Tọa đàm trực tuyến: Vật liệu nào thay thế cát sông?

Đã kết thúc
Bích Vân, Hoàng Vân, Hoàng Chiến, Nguyễn Hoài, Nguyên Vũ, Quốc Định, Đoàn Xá| 24/11/2023 08:45

Cát sông ngày càng khan hiếm, nếu tăng khai thác sẽ tăng sạt lở, gây tổn thương các dòng sông.

  • Trực tiếp Vật liệu nào thay thế cát sông?
  • 24/11/2023 13:19 Tiếp nối hành trình tìm giải pháp thay thế cát sông
    anh-dta.jpg
    Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt.

    Nhà báo Lê Anh Đạt: Hai tiếng diễn ra toạ đàm với vấn đề rất lớn đã được các khách mời trao đổi thẳng thắn, trực diện và khách quan. Những phát biểu của ông Dương Tấn Hiển rất đầy đủ, sâu sắc và sát thực với vị trí, vai trò của một người lãnh đạo thành phố.

    Cá nhân chúng tôi là những người làm công tác truyền thông, không phải những người chuyên môn sâu nên khi tổ chức toạ đàm, chúng tôi mong muốn nhìn nhận toàn diện thực trạng, cũng như có được những giải pháp cho hiện tại và tương lai về vấn đề cát sông ở ĐBSCL.

    Sau khi nghe các vị khách mời và chuyên gia phân tích, ngay lập tức nhận thức của chúng tôi thay đổi, không chỉ là vật liệu mà chúng ta phải thay đổi cả tư duy, thay đổi thói quen và cách làm.
    Ban đầu chúng tôi nghĩ chúng ta cần một vật liệu thay thế cát sông, tạo ra cuộc cách mạng trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, ở đây có rất nhiều cách để chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thực tế hiện nay.

    Thứ nhất là khoa học công nghệ, đây đúng là một mảnh đất cho sự sáng tạo. Tôi rất tâm đắc với trình bày của ông Tống Văn Nga khi ông kêu gọi Bộ Giao thông vận tải có những phương pháp hay trong việc thay thế hiệu quả. Chúng ta không chỉ tập trung vào thay đổi vật liệu mà cần thay cả đổi tư duy, áp dụng công nghệ và sáng tạo trong vấn đề này.

    Thứ hai là chúng ta phải giảm hoặc cân bằng cung - cầu. Chúng ta phải làm sao để bớt đi phần “cầu” mà hiện nay một số nhu cầu cát sông chưa chắc đã chính đáng. Đây chính là điều mà chúng ta cần thay đổi trong thói quen xây dựng, không phải lúc nào cũng phải là cát, mà hoàn toàn có thể có những vật liệu khác thay thế. Giảm “cầu” cũng là giảm áp lực rất lớn trong việc khai thác cát sông.

    Thứ ba, chúng ta đang tìm kiếm vật liệu thay thế là cát biển nhưng cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vẫn là khai thác tài nguyên thiên thiên và cũng có thể dẫn đến nhiều tác động xấu môi trường và các vấn đề khác.

    Từ góc độ những người tổ chức, những người làm báo, chúng tôi thấy rằng, toạ đàm hôm nay rất ý nghĩa và bổ ích bởi tất cả khách mời ở đây đều là những “bậc thầy” về lí luận, khoa học và những người làm công tác thực tiễn, quản lí.

    Một lần nữa tôi rất cảm ơn những khách mời, chuyên gia, các lãnh đạo đã có mặt trong toạ đàm hôm nay để chia sẻ đến công chúng vấn đề này!

    Với tư cách của một cơ quan truyền thông rất quan tâm đến các vấn đề của xã hội, tham gia vào thúc đẩy và tạo ra những thay đổi tích cực, chúng tôi muốn bắc những cây cầu từ thông tin cuộc sống đến những nhà hoạch định chính sách.

    Những người làm báo chỉ đưa thông tin chứ không có chuyên môn sâu, rất cần thiết phải nhờ các nhà khoa học, các nhà quản lí, những người làm thực tiễn đưa ra giải pháp.

    z4910790396447_87614541e7cc2c49ae95429a1f22ec54.jpg
    Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ bên lề Tọa đàm.

    Toạ đàm hôm nay đã trở thành cầu nối truyền đi cả nước với nhiều cơ quan theo dõi. Đây là một hành trình rất lâu dài và bên bỉ. Không chỉ là câu chuyện về hạt cát như chúng ta đã phân tích, hạt cát này nhưng ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau: từ khoa học, lí luận đến thực tiễn, đời sống, dân sinh,… lĩnh vực này kéo sang lĩnh vực kia. Một vấn đề trong xây dựng nhưng cũng ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác.

    Cũng như ông Tống Văn Nga đã diễn giải và ông Dương Tấn Hiển cũng đã nói, Báo Đại Đoàn Kết sẽ vẫn còn tiếp tục trên hành trình này. Hôm nay mới chỉ là một toạ đàm bắt đầu, chúng tôi cũng đã có được những thông tin và bắt đầu thay đổi về mặt nhận thức. Trong câu chuyện tiếp theo, Báo Đại Đoàn Kết với vai trò cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam với đầy đủ am hiểu về các chuyên gia đầu ngành, với Hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam sẽ sẵn sàng đồng hành cùng những vấn đề nóng bỏng của đất nước.

    Qua đó cũng đặt ra vấn đề, sắp tới chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng câu chuyện một cách lớn hơn, rộng hơn để tìm ra một phương cách tốt nhất bởi theo dự đoán khoảng 1 thập kỉ nữa ĐBSCL sẽ hết cát. Từ đó những vấn đề rất lớn về kinh tế - xã hội, môi trường và an ninh sẽ kéo theo.

    Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề này cho đến khi chúng ta tìm ra một cái nhìn thống nhất và “sáng” hơn về câu chuyện giải quyết cát sông trong xây dựng tại Việt Nam!

    Trân trọng cảm ơn các khách mời và bạn đọc của Báo Đại Đoàn Kết đã theo dõi chương trình toạ đàm!

  • 24/11/2023 13:07
    monn9477.jpg

    Nhà báo Công Khanh: Thưa ông Võ Tấn Dũng, cát biển hiện đang rất được quan tâm. Thế nhưng, các địa phương và các chuyên gia vẫn đang còn nhiều e ngại về vấn đề môi trường khi sử dụng cát biển. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?.

    Ông Võ Tấn Dũng: Có ý kiến cho rằng, cát biển khi đưa vào sử dụng sẽ bị thấm ra, tôi khẳng định là không phải như vậy. Chất lượng thành phẩm cát biển cho bê tông, vữa kể cả san lấp đều đã xử lý hết muối.

    Còn các ý kiến của bộ, ngành cho rằng, khi tuyển rửa cát biển thì muối sẽ ảnh hưởng tới vùng chăn nuôi trồng trọt. Nhưng tôi cho rằng, cách xử lý rất dễ, cứ tăng lượng nước ngọt là sẽ hoà tan, vì muối này là muối hoà tan. Chỉ cần 1 khối cát biển, đưa 5 khối nước ngọt vào là xong.

    Còn nếu địa phương quy hoạch cho tuyển rửa cát biển ở vùng nước lợ thì còn đơn giản hơn. Như các công trình ở Trà Vinh, Sóc Trăng tuyển rửa ở vùng nước lợ thì việc xử lý rất đơn giản.

  • 24/11/2023 12:59 Không chỉ là bài toán kinh tế

    Nhà báo Công Khanh: Ở góc độ kinh tế, thưa Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của các nguồn vật liệu được các chuyên gia và lãnh đạo địa phương đề cập trong toạ đàm hôm nay?

    z4910312496384_cd641430924d1fbd721f2032adf3b894.jpg
    Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp.

    Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp: Trong vấn đề này tôi không chỉ nhìn nhận ở góc độ kinh tế tài chính, bởi vì nếu nhìn ở vấn đề kinh tế không thì nó chưa đủ mà còn vấn đề môi trường. Chúng ta không chỉ tính toán từng đồng trong bài toán này, mà bài toán môi trường, bài toán xã hội như thế nào. Vì vậy nếu như chúng ta chỉ tiếp cận nguồn cung thì chưa đủ, cần giảm cầu cát sông trong cách làm, cách thay thế vật liệu nkhác.

    Cái thứ 2 là giải pháp thi công công trình. Như đường cao tốc trên cao, công nghệ mới có những điểm có thể phát huy hiện nay. Khi giảm nhu cầu cát, thúc đẩy vật liệu xây dựng khác như xi măng, như bê tông sắt thép, và đặc biệt chúng ta quan tâm mà triển khai đường cao tốc theo cách cũ bình thường thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chia cắt. Và chúng ta phải giải quyết được cái nút thắt này. Đặc biệt là chi phí về đường cao tốc trên cao nó có thể tăng (so với đường đắp nền) nhưng chưa tính toán chi phí ngoại biên theo cách triển khai cũ. Trong khi triển khai cách cũ, sử dụng cát sông thì sẽ bị đẩy lên nhiều bất cập thí dụ như khai thác bừa bãi cát sông sẽ gây sạt lở , khiến các chi phí ngoại biên khác bị đẩy lên.

    Vì vậy, tôi tập trung 3 vấn đề:

    Công trình nghiên cứu cát sạch rất cần tiếp tục có chính sách, tài chính thuế để khuyến khích ứng dụng. Ví dụ như chính sách, tài chính, thuế nghiên cứu khoa học để ứng dụng.

    Cái thứ 2 cần công bố tiêu chuẩn Việt Nam về công trình giao thông liên quan tới tiêu chuẩn vật liệu mới, như cát biển để doanh nghiệp có thể sử dụng thi công.

    Vấn đề tiếp và đặc biệt ở TP Cần Thơ, Quốc hội đã có cơ chế về việc nạo vét luồng biển Định An, như vậy nếu có tiêu chuẩn về cát biển thì nhà đầu tư mới có thể bán được sản phẩm cát biển này để dự án khác sử dụng.

  • 24/11/2023 12:49 Vật liệu thay thế khác, ngoài cát biển

    Nhà báo Công Khanh: Việc sử dụng các vật liệu thay thế trong các công trình xây dựng là cần thiết và cũng là một cách để giảm khai thác cát sông, tránh gây tổn thương các dòng sông và hạn chế tối đa tình trạng sạt lở.

    Nhưng thưa ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ngoài cát biển đang được nhiều người quan tâm thì ở ĐBSCL có những vật liệu nào có thể thay thế cát sông và tiềm năng của những loại vật liệu này ra sao?

    z4910400775464_3d2540c78fe78b02639d350ae79b6056(1).jpg
    Ông Tống Văn Nga nêu ý kiến tại Tọa đàm.

    Ông Tống Văn Nga: Tôi thấy buổi tọa đàm rất bổ ích, đặc biệt là tập trung vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – vùng đang rất nóng.

    Qua báo cáo cho thấy, đúng là ĐBSCL hiện rất thiếu vật liệu để thay thế cát, bởi vì chỉ có mấy tỉnh như An Giang và Kiên Giang là có núi còn các tỉnh khác là đồng bằng thấp. Vì vậy, việc trước tiên chúng tôi muốn nói là hết sức tiết kiệm trong việc sử dụng cát. Đặc biệt nếu là cát tốt như anh Dũng trình bày thì phải đảm bảo chất lượng, phải bảo quản vào các túi để sử dụng trong việc trộn bê tông.

    Điều thứ 2 mà chúng tôi muốn nhắc đến là không lãng phí cát, để làm được điều đó, chúng ta phải sử dụng công nghệ mới. Theo tôi, chúng ta hoàn toàn làm chủ nguyên liệu để tạo nên vật liệu thay thế cát.

    Vì vậy, hôm nay, chúng tôi cùng với Báo Đại Đoàn Kết đồng lòng kêu gọi ngành giao thông tập trung đổi mới kết cấu của giao thông. Như câu nói: “Qua suối thì bắc cầu/ Qua núi thì đào hầm” bây giờ nên thêm: “Qua đồng bọc trũng, thì cần bọc cạn”. Như vậy, chúng ta sẽ có những giải pháp tốt.

    Về nguyên liệu thay thế cát, chúng ta có thể lấy cát liền được làm từ đá của An Giang, Kiên Giang, có thể từ Đồng Nai để tạo ra khối, phân loại vừa làm cốt liệu cho bê tông vừa làm cát cho các công trình. Chắc chắn chúng ta sẽ đảm bảo được chất lượng.

  • 24/11/2023 12:30 Cát biển có thay thế được cát sông?

    Nhà báo Công Khanh: Như chia sẻ của lãnh đạo TP Cần Thơ và các chuyên gia, vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay chính là nguồn vật liệu nào sẽ thay thế cát sông? Thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm về chủ đề này. Hiện một số vật liệu đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học như tro trấu, tro bã mía, cát nghiền, bê tông tái chế, thủy tinh phế thải, cao su phế thải, tro xỉ… Trong đó, đáng chú ý nhất chính là cát biển.

    Thưa ông Võ Tấn Dũng, được biết ông cũng là người có nhiều năm “lặn ngụp” với dự án lọc rửa cát biển phục vụ cho các công trình xây dựng và san lấp. Vậy ông có thể chia sẻ về dự án và những thành phẩm mà đơn vị đã và đang thực hiện thời gian qua? Đặc biệt là tính khả thi của nguồn cát biển sau khi được lọc rửa?

    z4910376190913_3243364bda5bfd26f5388a177fb524e1(1).jpg
    Ông Võ Tấn Dũng phát biểu tại Tọa đàm.

    Ông Võ Tấn Dũng: Trước hết nói về cát biển, nếu chúng ta khai thác đúng, thì sẽ hạn chế được việc sạt lở, ở biển có nhiều cồn, tạp chất hữu cơ ít, nếu quy hoạch cho khai thác khu vực này sẽ hạn chế sạt lở.

    Nguồn gốc của cát biển bản chất cũng giống cát sông, trên những hạt cát có những vết nứt tạm thời, có những tạp chất hữu cơ lẫn trong cát, khi xử lý được thì loại cát ra được cũng như cát sông. Thậm chí một số nhà khoa học có những kiến cứu cho thấy cát biển còn tốt hơn cát sông.

    Hệ thống thiết bị mà chúng tôi đang làm đã loại bỏ hết muối, chất lượng được đảm bảo. Thiết bị có thể cho sản xuất lượng cát đáp ứng công trình với khối lượng 1.000 – 2.000 khối, thậm chí 5.000 -10.000 khối các thiết bị của công ty vẫn có thể đáp ứng được. Thành phẩm sau khi qua thiết bị chúng tôi đảm bảo được tiêu chuẩn của Mỹ. Lượng muối rất nhỏ so với tiêu chuẩn quy định do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành.

    Trong quá trình làm, chúng tôi nghiên cứu, phân tích, nếu đưa được cát biển vào xây dựng, san lấp thì còn rẻ hơn cát sông. Trong khi khai thác cát sông nhiều sẽ gây sạt lở. Còn cát biển khi lấy ở biển, ở các cồn biển thì rất ít tạp chất hữu cơ, khi đưa vào tuyển rửa thì giá thành giảm đi rất nhiều. Tất nhiên không thể so với các mỏ cát gần công trình, vì liên quan tới chi phí vận chuyển.

    Thực sự chúng ta rất cần nguồn cát để san lấp. Việc tuyển rửa cát biển, nếu phục vụ riêng cát cho bê tông và san lấp là rẻ hơn so với cát sông.

    Về giá thành so với cát sông có thể giảm trên 100.000 nghìn đồng/ khối.

  • 24/11/2023 12:01 Giải pháp của TP Cần Thơ

    MC Kỳ Duyên: Thưa ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ, như thông tin trong video được phát tại phần đầu của toạ đàm, với TP Cần Thơ vật liệu san lấp các công trình giao thông, khu công nghiệp đang là bài toán khó đối với địa phương. Vậy thành phố sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào thưa ông?

    z4910280131842_67ab896ef955b677daf7e5b6bb6d8911-1-.jpg
    Ông Dương Tấn Hiển nêu giải pháp của TP Cần Thơ.

    Ông Dương Tấn Hiển: Như tôi trình bày ở trên, hiện tại TP Cần Thơ đang trong thời gian thực hiện và tìm nhà đầu tư. Nhu cầu san lấp cát rất lớn nhưng cụ thể là 2 đường cao tốc trên địa bàn thành phố, tiếp theo Khu công nghiệp đang giai đoạn 1 với 300 ha và giai đoạn 2 khoảng 600 ha nữa và hiện nay có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký làm ở khu công nghiệp và khoảng 1.600 ha tiếp theo. Như vậy các công trình mới khoảng 2.500 ha với lượng cát rất lớn.

