Tình yêu đất nước của liệt sĩ Trần Quang Long qua những lá thư gửi vợ

Bùi Thu Hoàn 30/04/2023 10:30

Là một tác giả tiêu biểu trong dòng văn hóa văn nghệ yêu nước tiến bộ của miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Trần Quang Long được biết đến với những vần thơ cháy bỏng nhiệt huyết cách mạng, có sức kêu gọi mạnh mẽ đối với học sinh, sinh viên và trí thức. Nhưng ông còn có một tình yêu thật đẹp đối với người vợ của mình - bà Tôn Nữ Quỳnh Như (tên gọi khác là Ngọc, con gái của cố Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ).

Ảnh đám cưới của Trần Quang Long và Tôn Nữ Quỳnh Như ngày 5/8/1967.

Bởi cuộc đời đã là em

Nên có em là có cả cuộc đời

(Thơ Trần Quang Long viết tặng Quỳnh Như).

Tình yêu đó nồng thắm, mãnh liệt và đầy trách nhiệm bởi nó được đặt trong tình yêu lớn - tình yêu với đất nước. Những lá thư ông bà gửi cho nhau trong thời gian xa cách đã nói lên điều đó.

Trong số các kỷ vật, hiện vật, gia đình Liệt sĩ Trần Quang Long hiến tặng Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hơn 50 lá thư ông viết cho vợ và hơn 20 lá thư của bà Quỳnh Như viết cho chồng.

Giở lại những trang thư đã ngả màu thời gian, có những lá thư chỉ vỏn vẹn nửa trang viết vội nhưng lại có những lá thư dài 8-10 trang. Tất cả vẫn lắng đọng vẹn nguyên tình yêu lứa đôi hòa quyện trong tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình, độc lập với lý tưởng sống cao đẹp “khi đất nước cần họ biết sống xa nhau”. Đôi nam thanh nữ tú cùng chung lý tưởng, chí hướng ấy đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước và sống trọn vẹn cho từng giây phút của cuộc đời.

Ấy vậy mà con người đa cảm, sâu sắc và khiêm tốn Trần Quang Long cũng không ít lần cảm thấy day dứt về trách nhiệm đối với đất nước.

Lá thư gửi vợ ngày 13/11/1967 của ông có đoạn viết: “Đôi lúc anh còn có mặc cảm phạm tội, khinh bỉ mình khi nghĩ rằng mình đã không chia sẻ đúng mức sự hy sinh gian khổ của những người chung quanh. Chúng mình làm việc ít, rảnh rỗi trong khi bao nhiêu người khác - trong đó có người mà chúng mình thương yêu, kính trọng nhất là Chú (GS Tôn Thất Dương Kỵ) - đang hy sinh tất cả những gì quý giá nhất. Chúng mình có ích kỷ quá không?”

Thư Trần Quang Long viết cho bà Tôn Nữ Quỳnh Như (Ngọc) ngày 26-2-1968.

Thôi vậy” không có nghĩa là mình đầu hàng hoàn cảnh nhưng vì nghĩ tới bạn bè, anh em, những người thân yêu của mình đang chịu hy sinh quá nhiều, mình lẽ nào chỉ bận tâm lo lắng cho cá nhân mình một cách quá đáng như vậy”.

(Thư gửi vợ ngày 5/5/1967)

Trái tim đầy nhiệt huyết của một công dân, một thầy giáo, một nhà thơ trước vận mệnh của dân tộc không ngừng thôi thúc ông làm thật nhiều việc có ý nghĩa cho đất nước, lấy niềm vui chung làm động lực cho công việc của mình.

