Thông tin về sai phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thêm một lần nữa dấy lên sự lo ngại về tính minh bạch và công bằng của kỳ thi.
Sơ hở trong ra đề và xây dựng ngân hàng đề
Sự việc đề ôn tập môn Sinh học của thầy Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh giống trên 90% đề thi chính thức năm 2021 và đề thô xuất từ máy tính của Ban ra đề thi tốt nghiệp THPT 2021 gây xôn xao dư luận trong gần 1 năm qua.
Vụ việc được thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Toán - Sinh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội), phản ánh khi thấy đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn sinh học có nhiều phần trùng lặp với nội dung ôn tập cho học sinh của thầy Nghệ.
Sau khi có dư luận về vụ việc, Bộ Công an đề nghị Bộ GDĐT lập tổ công tác liên ngành vào cuộc xác minh. Quá trình xác minh đã phát hiện một số tồn tại sơ hở trong ra đề và xây dựng ngân hàng đề.
Cách đây ít ngày, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ GDĐT.
Cùng với việc khởi tố vụ án, cơ quan cơ quan công an đã khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị My (59 tuổi, cựu giáo viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và ông Bùi Văn Sâm (73 tuổi, cựu giáo viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng tội danh như trên.
Liên quan tới sai phạm này, Bộ GDĐT thông tin: Trong quá trình tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ đã ghi nhận một số yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học.
Tháng 8/2021, lãnh đạo Bộ GDĐT đã chỉ đạo kiểm tra vấn đề này, đồng thời Bộ đã chủ động phối hợp cùng cơ quan công an thành lập Tổ công tác liên ngành để xác minh, làm rõ các yếu tố liên quan đến vụ việc. Bộ GDĐT đã tích cực phối hợp, làm việc cùng cơ quan điều tra của Bộ Công an về vấn đề này.
Bộ GDĐT cho biết, kết quả xác minh, điều tra về vụ việc cho thấy có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Cũng theo Bộ GDĐT, hiện Bộ đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ GDĐT đã triển khai rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra tới tất cả các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, hướng tới mục tiêu các kỳ thi được triển khai chặt chẽ, hiệu quả, an toàn.
Tránh “nhờn thuốc”
Không riêng năm 2021, trước đó, ngành giáo dục cũng đã để xảy ra hoạt loạt nhưng vi phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhìn lại thời điểm năm 2018, sau khi kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia được công bố, dư luận đã phát hiện và chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác tổ chức, chấm thi ở kỳ thi này.
Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Tại Hà Giang, kết quả chấm thẩm định thời điểm đó cho thấy, xảy ra sai phạm hơn 330 bài thi của 114 thí sinh. Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án.
Tiếp nối gian lận ở Hà Giang, Sơn La cũng thuộc diện nghi ngờ khi phổ điểm thi ở đây gấp nhiều lần so với một số địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nam Định. Bộ GDĐT đã thành lập tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường của điểm thi ở Sơn La.
Thông tin về sự việc với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đã chỉ ra 6 sai phạm lớn trong quá trình tổ chức thi. Thanh tra cũng phát hiện được 12 bài Ngữ văn được nâng từ 1 đến 4.5 điểm và chỉ ra 5 cá nhân sai phạm.
Vụ gian lận này được cho là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, sau nhiều năm Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong quá trình điều tra vụ việc, 11 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam, có tới 347 bài thi đã bị can thiệp điểm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua dù được tổ chức bài bản, quy trình chặt chẽ, với sự tham gia, phối hợp của các địa phương, nhiều lực lượng chức năng nhưng vẫn để xảy ra sai sót, vi phạm. Những vi phạm này cho thấy tồn tại nhiều kẽ hở trong công tác quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GDĐT.
Những vụ việc phản giáo dục nêu trên làm day dứt không ít cán bộ, giáo viên tâm huyết của ngành giáo dục, gây mất niềm tin của phụ huynh, học sinh và xã hội.
Nói như TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT, những sai phạm trong giáo dục cũng giống như dịch bệnh, nếu cố bao che, không tìm thuốc chữa thì sẽ càng lan rộng, hoặc cố tình giấu giếm, thuốc chữa không đủ liều, cũng thành nhờn thuốc.
Chỉ còn ít ngày nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra. Theo các chuyên gia, Bộ GDĐT cần nhìn nhận những thiếu sót, đưa ra giải pháp để hoàn thiện kỳ thi từ khâu coi thi, chấm thi, ra đề thi tới vai trò giám sát của Bộ nhằm khắc phục tình trạng gian lận thi cử, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.
Về công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, chuẩn bị ra đề thi, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, đến tháng 6/2022, ngân hàng câu hỏi cơ bản bảo đảm cả về số lượng, chất lượng. Các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu, nhất là lựa chọn và nhập dữ liệu vào ngân hàng câu hỏi thi được thực hiện nghiêm.
Thông tin về công tác ra đề thi, ông Lê Mỹ Phong cũng cho hay, Bộ GDĐT hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia Hội đồng ra đề thi.