Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện những “sự cố” liên quan đến việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa. Đáng tiếc hơn, nhiều vụ việc có dấu hiệu xâm phạm đến di tích đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Đây có phải là những “lỗ hổng” trong việc quản lý di tích lịch sử, văn hóa?
1.Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) những ngày qua trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận. Người ta quan tâm, bởi ở đây đang diễn ra việc chỉnh trang, tôn tạo. Theo đó, các hạng mục chỉnh trang, tu sửa ở đình Chèm bao gồm: chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống tường rào, cây xanh chung quanh đình, chỉnh sửa lại ngói, hạ cốt sân trước và sân sau đình, bảo đảm trả lại nguyên vẹn đình Chèm trước kia...
Đặc biệt, một cây đa sum suê bóng mát phía trước nghi môn gắn bó với không gian di tích này 24 năm qua đã bị đốn hạ khiến tất cả những người đã đến đình Chèm thời gian qua vô cùng tiếc nuối. Nhiều người lo ngại những hành động này làm mất đi giá trị văn hóa, lịch sử của di tích sau quá trình tu bổ.
Với những người nặng lòng với văn hóa Việt Nam, đình Chèm là một công trình kiến trúc có nghệ thuật chạm khắc độc đáo, cũng là một trong những ngôi đình được coi là cổ nhất nước ta. Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Hiện ở đình Chèm vẫn còn lưu giữ chiếc lư hương ngàn năm tuổi rất quý hiếm...
Trước đó, những lùm xùm liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị tại cụm di tích quốc gia đình - chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cũng đã gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, ngày 9/12/2020, Tiểu ban Quản lý di tích, lãnh đạo thôn Vàng cùng một số người dân thôn Vàng đã kéo đến chặt cây, phá tường chùa Vàng, xâm phạm vào khu vực II của di tích quốc gia chùa Vàng. Sau đó, họ đổ đất, cho xây tường giật lùi vào phía trong khu vực đất thuộc khu vực II di tích gần 2m, kéo dài hơn 70m…
Và gần đây là việc tự ý sửa chữa, xây mới công trình nhà bia nằm giữa công trình cụm di tích. Vị trí xây dựng là bên trái cổng ra vào của đình làng Vàng trên nền bia đá cũ của khu di tích ghi lại thần tích của đình; diện tích mặt đế (móng) khoảng 20m2, chiều cao nhà che bia là 6,2m (chiều cao từ chân cột đến đỉnh); hình thức theo kiến trúc kiểu 2 tầng 8 mái, 4 cột trụ xung quanh.
Câu chuyện tôn tạo hay xâm phạm di tích quốc gia không chỉ là “chuyện riêng” của Hà Nội. Tại Thanh Hóa, việc UBND huyện Thiệu Hóa cho tôn tạo chiếc giếng cổ tại Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu cũng đang vấp phải phản ứng của dư luận. Theo đó, chiếc giếng này có từ hàng trăm năm nay, nằm tại thôn 3, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.
Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 5293/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu. Dự án được chia thành 3 giai đoạn, với tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng, trong đó tu bổ giếng là một trong 12 hạng mục tu bổ, tôn tạo thuộc giai đoạn 3 của dự án này. Trong quá trình triển khai thi công, tu bổ hạng mục giếng, người ta thấy có hiện tượng bất thường, đó là tự ý thu hẹp miệng giếng từ 10m xuống còn 6m. Thậm chí có ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương cho phá bỏ giếng cổ để xây dựng giếng mới.
Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa Lê Ngọc Tạo, chủ đầu tư đã không nghiên cứu thấu đáo hồ sơ dự án và các văn bản liên quan của Bộ VHTTDL, vì thế đã tỏ ra lúng túng, ứng xử thiếu khoa học trong quá trình tu bổ di tích dẫn đến phá vỡ yếu tố gốc của giếng cổ.
2. Trước những phản ứng gay gắt của các nhà nghiên cứu, người am hiểu lịch sử và văn hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã chỉ đạo ngành chức năng tạm dừng thi công, làm rõ vụ việc phá bỏ giếng cổ tại Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu. Tại văn bản số 3517 lãnh đạo tỉnh nêu: Dự án tu bổ đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu giai đoạn 3 đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân lẫn nhà nghiên cứu, người am hiểu lịch sử, văn hóa khi chính quyền cho phá bỏ giếng cổ để xây dựng giếng mới với diện tích nhỏ hơn.
Lãnh đạo tỉnh nhận định, cách tu bổ như trên là không tôn trọng yếu tố lịch sử, tâm linh, gây bức xúc trong nhân dân… Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa và các đơn vị có liên quan kịp thời kiểm tra, làm rõ nội dung, có biện pháp xử lý đảm bảo việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử được thực hiện theo đúng quy định và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.