Trong lá thư gửi vợ ngày 27/3/1967, ông đã kể cho vợ nghe những bài giảng về lòng yêu nước cho học trò qua những bài thơ trong sách giáo khoa với niềm hân hoan, hứng khởi:“Nhìn những cặp mắt thỉnh thoảng sáng rực lên đồng tình khi nghe anh nói bóng gió, anh thấy hăng hái và phấn khởi. Những khi như vậy anh không thấy mình đi dạy để kiếm tiền tí nào cả mà như đăng đàn diễn thuyết một hôm nào ở Huế hoặc Quy Nhơn”. Cùng với đó là việc ông nhận được bài thơ “Cảm tác” của học trò bày tỏ sự khâm phục khi đọc tập thơ của ông, được tiếp thêm ý chí khi bắt tay vào công cuộc chung nên ông đã đáp lại bằng một bài thơ thể hiện sự đồng cảm và tinh thần khuyến khích, cổ vũ:

Tôi hân hoan cảm động

Khi trái tim bạn bè đã cùng lên tiếng

Ôi những con người trong tim còn máu nóng

Còn khát khao độc lập tự do

Cuộc đời này là của chúng ta

Xin hãy bắt tay vào đời xây dựng….

Hãy đứng lên cùng lịch sử

Đất nước này là của chúng ta

Tôi nguyện cầu bằng trái tim nóng đỏ

Cho ngày mai rộn khúc hoan ca

Cho ta lớn lên trong niềm tin đó

Cho đất nước mình mai nở nhiều hoa.

Tình yêu, niềm vui, hạnh phúc lứa đôi luôn được Trần Quang Long đặt trong mối quan hệ với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong lá thư gửi vợ ngày 5/5/1967, ông chia sẻ: “Mấy hôm nay, tình hình sáng sủa. Cùng với niềm vui sướng do tình yêu của chúng mình đem lại còn có niềm vui chung của dân tộc đang rộn rã đón chào một buổi bình minh có mặt trời hồng êm ái. Bảo làm sao anh không vui được”. Điều đặc biệt hơn, Trần Quang Long đã tự soi mình trong công cuộc chung ấy để rồi tự tiếp cho mình thêm nguồn năng lượng và thúc giục bản thân hành động mạnh mẽ hơn: “Mấy hôm nay, báo chí có nhiều tin làm anh phấn khởi. Nhìn những chuyển biến lớn lao chung quanh, nhìn những tháng ngày đều đặn, trầm lặng của mình, anh thấy xấu hổ và hối hận. Phải nỗ lực hơn nữa. Phải tranh thủ thời gian”(Thư gửi vợ ngày 6/1/1968).

Ở Trần Quang Long, trong bất luận hoàn cảnh nào, ông đều giữ cho mình niềm tin và sự lạc quan vào cuộc sống, vào tương lai của dân tộc. Không những thế ông còn truyền nguồn năng lượng tích cực ấy cho những người xung quanh, trong đó có người vợ rất mực yêu quý: “Gắng xa nhau một chút, đừng buồn. Tin tưởng những ngày mai đẹp đẽ, tình vợ chồng mình sẽ vui hòa trong tình đoàn tụ của chú, me (cách gọi bố mẹ vợ), của dân tộc(Thư gửi vợ ngày 13/11/1967).

Trong bức thư viết ngày 26/2/1968, Trần Quang Long đã có một dự cảm đặc biệt về ngày chiến thắng của dân tộc khi ông đặt tên cho con trai: “Con trai sẽ là Trần Xuân Thắng, con gái sẽ là Ngọc Chân, nhé em. Ngày hòa bình, anh sẽ đem về cho em một tập thơ thật dày để tặng riêng em. Anh tin tưởng “Xuân Thắng” sẽ về một ngày rất gần”.

Trần Quang Long nằm điều trị bệnh viện do bị bắn gãy chân khi tổ chức biểu tình.

Là một người đa cảm, nặng lòng với gia đình nhưng ở những giây phút quan trọng, Trần Quang Long đã kiên cường, dũng cảm vượt lên hoàn cảnh và những tình cảm quyến luyến riêng tư để đưa ra quyết định khó khăn vì những điều lớn lao hơn. Lá thư ông gửi bà Quỳnh Như ngày 26/2/1968 chứa đựng trong đó những nỗi niềm hết sức xúc động:

“Có lẽ khi em nhận được thư này thì anh đã về tới Cần Thơ. Ra đi giữa lúc này, giữa lúc em sắp đến ngày sinh nở, lại đang ở trong tù, anh thật chua xót vô cùng. Tình trạng khổ cực của chúng mình là tình trạng chung và nếu đem so với sự hy sinh anh dũng của bao nhiêu người khác, thật chưa đáng kể vào đâu. Nghĩ như vậy để thấy mình còn là kẻ sung sướng và phải nỗ lực nhiều hơn.

