CPI tăng thấp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ; giải ngân vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước còn thấp. Hay môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải cách, nhưng còn thua xa thế giới, chẳng hạn chỉ số tham gia thị trường của các doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp (đứng thứ 123/190), rồi thị trường cũng gặp khó khăn, đặc biệt xử lý vấn đề phá sản doanh nghiệp (đứng thứ 129). Tồn tại, thử thách nữa là hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể còn lớn. Có nhiều khoản phí, lệ phí còn cao, nhất là chi phí logistics và kiểm tra chuyên ngành.
Một điểm trũng nữa chính là tinh thần phục vụ của cán bộ chưa thấm đều ở các cấp. Vẫn có tình trạng có địa phương đã lên sở xây dựng để điều chỉnh quy hoạch mà đi 33 lần. Cho nên người ta có nói câu: “Trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa thì lạnh”, ông Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng mong muốn “sức nóng” phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến được. Do đó, các thành viên Chính phủ sâu sát, quyết liệt, có giải pháp đồng bộ, đừng để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất kinh doanh”.
“Hội thánh Đức Chúa Trời” đã vi phạm thuần phong mỹ tục
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến hoạt động của “Hội thánh đức Chúa Trời”, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, vừa qua các cơ quan chức năng đã vào cuộc, Ban Tôn giáo Chính phủ có 4 văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Theo ông Thăng, qua phương tiện thông tin đại chúng thì nhiều người khi tham gia vào “Hội thánh Đức Chúa Trời” đã vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, ứng xử chưa đúng theo truyền thống dân tộc, ví dụ như không thờ cúng tổ tiên. Những hành vi đó chiếu theo tín ngưỡng tôn giáo cũng bị nghiêm cấm; các vi phạm sẽ được nhà chức trách kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật, như vừa qua đã thực hiện ở Thanh Hoá, Thái Nguyên...
Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp tích cực với Bộ Công an và các ngành liên quan để tuyên truyền cho người dân hiểu, tránh bị lôi kéo, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. “Tinh thần chung là chúng ta tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo nhưng chỉ rõ những vi phạm”- ông Thăng nói.
Về Hội thánh Đức Chúa Trời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đây là tổ chức du nhập từ nước ngoài. Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, đảm bảo tự do tín ngưỡng cho mọi công dân. Đồng bào theo đạo hoặc không đều được pháp luật bảo hộ, nhưng kiên quyết xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật, đi ngược thuần phong, mỹ tục. Theo ông Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát chấn chỉnh hoạt động của tổ chức này, vì hoạt động không hợp pháp, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Mới có 8 khách hàng được bồi hoàn vụ mất tiền từ tài khoản Agribank Liên quan tới vụ 400 khách hàng Agribank bị mất tiền thẻ ATM trong đêm, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngay sau khi khách hàng phản ánh, ngân hàng Agribank đã chủ động rà soát những thẻ trong phạm vi và thời gian thẻ bị mất, thực hiện khoá 53 thẻ. Báo cáo mới nhất của Agribank, có 12 khách hàng mất tiền. “Tới hôm nay ngân hàng đã trả tiền cho 8 khách hàng, 4 khách hàng còn lại ngân hàng đang tiếp tục tra soát để sớm trả tiền cho chủ thẻ”, bà Hồng cho biết. Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc khẳng định, cơ quan này đã ban hành văn bản quy định liên quan tới sử dụng thẻ, quy trình xử lý mất thẻ, lộ thông tin... và yêu cầu các ngân hàng tuân thủ nghiêm ngặt. |