    Thứ hai, trên địa bàn đang đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong đó có một số công trình giao thông. Như vậy, giải pháp để giải quyết vấn đề này như thế nào? Chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra giải pháp trước mắt là nhờ sự hộ trợ của các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Nhưng về lâu dài, chúng tôi đưa ra giải pháp sau: thành phố đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết số số 45/2022/QH15 về cơ chế chính sách đặc thù trong đó có một dự án là nạo vét luồng Định An - Cần Thơ. Theo yêu cầu của dự án, chúng tôi sẽ nạo vét sâu và sẽ có lượng cát rất lớn, có thể sử dụng vào các công trình phù hợp. Ngoài ra, trong quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030 có quy hoạch các hồ điều hòa. Với diện tích các hồ lớn, chúng tôi có thể sử dụng phần đất đào lên để đắp vào các công trình có tính chất san lấp.

    Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu sử dụng giải pháp về mặt kỹ thuật. Đối với các khu công nghiệp, chúng tôi mời các nhà đầu tư tới, ứng dụng việc khép kín theo nước Hà Lan. Như thế, khu công nghiệp tỉnh thành mà chúng tôi đang quy hoạch 5.200 ha, trong đó 2 đường cao tốc. Trước hết, chúng tôi bao khu này lại làm đê bao kín như hiện tại thành phố đang làm chống ngập tại khu vực Ninh Kiều. Dù chưa làm xong nhưng chúng tôi đã thử nghiệm và không thấy ngập nữa.

    Tương tự, chúng tôi đưa giải pháp ở đây là không cần đắp đất cao mà có thể đắp độ thấp hơn và dùng giải pháp kỹ thuật bao quanh nó, giữ cho không ngập ở khu này. Đó là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để phát triển TP Cần Thơ, giảm bớt việc sử dụng cát sông.

    Nhà báo Công Khanh: Thưa ông Dương Tấn Hiển, vậy dưới góc độ quản lý Nhà nước tại địa phương, ông có thể nêu những giải pháp mang tính gợi mở cho địa phương, cũng như trên cả nước về vấn đề này?

    Ông Dương Tấn Hiển: Qua ý kiến của các nhà khoa học và các vị khách mời, chúng ta thấy được nhu cầu sử dụng cát là rất lớn, nguồn cát là hữu hạn nên không thể đáp ứng hết nhu cầu phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cho nên các giải pháp của thành phố như tôi vừa nêu, cũng như các nghiên cứu, định hướng vẫn cần qua thực tiễn sâu hơn để đánh giá cẩn thận. Thành phố đã giao cho các sở ngành nghiên cứu sử dụng cát biển. Vấn đề đặt ra là sử dụng cát biển - hiện nay nguồn rất dồi dào nhưng làm sao đạt tiêu chuẩn chất lượng.

    Thứ hai, việc sử dụng cát làm sao không ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ Khoa học - Công nghệ để nghiên cứu sử dụng cát biển cho một số công trình. Nếu đánh giá hiệu quả, chúng ta có thể dùng cách này để giảm bớt áp lực cho Đồng bằng sông Cửu Long. Theo tôi, việc nghiên cứu sử dụng được cát biển thay thế sẽ giúp cho các tỉnh có đủ lượng cát thực hiện các công trình, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.

  • 24/11/2023 11:36 Bất cập trong khai thác, quản lý tài nguyên cát
    z4910790392089_4e02d25c804b973e38035e3fae566b63.jpg
    MC, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Lương Kỳ Duyên tại Tọa đàm.

    MC Kỳ Duyên: Trước vấn đề mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Tuấn Anh nêu ra, có thể thấy câu hỏi Làm thế nào để hài hòa giữa việc phát triển và giảm “tổn thương” cho các dòng sông ở ĐBSCL? Đã được nhìn nhận và đánh giá từ lâu.

    Thưa Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, là người có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, ông nhìn nhận về vấn đề này thế nào?

    z4910312702492_9415acd6d20cd7fd7f886d6d858a23c7.jpg
    Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nêu ý kiến tại Tọa đàm.

    Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp: Từ chia sẻ của Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn và tình hình thực tế chúng ta thấy nổi 3 vấn đề lớn: Một là cán cân cung-cầu cát ở Đồng bằng sông Cửu Long đang mất cân bằng hết sức nghiêm trọng. Nhu cầu tăng cao mà nguồn cung thì hạn chế. Không chỉ vùng này đâu, mà ngay cả TPHCM cũng “cầu viện” vùng Đồng bằng sông Cửu Long về nguồn cát sông. Khu vực đã triển khai hàng loạt các công trình, đặc biệt là công trình giao thông.

    Vấn đề thứ 2 là các bất cập trong khai thác, quản lý tài nguyên cát trong nhiều năm qua nay bộc lộ. Ví dụ như tình trạng cát tặc hay thiếu phối hợp, thừa chồng chéo trong việc khai thác tài nguyên cát.

    Vấn đề thứ 3 làm thế nào giải quyết vấn đề bức xúc hiện tại hôm nay nhưng không ảnh hưởng môi trường và lợi ích trong tương lai. Đây là câu hỏi lớn và chủ đề của buổi toạ đàm ngày hôm nay “Vật liệu nào thay thế cát sông?”, không chỉ đơn giản là chúng ta đi tìm vật liệu thay thế nguồn cát sông mà ở vấn đề lớn hơn là cân đối lại nhu cầu sử dụng nguồn cát sông. Trong đó, phải xem xét nhu cầu sử dụng, giảm nhu cầu đó. Như các công trình giao thông thì có giải pháp thay thế sử dụng cát. Rồi các công trình dân sự khác cũng sử dụng nhiều cát sông để đắp nền. Việc tạo ra thói quen sử dụng các vật liệu khác và phương pháp xây dựng khác cũng rất quan trọng nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng nguồn cát sông.