Anh về Cần Thơ mà không hỏi ý em được. Biết làm sao bây giờ. Anh không thể ở lại đây được nữa vì cũng sẽ bị chôn chân trong bốn vách tường một cách đáng tiếc mà thôi, nên anh buộc lòng phải ra đi. Anh hy vọng em sẽ thông cảm và tha thứ cho anh. Anh tin tưởng rằng tuy em buồn tủi ít nhiều nhưng em vẫn vui lòng và chấp nhận quyết định của anh - và chắc chắn cũng là quyết định của em nữa. Em từng đồng ý với anh là sẵn sàng chịu đựng cho những ý nghĩa cao đẹp, phải không em?”.

Trái tim Trần Quang Long qua những lá thư gửi vợ còn chất chứa biết bao cảm xúc rất đỗi gần gũi, đời thường của một người đàn ông, người chồng, người cha: là nỗi nhớ nhung khôn xiết khi sống xa vợ, sự giận hờn, sự day dứt, thương cảm vô bờ… đối với người bạn đời. Trong lá thư gửi vợ ngày 7/3/1967, ông bày tỏ: “Lấy chồng nghèo, ở xa, bấp bênh… anh thấy ái ngại, thương mến và quý trọng em vô cùng. Và cả những lo lắng thường trực, những lời dặn dò, động viên thật ân cần, nồng ấm của ông dành cho vợ lúc mang thai: “Bắt đầu từ nay, tuyệt đối em đừng đi xe gắn máy nữa. Tốn một ít tiền có sao đâu em. Em hãy nghe lời anh nhé em. Bữa nay anh “giàu” lắm mà. Anh có mỗi tháng 300 tiền phụ trội, cộng với 3.500 tiền dạy ở văn hóa quân đội là hơn 6.000. Vậy em đừng lo tốn. Em cứ sống một cách thong thả, đừng lo lắng, dè xẻn quá mà không có lợi cho sức khỏe(Thư gửi vợ ngày 19/11/1967).

Bà Tôn Nữ Quỳnh Như và con trai Trần Xuân Thắng sau năm 1975.

Đặc biệt, ông dành thật nhiều tình cảm cho đứa con đầu lòng chưa chào đời cũng như sự thấu cảm cho những gian khổ khi vợ vừa đi học vừa mang thai mà lại không có chồng bên cạnh. Và cũng như bao người bố khác, Trần Quang Long đã khao khát ngày được nhìn thấy con chào đời, kết quả của một tình yêu đẹp, của biết bao sự đợi chờ. Bởi thế, mỗi lá thứ đều đong đầy thương nhớ, mong ngóng: “Bé Sao dạo này có đạp em lắm không? Em nhớ để tay lên bụng bảo với con rằng anh hôn bé nghe. Bảo nó đạp nhẹ nhẹ không anh la đó. Anh tưởng tượng khi được nhìn mặt con, chắc anh sung sướng đến lịm người. Chúng mình sẽ đặt con nằm giữa 2 đứa mình mà ngắm cho thỏa thích, cho bõ những ngày khổ sở của em. Em ơi, anh thương em quá khi nghĩ đến những hy sinh cực khổ của người mẹ (Thư gửi vợ ngày 8/12/1967).

“Anh mong chóng thanh bình để anh về nhìn mặt con chúng mình. Anh buồn vì không chia sẻ khổ sở, vui sướng với em được. Em hãy chăm sóc con thật kỹ và nhớ mỗi tối, trước khi đi ngủ, hôn bé giùm cho anh một bên má, bên kia của em nhé(Thư gửi vợ ngày 26/2/1968).

7 năm sau, Mùa Xuân toàn thắng năm 1975 đã về với dân tộc Việt Nam nhưng Trần Quang Long đã không trở về để được tận hưởng hạnh phúc của một người làm cha, được tặng người vợ mà ông hết mực yêu thương tập thơ như ông đã mong ngóng. Ngày 10/5/1968, bà Quỳnh Như sinh con trai Trần Xuân Thắng (bé Sao) khi bà đang bị địch bắt giam trong tù vì hoạt động cách mạng. 5 tháng sau, Trần Quang Long anh dũng hy sinh khi chưa kịp nhìn thấy mặt con, chưa gặp lại vợ. Và mãi hơn một năm sau, bà Quỳnh Như mới biết chồng đã hy sinh.

Anh Trần Xuân Thắng, con trai Liệt sĩ Trần Quang Long trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Biết bao đau xót và tiếc thương khi đồng chí Trần Quang Long đã anh dũng ngã xuống khi mới 27 tuổi xuân. Nhưng trong những năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời, Liệt sĩ Trần Quang Long đã sống trọn vẹn từng giây phút với cuộc đời, với đất nước, với tình yêu. Nhiệt huyết cách mạng của ông đã thắp lên một ngọn đuốc, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên và trí thức lúc bấy giờ.

Một chi hội trong Hội đoàn kết sinh viên và Việt kiều tại Cộng hòa liên bang Đức được mang tên ông - Chi hội Trần Quang Long. Trong bức thư gửi cho bà Tôn Nữ Quỳnh Như đề ngày 11/1/1977 của ông Huỳnh Phi Long - Chi hội trưởng Chi hội Trần Quang Long, đã viết: “Trong những năm chiến đấu chống Mỹ - Thiệu ác liệt nhất của đồng bào cả nước, hình ảnh anh hùng, tấm lòng yêu nước nồng nàn và cuộc sống hy sinh gian khổ của anh Trần Quang Long chính là điều chúng tôi nhắc nhở lẫn nhau sống cho tốt hơn. Và trong giai đoạn mới, chúng tôi vô cùng biết ơn anh chị và các cháu, những con người đã hy sinh thân mình, hy sinh người cha, người chồng vì ước mơ của dân tộc. Gia đình Trần Quang Long ở đây mỗi ngày mỗi đông, mỗi lớn mạnh. Chúng tôi lại nhớ đến anh và phấn đấu học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, của đồng bào và tên gọi của chi Hội mình, sao cho đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Mặc dù niềm khát khao cháy bỏng ngày đất nước hòa bình được về đoàn tụ với gia đình, được nhìn thấy mặt con của Liệt sĩ Trần Quang Long còn dang dở nhưng những bài thơ có sức “truyền lửa” và tập thư ông viết cho vợ đã là nguồn động lực to lớn, mạnh mẽ cho người con trai ông của ông - Trần Xuân Thắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để học tập và sống xứng đáng với người cha, người mẹ kính yêu.

Nhà thơ Trần Quang Long, bút danh: Thảo Nguyên, Chánh Sử, Trần Hoàng Phong, Trần Hồng Triều, Cao Trần Vũ... nguyên quán làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, sinh ngày 6/2/1941 tại Huế. Ông học phổ thông tại Trường Quốc học Huế và theo học Ban Việt văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Ông ra trường vào cuối năm 1965, ông trở thành thầy giáo tại Trường Trung học Cường Để, Quy Nhơn, vừa dạy học vừa thảo truyền đơn, viết biểu ngữ chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình. Năm 1967, ông chuyển vào dạy học ở Trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Thời gian này, ông thường xuyên về Sài Gòn nên Tổng hội Sinh viên Sài Gòn mời làm ủy viên văn nghệ của Tổng hội và làm Chủ tịch sáng lập Hội Sinh viên sáng tác, chuẩn bị cho sự ra đời của tuyển tập thơ Tiếng hát những người đi tới. Ông là người chủ trương hoặc tham gia biên tập nhiều tờ báo của phong trào đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn như: Sinh Viên Huế, Đất Mới, Dân, Sinh Viên Sài Gòn hoặc cộng tác với các tờ báo ở Sài Gòn như: Tin Văn, Đất Nước, Hành Trình... Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, ông rời Sài Gòn ra vùng giải phóng và hoạt động trong Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Ông hy sinh cùng với nhà văn Trần Triệu Luật ngày 11/10/1968 tại Tây Ninh trong một cuộc tập kích của máy bay Mỹ vào căn cứ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Tên ông đã được đặt tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình yêu đất nước của liệt sĩ Trần Quang Long qua những lá thư gửi vợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO