Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa công nhận xác lập kỷ lục đối với tổ ong mật lớn nhất Việt Nam của nghề gác kèo ong ở Cà Mau. Tận mắt chứng kiến tổ ông này, nhiều người khổng khỏi trầm trồ vì lần đầu tiên thấy tổ ông "khủng"như vậy.
Chiều 29/4, tại Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện U Minh (Cà Mau) đã diễn ra sự kiện xác lập kỷ lục Việt Nam đối với tổ ong mật của nghề gác kèo ong.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Hương rừng U Minh được UBND huyện U Minh tổ chức. Chuỗi sự kiện được tổ chức từ ngày 28 đến ngày 30/4, với chủ đề Hành trình đến du lịch xanh.
Gác kèo ong là nghề truyền thống đặc sắc của cư dân vùng rừng tràm U Minh Hạ đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2019.
Tổ ong đăng ký lục là tổ ong mật được khai thác từ nghề gác kèo ong tại điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt. Tổ ong nặng 43 kg, dài 2,2 m, rộng 1 m, dự kiến thu hoạch khoảng 15 lít mật.
Tổ ong đạt kỷ lục được trưng bày tại không gian Hương rừng U Minh để phục vụ nhu cầu chiêm ngưỡng, ghi của du khách nhằm lưu lại khoảnh khắc ý nghĩa khi đến tham quan Cà Mau trong sự kiện Cà Mau - Điểm đến năm 2022.
Theo ghi nhận, đã có rất đông du khách từ khắp nơi đến để chứng kiến hai hoạt động xác lập kỷ lục đối với tổ ong mật và lẩu mắm U Minh lớn nhất Việt Nam. Nhiều người không khỏi trầm trồ khi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy tổ ong "khủng" như vậy.
Anh Phạm Duy Khanh – Chủ điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt và là người trực tiếp thực hiện xác lập Kỷ lục Tổ ong lớn nhất Việt Nam chia sẻ, gác kèo ong là một trong những nghề rất đặc biệt được truyền từ đời này, sang đời khác và là một trong những nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng rừng của cư dân vùng rừng tràm U Minh Hạ.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện Cà Mau - điểm đến năm 2022, lẩu mắm U Minh đăng ký kỷ lục là lẩu mắm lớn nhất Việt Nam.
Lẩu được thực hiện bởi 3 đầu bếp, 7 phụ bếp của Khu du lịch sinh thái Hương Tràm; có đường kính 125 cm, cao 40 cm, chiều cao toàn bếp là 75 cm. Lẩu chứa 50 lít nước lẩu được nấu từ 10 kg mắm cá đồng và nước của hơn 200 trái dừa tươi.
Nguyên liệu gồm các loài thủy hải sản đặc trưng của Cà Mau như cá lóc đồng, cá rô đồng, lươn rừng U Minh, cua, tôm Cà Mau,... cùng hơn 30 loại rau ăn kèm như bông súng, rau nhút, rau dừa, rau đắng, rau cần nước, đọt choại, bắp chuối, cù nèo, rau mác, lục bình, bông điên điển, bồn bồn, năng bộp...
Dự kiến, lẩu mắm lớn nhất Việt Nam phục vụ cho hơn 300 du khách tham dự sự kiện Hương rừng U Minh năm 2022.
Chị Nguyễn Hồng Sen, một du khách đến từ TP Cà Mau, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cách làm một lẩu mắm U Minh lớn như vậy. Các nguyên liệu rất gần gũi với chúng ta, nhưng qua bàn tay của các đầu bếp đều rất hấp dẫn. Tôi rất ấn tượng với các loại rau ăn kèm”.