Tổ trưởng tổ dân phố có quyền kiểm tra cư trú không?

Thế Anh 10/05/2023 06:57

Tại Điều 10 Thông tư 04/2012/TT-BNV được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố như sau:

1.Nhiệm vụ:

a/Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi thôn, tổ dân phố đã được nhân dân bàn và quyết định; bảo đảm các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố;

b/Vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c/Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố. Báo cáo kịp thời với UBND cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố;

d/Thực hiện việc lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết những công việc thuộc phạm vi cấp xã; báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND cấp xã;

đ/Phối hợp với Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức này phát động;

e/ Sáu tháng đầu năm và cuối năm phải báo cáo kết quả công tác trước hội nghị thôn, tổ dân phố.

2. Quyền hạn:

a/Được ký hợp đồng về xây dựng công trình do nhân dân trong thôn, tổ dân phố đóng góp kinh phí đầu tư đã được hội nghị thôn, tổ dân phố thông qua và bảo đảm các quy định liên quan của chính quyền các cấp;

b/Được phân công nhiệm vụ giải quyết công việc cho Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố; được chính quyền cấp xã mời họp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của thôn, tổ dân phố; được bồi dưỡng, tập huấn về công tác tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Tại Điều 25 Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định về kiểm tra cư trú như sau:

1.Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.

2.Đối tượng, địa bàn kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên, khu nhà ở của người lao động, nhà cho thuê, nhà cho mượn, cho ở nhờ của tổ chức, cá nhân, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú; cơ quan đăng ký cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.

3.Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú, thu thập, cập nhật, khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.

4.Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia. Trường hợp cơ quan cấp trên kiểm tra phải phối hợp với cơ quan đăng ký cư trú cấp dưới.

Như vậy, Tổ trưởng tổ dân phố không có quyền kiểm tra cư trú mà chỉ được quyền cung cấp thông tin, huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cùng tham gia. Việc kiểm tra cư trú phải có sự phối hợp giữa cơ quan cấp trên kiểm tra với cơ quan đăng ký cư trú cấp dưới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổ trưởng tổ dân phố có quyền kiểm tra cư trú không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO