Kinh tế

Tình trạng nợ xấu bất động sản ngày càng phức tạp

H.H

Tình trạng nợ xấu bất động sản đang ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường tài chính và sức khỏe doanh nghiệp. Nếu không có giải pháp tổng thể và đột phá, hàng loạt dự án dở dang sẽ tiếp tục “đắp chiếu”, kéo theo hệ lụy dây chuyền đến ngân hàng, nhà đầu tư và người lao động.

Tại cuộc Hội thảo “ Xử lý nợ xấu: Đâu là giải pháp hài hòa?” ngày 27/5, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã nhấn mạnh xử lý nợ xấu không chỉ là thu hồi nợ mà còn là "cơ hội để phục hồi thị trường". Chính phủ cần xem xét ban hành cơ chế đặc thù nhằm xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, đồng bộ. Chúng ta cần cách tiếp cận mới: thu hồi được nợ, khôi phục được dự án, cứu được doanh nghiệp và giữ được việc làm cho người lao động.

Một trong những vướng mắc lớn hiện nay trong công cuộc xử lý nợ xấu là pháp lý đối với tài sản đảm bảo. Nhiều dự án có giá trị lớn đang bị kẹt trong vòng xoáy thủ tục, tranh chấp pháp lý, khiến ngân hàng không thể phát mãi, doanh nghiệp không thể tái cấu trúc. Vì vậy, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản đảm bảo theo hướng minh bạch, rút ngắn quy trình phát mãi, kể cả thông qua đấu giá công khai hoặc chuyển nhượng dự án.

“ Tôi đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành cấp trung ương để rà soát, phân loại các dự án bất động sản đang bị ngưng trệ, từ đó có chính sách xử lý phù hợp từng nhóm nợ xấu, không nên dùng một cơ chế cứng nhắc cho tất cả. Cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp có dự án khả thi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với điều kiện linh hoạt hơn, qua đó phục hồi năng lực tài chính và hoàn thiện dự án, tạo dòng tiền thực để trả nợ” – ông Châu nói.

Nha o thu nhap thap - Dang Xa Gia Lam (23)
Nhà ở xã hội ở Đặng Xá, Gia Lâm

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực phục hồi và phát triển, thị trường bất động sản, vốn là một động lực tăng trưởng quan trọng, hiện đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có. Khó khăn không chỉ là những vấn đề cố hữu về pháp lý, quy hoạch hay khả năng thanh khoản, mà còn là bài toán xử lý khối tài sản bảo đảm khổng lồ đang “kẹt” trong hệ thống ngân hàng.

Ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng Giám đốc DKRA Group nhấn mạnh trước sức ép đáo hạn trái phiếu và khoản vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động đàm phán tái cơ cấu nợ. Tính đến tháng 5, hơn 178.000 tỷ đồng trái phiếu đã được gia hạn, giúp giảm bớt áp lực tài chính. Một số doanh nghiệp cũng đã quay lại thị trường trái phiếu, phát hành tổng cộng 10.000 tỷ đồng trong tháng 4.

Ngoài ra, việc bán tài sản để trả nợ, giảm lãi suất trái phiếu và thương lượng với ngân hàng để tái cơ cấu khoản vay đang là các biện pháp được áp dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, việc ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo lại đặt ra bài toán khác. Không ít trường hợp tài sản bị thu giữ là dự án bất động sản dở dang, pháp lý chưa hoàn chỉnh, khiến ngân hàng không thể bán đấu giá hay tái phát triển. Chi phí duy tu, bảo quản tăng cao, trong khi tài sản nằm “đắp chiếu”, gây lãng phí và rủi ro tài chính.

Luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát, đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh phân tích, thoạt đầu, nhìn các ngân hàng cho vay và nhận thế chấp bằng bất động sản, cứ ngỡ là đơn giản và không mấy rủi ro, nhưng thực tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà để lấy lại được quyền lợi chính đáng của mình. Chính các ngân hàng cũng phải tốn nhiều thời gian, công sức nếu gặp phải các khách hàng không thiện chí khi bản thân họ không trả được nợ, bàn giao tài sản.

Nhiều trường hợp, ngân hàng cầm được bản án, quyết định thi hành án, chờ việc bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền nữa là xong nhưng đến lúc đó vẫn chưa xong vì lại phát sinh các tranh chấp. Đơn cử trường hợp người dân thế chấp căn nhà cho ngân hàng nhưng sau đó cho người khác thuê ở hoặc trồng cây hoa màu thì phát sinh quyền lợi của bên thứ 3. Do đó, khi xử lý nợ xấu thì phải đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ hài hòa cho các bên liên quan.

Theo luật sư Lê Trung Phát để xử lý nợ xấu, cần đảm bảo quyền tài sản của người thế chấp, xây dựng quyền lợi bên nhận thế chấp tài sản và sự minh bạch hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng tín dụng,phải phân quyền và nghĩa vụ của các bên. Khi thực hiện hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng tín dụng và phía ngân hàng phải thông báo rõ với khách hàng rằng khi không trả nợ đúng hạn thì sẽ thu hồi tài sản để tránh các phát sinh về sau khi xảy ra tranh chấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình trạng nợ xấu bất động sản ngày càng phức tạp