    Cho nên tôi quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ tình hình hiện tại, bởi cát không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn là vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội khác. Như việc khai thác cát nếu không khéo, không quản lý tốt thì sẽ tạo ra các vấn đề xã hội khác. Vì vậy các giải pháp mới mà chúng ta đề ra phải không phát sinh các vấn đề khác trong tương lai.

    Ví dụ, thiếu cát mà chúng ta càng đẩy mạnh khai thác cát thì sẽ xảy ra các vấn đề sạt lở, sụt lún trong tương lai. Hay như việc tìm cát biển thay thế nhìn thì có vẻ rất tốt nhưng chúng ta cần tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt cát biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nó có quan hệ rất lớn tới tài nguyên nước ở sông Mê Kông, hay có gây vấn đề sạt lở bờ biển hay không là vấn đề cần lưu ý.

    Đặc biệt là cách tiếp cận cần xem xét Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong đó đặt con người là trung tâm và tài nguyên nước làm cốt lõi và những giá trị nhân văn bản địa mà chúng ta nhìn từ tài nguyên nước có liên quan tới vấn đề cát sông cần phải lồng ghép trong các giải pháp mà chúng ta đã bàn. Tuy nhiên, chủ đề chúng ta bàn về tìm vật liệu thay thế cát sông, chúng ta tiếp cận nó, đi sâu vào vấn đề để có giải pháp tổng thể.

  • 24/11/2023 10:59 Hài hòa giữa phát triển và giảm "tổn thương" cho các dòng sông

    Nhà báo Công Khanh: Làm thế nào để hài hòa giữa việc phát triển và giảm “tổn thương” cho các dòng sông ở ĐBSCL? Câu hỏi này xin được gửi tới PGS.TS Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ;

    z4910312806384_fce2564c46aaf1c5a8b49f1ba8039648.jpg
    PGS-TS Lê Anh Tuấn phát biểu tại Tọa đàm.

    PGS-TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ; Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ:

    Vấn đề sử dụng cát hiện nay đang mất cung cầu nghiêm trọng. Nạn khai thác cát cũng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân ven sông, khu vực chịu ảnh hưởng bởi nạn sạt lở; gây ảnh hưởng đến môi trường, an ninh.

    Nhu cầu tăng, cung giảm gây “tổn thương” không nhỏ đến sự phát triển của ngành xây dựng nói chung, chúng ta có thể nghiên cứu phương pháp giúp giảm tổn thương chứ không thể giải quyết triệt để được và cũng không thể áp dụng vật liệu thay thế cho toàn bộ các công trình được. vì vậy cần lựa chọn phương pháp cho phù hợp.

    Về câu hỏi nguồn vật liệu nào có thể thay thế cát sông để đảm bảo cung cấp cho các công trình xây dựng? Theo tôi, có thể tìm bất kỳ vật liệu nào để thay thế cát sông, nhưng phải đảm bảo được các tiêu chuẩn nghiên cứu và quy định chặt chẽ.

    Tới nay, Bộ Xây dựng chưa đưa ra được tiêu chí mới cho vật liệu thay thế. Để giảm vật liệu thay thế cát, theo tôi cần mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng những những phương án sau:

    Thứ nhất, xay đá thành cát. Tuy nhiên chi phí cao, bù lại tăng tuổi thọ cộng trình.

    Thứ 2, nghiên cứu thay đổi kết cấu công trình, ví dụ có những bộ phận có thể thay thế bằng khung sắt; hoặc nền công trình có thể giảm sử dụng lượng cát.

    Thứ 3, phát triển giao thông đường thuỷ, giảm bớt việc xây dựng đường hoặc lưu lượng sử dụng đường thì cũng là cách giảm bớt phụ thuộc cát.

    Thứ 4, ở Đại học Cần Thơ đã áp dụng trộn tro xỉ thay thế cát sử dụng ở một số công trình. Tuy nhiên, sử dụng tro xỉ cũng phải đồng bộ, nếu không sẽ sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

    Thứ 5, có thể nhập cát ở nơi khác. Nhiều nước đã làm như Singgapore đã áp dụng. Phương án này có tốn kém hơn nhưng chúng ta không phải lo chi phí khác như: chi phí khắc phục môi trường, khắc phục sạt lở, công trình sạt lở…

    Đã đến lúc, các cơ quan, đơn vị liên quan cần ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, tìm ra một phương pháp phù hợp nhất để áp dụng.

  • 24/11/2023 10:41 Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu
    z4910282801499_33ea2c9a9477b6533a725d516c672987.jpg
    Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu.

    Ông Dương Tấn Hiển: Trước hết, thay mặt lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cảm ơn Báo Đại Đoàn Kết và các vị khách mời đã chọn TP Cần Thơ để tổ chức buổi tọa đàm. “Vật liệu nào thay thế cho cát sông?” là một chủ đề được các ngành, các cấp, nhân dân quan tâm tìm hiểu. Tọa đàm sẽ chia sẻ những nghiên cứu ứng dụng mới.

    Đối với TP Cần Thơ được Trung ương, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư 2 công trình cao tốc trên địa bàn: đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 thành phần 2 đi qua địa bàn TP Cần Thơ. Lượng cát của đường cao tốc Bắc-Nam khoảng là 6 triệu m3, còn đoạn cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cũng trên 5 triệu m3 cát. Ngoài ra, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay cũng đang thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm và đặc biệt các đường giao thông để kết nối quốc tế và các tỉnh xung quanh.

    Như vậy, lượng cát TP Cần Thơ cần là rất lớn, nhưng Cần Thơ với vị trí nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Kông nên qua nghiên cứu đánh giá, lượng cát trên địa bàn hiện nay chỉ còn khoảng 5,3 triệu m3 nhưng chất lượng cát hạt rất nhỏ và lẫn bùn nhiều. Qua nghiên cứu đánh giá của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cát của TP Cần Thơ không đủ quy chuẩn để làm đường cao tốc. Do đó, Cần Thơ rất cần cát ở các nơi khác, ở các tỉnh lân cận để thay thế.

    Mặt khác, cát ở lòng sông Hậu là tài nguyên khoáng sản hữu hạn. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) năm 2023 đánh giá, nếu như chúng ta thực hiện với trữ lượng hiện tại và khai thác như hiện nay thì chúng ta chỉ còn tồn tại khoảng một thập kỷ.

    Trước những khó khăn như thế, TP Cần Thơ đã giao các sở ngành nghiên cứu sử dụng cát biển để thay thế cát sông. Nhưng việc này phải qua nghiên cứu sâu trong thời gian dài để làm sao sử dụng cát mà không ảnh hưởng tới môi trường.

    Tôi rất mong trong tọa đàm hôm nay, sự quan tâm chia sẻ của các nhà khoa học sẽ giúp TP Cần Thơ nói riêng và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn vật liệu cát thay thế cát sông.

  • 24/11/2023 10:31 Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết phát biểu khai mạc

    Nhà báo Công Khanh: Để bắt đầu buổi tọa đàm, xin mời Nhà báo Lê Anh Đạt – Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết phát biểu khai mạc.

    z4910288587453_204543ce00e24c28be4ebd5e518ed1bd.jpg
    Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết phát biểu khai mạc tọa đàm.

    Nhà báo Lê Anh Đạt: Thấp thoáng đâu đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên Báo Đại Đoàn Kết, một số chuyên gia đã đưa ra các kiến giải và rất nhiều ý kiến mong muốn chúng ta có những giải pháp thực sự lâu dài cho tương lai và giải quyết trước mắt các công trình đang chậm tiến độ về cát. Việc thiếu cát sông trong xây dựng cũng gián tiếp thúc đẩy tình trạng khai thác cát quá mức ở các con sông.

    Đời sống dân sinh và cuộc sống con người gắn bó đặc biệt với các con sông. Ông cha ta đã từng nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Việc khai thác quá mức ở các con sông chính là cách chúng ta đang chống lại thiên nhiên, làm thay đổi tự nhiên và làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của con người.

    Ở khía cạnh những người làm truyền thông chúng tôi thấy rằng, những ý tưởng mới, cách nhìn nhận mới, giải pháp mới không chỉ trong lĩnh vực xây dựng mà trong bất cứ lĩnh vực nào đều mang lại những thay đổi căn bản và những lợi ích lớn lao.

    Trong ngành xây dựng, việc tìm ra các giải pháp trước mắt và cho tương lai vật liệu thay thế cát sông không chỉ giải quyết được các vấn đề căn cốt ngay bây giờ mà còn là câu chuyện dài hạn.

    Câu chuyện thiếu cát không chỉ là tình trạng riêng tại ĐBSCL hay Cần Thơ mà còn câu chuyện của cả nước, của hiện tại và cả tương lai.

    Báo Đại Đoàn Kết là cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam với nhiệm vụ rất quan trọng là giám sát và phản biện các vấn đề xã hội.
    Trong câu chuyện này trách nhiệm lớn của tờ báo, của MTTQ Việt Nam trong việc thông tin rải rác trên Báo Đại Đoàn Kết hay các tờ báo khác là chưa đủ. Chúng tôi thấy rằng trong thời đại công nghệ 4.0, công tác truyền thông cần hết sức công khai, minh bạch, dân chủ, khoa học. Việc chúng ta viết những bài báo nêu về vấn đề thiếu cát có thể chưa cho độc giả cái nhìn toàn diện và trực tiếp vì đã trải qua lăng kính của những người làm truyền thông, báo chí.

    Do vậy, toạ đàm hôm nay được tổ chức, chúng tôi mong muốn có 2 vấn đề:

    Thứ nhất, nêu rất rõ thực trạng thiếu cát hiện nay được nhìn nhận dưới rất nhiều góc cạnh khác nhau để thấy được một cái nhìn toàn diện: dưới cả góc nhìn của những nhà quản lí, doanh nghiệp,…

    Thứ hai, tìm ra được những giải pháp, cách thức để tìm ra vật liệu thay thế cát sông hiện nay. Đây là vấn đề rất lớn, trong toạ đàm hôm nay chúng ta sẽ trao đổi để làm sáng tỏ, hướng đến toàn xã hội từ những trách nhiệm khác nhau: trách nhiệm quản lí, trách nhiệm của các nhà khoa học, nghiên cứu và trách nhiệm từ thực tiễn để có những suy nghĩ, đề xuất, tư duy nhằm thay đổi cả quá trình.

    Từ tọa đàm hôm nay, chúng tôi sẽ lan toả đến cả nước để chia sẻ về câu chuyện thiếu cát sông và mong mỏi trách nhiệm trong tương lai rằng, chúng ta sẽ chống lại việc khai thác quá nhiều từ tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, chúng ta cũng mong chờ những giải pháp rất sáng tạo, mang tính chất lâu dài để giải quyết được câu chuyện này từ góc nhìn cả thực tiễn lẫn khoa học.

    Từ lâu, Báo Đại Đoàn Kết đã thường xuyên tổ chức rất nhiều toạ đàm. Đây là phương pháp làm báo mới, cách làm mới, bạn đọc được trực tiếp tham gia, trực tiếp đặt câu hỏi vào câu chuyện xã hội trên các kênh và diễn đàn của Báo Đại Đoàn Kết.

    Đây cũng là cách làm để Báo Đại Đoàn Kết lên tiếng về các vấn đề xã hội một cách rất đầy đủ, khoa học và trực diện đến công chúng.
    Trên tinh thần như vậy, với tư cách tổ chức, cơ quan truyền thông báo chí, tôi mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lí, đại diện doanh nghiệp có mặt trong toạ đàm hôm nay, chúng ta cùng nhau rất thẳng thắn, hiệu quả, trực diện để có những đề xuất để hướng đến tương lai tốt đẹp về câu chuyện khai thác cát sông trong xây dựng. Quan trọng hơn nữa để hướng đến cuộc sống của chúng ta, tương lai của chúng ta.

  • 24/11/2023 10:10

    Nhà báo Công Khanh: Để hiểu rõ hơn về thực trạng thiếu cát tại các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình cao tốc; việc khai thác cát tại một số địa phương hiện nay và tốc độ sạt lở đang gia tăng tại khu vực ĐBSCL. Xin mời quý vị cùng xem video clip mà phóng viên báo Đại Đoàn Kết thực hiện thời gian qua.

  • 24/11/2023 09:55
    z4910192270640_57c032c7bc1bbf75cf0c426b4ae7d1cc.jpg
    Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt cùng ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ chủ trì Tọa đàm.

Xã hội

Tọa đàm trực tuyến: Vật liệu nào thay thế cát sông?

Bích Vân, Hoàng Vân, Hoàng Chiến, Nguyễn Hoài, Nguyên Vũ, Quốc Định, Đoàn Xá 24/11/2023 08:45

Cát sông ngày càng khan hiếm, nếu tăng khai thác sẽ tăng sạt lở, gây tổn thương các dòng sông.

banner-toa-dam-da-chinh-sua.jpg

Sáng 24/11, tại TP Cần Thơ, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Vật liệu nào thay thế cát sông?”, tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn).

Toạ đàm diễn ra dưới sự chủ trì của Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt; ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ đồng chủ trì, cùng với sự tham gia của các khách mời:

- Ông Tống Văn Nga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam.

- PGS. TS. Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ (Viện DRAGON - Mekong); Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ.

- Tiến sĩ Kinh tế Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

- Ông Võ Tấn Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Cát sạch MeKong (Người sáng chế máy tuyển cát đồi núi sông suối, cát biển xây dựng, san lấp…).

Vấn đề thiếu cát đang rất nóng ở Đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước. Cát ngày càng khan hiếm, nếu tăng khai thác sẽ tăng sạt lở, gây tổn thương các dòng sông; trong khi nhu cầu cát xây dựng, nhất là tại các công trình giao thông trọng điểm đang rất bức thiết. Vậy làm thế nào để hài hòa giữa phát triển và giảm tổn thương cho các dòng sông?

quang-canh1.jpg
Quang cảnh Tọa đàm.
z4910192270640_57c032c7bc1bbf75cf0c426b4ae7d1cc.jpg
Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt cùng ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm "Vật liệu nào thay thế cát sông?", nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết, thấp thoáng đâu đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên Báo Đại Đoàn Kết, một số chuyên gia đã đưa ra các kiến giải và rất nhiều ý kiến mong muốn chúng ta có những giải pháp thực sự lâu dài cho tương lai và giải quyết trước mắt các công trình đang chậm tiến độ về cát. Việc thiếu cát sông trong xây dựng cũng gián tiếp thúc đẩy tình trạng khai thác cát quá mức ở các con sông.

Đời sống dân sinh và cuộc sống con người gắn bó đặc biệt với các con sông. Ông cha ta đã từng nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Việc khai thác quá mức ở các con sông chính là cách chúng ta đang chống lại thiên nhiên, làm thay đổi tự nhiên và làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của con người.

z4910288587453_204543ce00e24c28be4ebd5e518ed1bd.jpg
Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết phát biểu khai mạc tọa đàm.

Ở khía cạnh những người làm truyền thông chúng tôi thấy rằng, những ý tưởng mới, cách nhìn nhận mới, giải pháp mới không chỉ trong lĩnh vực xây dựng mà trong bất cứ lĩnh vực nào đều mang lại những thay đổi căn bản và những lợi ích lớn lao.

Trong ngành xây dựng, việc tìm ra các giải pháp trước mắt và cho tương lai vật liệu thay thế cát sông không chỉ giải quyết được các vấn đề căn cốt ngay bây giờ mà còn là câu chuyện dài hạn.

Câu chuyện thiếu cát không chỉ là tình trạng riêng tại ĐBSCL hay Cần Thơ mà còn câu chuyện của cả nước, của hiện tại và cả tương lai.

Báo Đại Đoàn Kết là cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam với nhiệm vụ rất quan trọng là giám sát và phản biện các vấn đề xã hội.
Trong câu chuyện này trách nhiệm lớn của tờ báo, của MTTQ Việt Nam trong việc thông tin rải rác trên Báo Đại Đoàn Kết hay các tờ báo khác là chưa đủ. Chúng tôi thấy rằng trong thời đại công nghệ 4.0, công tác truyền thông cần hết sức công khai, minh bạch, dân chủ, khoa học. Việc chúng ta viết những bài báo nêu về vấn đề thiếu cát có thể chưa cho độc giả cái nhìn toàn diện và trực tiếp vì đã trải qua lăng kính của những người làm truyền thông, báo chí.

Do vậy, toạ đàm hôm nay được tổ chức, chúng tôi mong muốn có 2 vấn đề:

Thứ nhất, nêu rất rõ thực trạng thiếu cát hiện nay được nhìn nhận dưới rất nhiều góc cạnh khác nhau để thấy được một cái nhìn toàn diện: dưới cả góc nhìn của những nhà quản lí, doanh nghiệp,…

Thứ hai, tìm ra được những giải pháp, cách thức để tìm ra vật liệu thay thế cát sông hiện nay. Đây là vấn đề rất lớn, trong toạ đàm hôm nay chúng ta sẽ trao đổi để làm sáng tỏ, hướng đến toàn xã hội từ những trách nhiệm khác nhau: trách nhiệm quản lí, trách nhiệm của các nhà khoa học, nghiên cứu và trách nhiệm từ thực tiễn để có những suy nghĩ, đề xuất, tư duy nhằm thay đổi cả quá trình.

Từ tọa đàm hôm nay, chúng tôi sẽ lan toả đến cả nước để chia sẻ về câu chuyện thiếu cát sông và mong mỏi trách nhiệm trong tương lai rằng, chúng ta sẽ chống lại việc khai thác quá nhiều từ tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, chúng ta cũng mong chờ những giải pháp rất sáng tạo, mang tính chất lâu dài để giải quyết được câu chuyện này từ góc nhìn cả thực tiễn lẫn khoa học.

Từ lâu, Báo Đại Đoàn Kết đã thường xuyên tổ chức rất nhiều toạ đàm. Đây là phương pháp làm báo mới, cách làm mới, bạn đọc được trực tiếp tham gia, trực tiếp đặt câu hỏi vào câu chuyện xã hội trên các kênh và diễn đàn của Báo Đại Đoàn Kết.

Đây cũng là cách làm để Báo Đại Đoàn Kết lên tiếng về các vấn đề xã hội một cách rất đầy đủ, khoa học và trực diện đến công chúng.
Trên tinh thần như vậy, với tư cách tổ chức, cơ quan truyền thông báo chí, tôi mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lí, đại diện doanh nghiệp có mặt trong toạ đàm hôm nay, chúng ta cùng nhau rất thẳng thắn, hiệu quả, trực diện để có những đề xuất để hướng đến tương lai tốt đẹp về câu chuyện khai thác cát sông trong xây dựng. Quan trọng hơn nữa để hướng đến cuộc sống của chúng ta, tương lai của chúng ta.

z4910282801499_33ea2c9a9477b6533a725d516c672987.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển.

Thay mặt lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực thành phố Dương Tấn Hiển gửi lời cảm ơn Báo Đại Đoàn Kết và các vị khách mời đã chọn TP Cần Thơ để tổ chức buổi tọa đàm. “Vật liệu nào thay thế cho cát sông?” là một chủ đề được các ngành, các cấp, nhân dân quan tâm tìm hiểu. Tọa đàm sẽ chia sẻ những nghiên cứu ứng dụng mới.

Đối với TP Cần Thơ được Trung ương, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư 2 công trình cao tốc trên địa bàn: đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 thành phần 2 đi qua địa bàn TP Cần Thơ. Lượng cát của đường cao tốc Bắc-Nam khoảng là 6 triệu m3, còn đoạn cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cũng trên 5 triệu m3 cát. Ngoài ra, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay cũng đang thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm và đặc biệt các đường giao thông để kết nối quốc tế và các tỉnh xung quanh.

Như vậy, lượng cát TP Cần Thơ cần là rất lớn, nhưng Cần Thơ với vị trí nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Kông nên qua nghiên cứu đánh giá, lượng cát trên địa bàn hiện nay chỉ còn khoảng 5,3 triệu m3 nhưng chất lượng cát hạt rất nhỏ và lẫn bùn nhiều. Qua nghiên cứu đánh giá của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cát của TP Cần Thơ không đủ quy chuẩn để làm đường cao tốc. Do đó, Cần Thơ rất cần cát ở các nơi khác, ở các tỉnh lân cận để thay thế.

Mặt khác, cát ở lòng sông Hậu là tài nguyên khoáng sản hữu hạn. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) năm 2023 đánh giá, nếu như chúng ta thực hiện với trữ lượng hiện tại và khai thác như hiện nay thì chúng ta chỉ còn tồn tại khoảng một thập kỷ.

Trước những khó khăn như thế, TP Cần Thơ đã giao các sở ngành nghiên cứu sử dụng cát biển để thay thế cát sông. Nhưng việc này phải qua nghiên cứu sâu trong thời gian dài để làm sao sử dụng cát mà không ảnh hưởng tới môi trường.

Tôi rất mong trong tọa đàm hôm nay, sự quan tâm chia sẻ của các nhà khoa học sẽ giúp TP Cần Thơ nói riêng và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn vật liệu cát thay thế cát sông.

monn9356.jpg
Tọa đàm trực tuyến “Vật liệu nào thay thế cát sông?" được báo Đại Đoàn Kết tổ chức đã thu hút sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia và cơ quan thông tấn báo chí.
monn9477.jpg
monn9526.jpg
Ông Tống Văn Nga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam.
monn9420.jpg
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ.
monn9497.jpg
Ông Võ Tấn Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Cát sạch MeKong (Người sáng chế máy tuyển cát đồi núi sông suối, cát biển xây dựng, san lấp…) trao đổi tại tọa đàm.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tọa đàm trực tuyến: Vật liệu nào thay thế cát sông?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO