Đó là chia sẻ của ông Đoàn Quốc Việt, thương bệnh binh mất 98% sức khỏe hiện đang điều trị tại Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam trong cuộc trò chuyện với ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khi dẫn đầu đoàn đại biểu tới thăm và tặng quà Trung tâm vào chiều ngày 25/7.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trò chuyện với thương bệnh binh nặng Đoàn Quốc Việt.
Cùng đi với đoàn có ông Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam; bà Hà Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam.
Ông Đoàn Quốc Việt sinh năm 1940 tại Nam Định. Như bao thanh niên Việt Nam yêu nước thời bấy giờ, ông Việt lên đường ra trận. Chiến tranh đã lấy đi của ông quá nhiều. Trong sổ y bạ mà các y, bác sĩ ở Trung tâm này lưu thì ông mất 98% sức khoẻ, tuy nhiên trên thực tế, người thương bệnh binh ấy đã mất hơn 100% sức khoẻ.
Vậy mà, khi đoàn công tác đến thăm, nếu như không được sự giới thiệu trước của các y, bác sĩ, chẳng ai có thể nghĩ, ông già có nụ cười dí dỏm, nói chuyện minh mẫn, đang ngồi gọn gàng trên giường là một thương bệnh binh đã mất đi hơn 100% sức lực.
Thương bệnh binh Đoàn Quốc Việt đã gắn bó với chiếc xe lăn hơn 50 năm. Trung tâm cũng vừa tổ chức một buổi lễ kỷ niệm ấm cúng cho hành trình 50 năm gắn bó với xe lăn của ông. Hành trình đó còn hơn tuổi rất nhiều người trong đoàn công tác. Nhưng trong ánh mắt của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ ấy vẫn là nghị lực sống phi thường, khi ông nắm tay Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh và nói: Tôi sống để yêu đời.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác đi thăm cơ sở vật chất của Trung tâm.
Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam được thành lập từ tháng 6/1972 với nhiệm vụ tiếp nhận các thương bệnh binh từ các mặt trận chuyển về để điều trị vết thương, chăm sóc sức khoẻ.
Sau 46 năm, trung tâm đã tiếp nhận gần 3.000 thương bệnh binh về điều trị chăm sóc ổn định vết thương, bệnh tật.
Ông Nguyễn Huy Long, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam cho biết, trong điều kiện vô cùng khó khăn của thời kỳ đầu thành lập, bằng trách nhiệm, tình cảm, sự trân trọng những hy sinh cống hiến của thương bệnh binh, trung tâm đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu đề ra. Điều này được thể hiện qua nhiều điểm nhấn.
Đó là Trung tâm tự mở lớp ôn văn hoá, lớp dạy nghề hướng nghiệp tạo điều kiện cho các thương bệnh binh có công ăn việc làm ổn định cuộc sống và tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Nhờ đó, 2.154 thương bệnh binh được chuyển ngành hoặc thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, phục viên, một số đồng chí về mất sức và đi công tác tại các đơn vị khác.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh thăm hỏi sức khoẻ của các thương bệnh binh nặng.
Chia sẻ với đoàn công tác, ông Long cũng cho biết, không chỉ đối diện với những thương tật trên thân thể, trong quá trình phẫu thuật điều trị vết thương ở các bệnh viện, một số thương bệnh binh còn mắc phải bệnh nghiện thuốc điều trị.
Ông Long lấy ví dụ, có những người chỉ nằm ăn bằng ống xông 24/24h, không biết mặn nhạt ra sao, dư chấn của chiến tranh đè nặng gây ra những loại bệnh mà thế giới còn chưa có thuốc chữa. Chính vì vậy nhiều người mắc bệnh nghiện thuốc moocphin (thuốc giảm đau), một số thương bệnh binh nặng phải dùng tới 30 ống moocphin/ ngày. Trước tình hình đó trung tâm đã mở cuộc cai nghiện cho các thương binh nghiện.
“Trải qua thời gian 3 năm liên tục bằng nhiều biện pháp tích cực quyết liệt, kiên trì chúng tôi đã cai nghiện thành công cho 21 thương binh nghiện. Đến nay không có đồng chí nào tái nghiện”, ông Long vui vẻ chia sẻ và cũng cho biết thông qua hoạt động cai nghiện thuốc cho thương bệnh binh, Trung tâm được xem là đơn vị điển hình đi đầu trong ngành Lao động TBXH toàn quốc về cai nghiện triệt để cho thương binh.
Được biết, trong khi Nhà nước chưa có cơ chế chính sách, Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam còn mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, mở cuộc vận động đưa thương bệnh binh nặng về an dưỡng gia đình, từng bước ổn định đời sống theo tinh thần Chỉ thị 283 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Trong không khí thân tình, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã đến bên cạnh từng thương bệnh binh lắng nghe hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe của từng người và khẳng định sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của các thương binh cho đất nước, cho dân tộc là sự hy sinh cao cả nhất.
Nhân dịp 27-7, ngày Thương binh liệt sĩ, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã cảm ơn ý chí quật cường, sự hy sinh to lớn của các thương binh, liệt sĩ cũng như cảm ơn chính sự chịu đựng phi thường của các thương bệnh binh để cùng đất nước tiếp tục vượt lên mọi gian khó.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh và các đại biểu trong đoàn công tác cùng các thương bệnh binh.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh bày tỏ mong muốn các thương bệnh binh , với ý chí của người lính Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục chiến đấu vượt qua bệnh tật là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Thế hệ trẻ sẽ có trách nhiệm gìn giữ thành quả cách mạng mà các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Đánh giá cao trách nhiệm của Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam trong việc chăm sóc người có công, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh Hà Nam tiếp tục quan tâm đến công tác này, cũng như quan tâm việc phát triển, xã hội hoá cả về vật chất lẫn tinh thần, để Trung tâm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.
“Những hiệu quả mà Trung tâm đã đạt được trong thời gian qua cũng như tới đây chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cho người có công mà Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định.