Tương tự, vụ tôn tạo di tích, chặt cây đa ở đình Chèm (Hà Nội) cũng đã được cơ quan chức năng vào cuộc. Làm việc với đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chiều 25/3, UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, hiện trạng cây đa bị chặt hạ là cây đa đỏ được trồng từ khoảng năm 1998 để tạo bóng mát. Đây không phải cây cổ thụ hay cây di sản, không có trong hồ sơ xếp hạng di tích (nằm trong khu vực I), đồng thời không phù hợp cây đô thị.
Lập luận cho rằng cây đa mới trồng trong vòng 20 năm qua, không phải cây di sản, cũng được một số người nêu ra khi vụ việc mới bị phát hiện, nhằm “dập lửa” dư luận. Tuy nhiên, cần nhắc lại, với những giá trị tổng hợp về kiến trúc và lễ hội, ngày 25/6/2018, đình Chèm được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đối chiếu với thông tin cây đa được trồng vào năm 1998 vừa dẫn ở trên, thì rõ ràng, khi được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2018) ở đình Chèm đã có cây đa.
Vậy thì, tất cả những gì xuất hiện ở đó trước năm 2018 phải được ứng xử theo tiêu chí một di tích quốc gia đặc biệt. Không thể tự ý chặt hạ cây xanh, rồi đến khi xong xuôi, đại diện Ban Khánh tiết đình Chèm chỉ đứng ra nhận “không đúng quy định, việc làm này chưa được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền”; và: “Ban Khánh tiết đình Chèm nhận khuyết điểm, xin rút kinh nghiệm”.
3. Tu bổ, tôn tạo hay phá hỏng di tích, biến di tích trăm tuổi thành 1 tuổi không phải là câu chuyện bây giờ mới được đặt ra. Từ nhiều thập niên trước, đây đã là vấn nạn và đã được các nhà sử học, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa lên tiếng mạnh mẽ. Thế nhưng, đến thời điểm này, từ những vụ việc gần đây cho thấy thái độ chưa đúng đắn của nhiều địa phương, ban quản lý trong việc ứng xử với di tích lịch sử.
Ngay cả ở những di tích quốc gia đặc biệt, người ta vẫn bất chấp nhiều quy định, nhiều định hướng từ các cơ quan văn hóa có thẩm quyền. Những “phớt lờ” đó phải chăng do chế tài xử lý còn yếu, còn thiếu? Hay đó là câu chuyện “lợi ích nhóm” nhằm trục lợi? Hay họ cố tình muốn “xóa ký ức” của nhiều người nặng lòng với văn hóa, lịch sử nước nhà?
Câu chuyện này chúng tôi sẽ trở lại vào số báo Chủ nhật tuần tới.
Thận trọng với việc tu bổ, tôn tạo chùa Tây Phương
Gần đây, dư luận quan tâm đến thông tin Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) bị xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, các hạng mục chính của chùa đã xuống cấp; nhiều cột, trụ của chùa bị mối mọt; một phần mái ngói chùa Hạ xô lệch bị thấm dột khi mưa; đá ong lối lên xuống chùa bị vỡ, hỏng gây mất an toàn cho khách tham quan và di tích. Đáng lưu ý, hệ thống tượng cổ đang bị bong tróc sơn, chân đế một số pho tượng bị bong gãy, nếu không kịp thời tu bổ sẽ càng xuống cấp nặng.
Theo đó, tại tờ trình đề xuất danh mục đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Thạch Thất giai đoạn 2021-2025 do UBND huyện Thạch Thất đề nghị UBND thành phố Hà Nội phê duyệt cuối tháng 1/2022, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.
Quy mô đầu tư gồm: Quy hoạch, di dân tái định cư tạo không gian cho Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương; tôn tạo, tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Tổng mức đầu tư 235 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, việc tu bổ, tôn tạo chùa Tây Phương khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025.
Trước thông tin này, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và rất nhiều du khách thập phương hết sức quan tâm. Bởi chùa Tây Phương được xây dựng từ thế kỷ 17, đến thế kỷ 18, chùa được dựng lại và giữ nguyên hình dáng kiến trúc như ngày nay.
Bên cạnh đó, chùa Tây Phương là di sản văn hóa mang giá trị đặc biệt thể hiện qua nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao. Hệ thống tượng Phật là điểm đặc sắc nhất, có thể coi đây như là một Bảo tàng tượng Phật của Việt Nam. Các pho tượng Phật được làm bằng gỗ mít, được tạo tác công phu, tinh xảo, giá trị nghệ thuật điêu khắc vào bậc nhất nước ta. Đáng chú ý, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Do vậy, việc tiến hành tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương cần phải được tiến hành thận trọng với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền.