Khai thác những giá trị gắn với mỗi vùng đất để hình thành những tác phẩm nghệ thuật nhằm thu hút người dân và khách du lịch là một hướng đi đúng, trong bối cảnh nền công nghiệp văn hóa đang được đẩy mạnh. Và vở múa đương đại “Rơm” sắp ra mắt tại Hội An, được xem như một nỗ lực đáng ghi nhận.
Vở diễn do UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) phối hợp cùng Arabesque Vietnam tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp bình dị hiền hòa của làng quê Hội An vào mùa gặt hái, thông qua âm nhạc dân gian kết hợp cùng nghệ thuật múa đương đại đẳng cấp quốc tế dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn, Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc và Giám đốc âm nhạc Đức Trí.
Chúng ta đều biết, Hội An từ lâu đã được du khách bốn phương biết đến với Đêm rằm Phố cổ, Chùa Cầu, bãi biển, rừng dừa Bảy mẫu… Bằng vở múa “Rơm”, lần đầu tiên du khách sẽ được say lòng với cảnh sắc làng quê, cánh đồng lúa chín, được cảm nhận đầy đủ hương vị, sắc màu và không khí của mùa gặt hái. Lần đầu tiên, du khách được thưởng thức trình diễn nghệ thuật múa đương đại ngay trên cánh đồng bát ngát Hội An, nơi ánh hoàng hôn tắm đẫm phong cảnh trong một sắc vàng ấm áp. Giữa nhịp điệu đều đặn của việc trồng trọt và thu hoạch, “Rơm” sẽ giản dị hiện lên như một biểu tượng của sự kiên cường, sáng tạo và bền vững của làng quê Hội An.
“Rơm” kể về tình cảm bình dị và chân chất của gia đình nông dân Việt Nam. Ụ rơm mộc mạc, quen thuộc chính là một chứng nhân quan trọng bên cạnh ngôi nhà: Kể từ ngày ông bà còn trẻ, quen nhau, cưới nhau rồi sinh con, đến khi những đứa trẻ chào đời và trải qua thời thơ ấu chơi đùa, tinh nghịch dưới những ụ rơm. Theo thời gian, những đứa trẻ lớn lên, ông bà lại ra ngồi dưới ụ rơm tính chuyện dựng vợ gả chồng cho chúng. Cứ thế, từng thế hệ rời đi, ụ rơm vẫn đứng đấy như là chứng nhân của tình cảm gắn kết gia đình. Ụ rơm có lúc vơi lúc đầy cũng như tình cảm lúc sâu lắng, lúc đầy vơi…
Biểu diễn "Rơm" trên nền phong cảnh là cánh đồng lúa chín vào mùa gặt, ê kíp sáng tạo lần đầu tiên giới thiệu hình thức kết hợp giữa nghệ thuật múa đương đại và thiên nhiên (ambiance dance) đến với Thành phố Hội An (Ambiance Dance vốn là hình thức biểu diễn kết hợp ngôn ngữ múa với không gian ngoài trời, âm thanh, bối cảnh... rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các thành phố văn hóa và du lịch). Với lòng yêu mến Hội An cùng kinh nghiệm biên đạo đẳng cấp quốc tế, biên đạo Nguyễn Tấn Lộc sẽ mang đến một sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng cho làng quê Hội An. "Rơm", chính là một dấu ấn nữa của Arabesque trong hành trình xây dựng tình yêu với nghệ thuật múa, với khát vọng mang điệu múa và văn hóa Việt Nam đến gần hơn với người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.
"Rơm" còn là nỗ lực của UBND thành phố Hội An nhằm xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, trong đó chú trọng việc phát huy và sáng tạo các tiềm năng, lợi thế sẵn có, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; chủ trương quan tâm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, lựa chọn sự phát triển bền vững, coi trọng các giá trị sinh thái và nhân văn, tạo cơ hội và ươm mầm cho các giá trị sáng tạo mới trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Hội An, nhằm khẳng định và phát huy danh hiệu Hội An - thành phố sáng tạo của UNESCO.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An hy vọng, thông qua vở diễn “Rơm", du khách lần đầu tiên sẽ được thưởng thức nét đẹp mộc mạc của xóm làng nông thôn, cánh đồng mùa gặt và sản phẩm thủ công từ rơm. “Rơm" cũng là một phần trong định hướng tương lai nhằm mang các tác phẩm văn hoá - nghệ thuật đỉnh cao đẳng cấp quốc tế đến với Hội An.
Trong khi đó, Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ, câu chuyện về “Rơm” không chỉ là một buổi biểu diễn múa; đó là một dịp tôn vinh sự khéo léo và tinh thần bền bỉ của người dân Việt Nam. Khi buổi biểu diễn diễn ra, vào khoảnh khắc dịu dàng của hoàng hôn, chúng tôi hy vọng khán giả, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, sẽ cảm nhận được điều gì đã định hình nên nền văn hóa đặc biệt này.
Vở múa đương đại "Rơm" sẽ được kết hợp chất liệu rơm, múa đương đại, trống, nhạc cụ dân tộc, nhạc công biểu diễn trực tiếp cùng diễn viên múa. Thời lượng chương trình là 60 phút/suất và diễn ra trong 4 ngày 22, 23, 24 và 25/8 vào lúc mặt trời lặn (dự kiến từ 17h30 - 18h30). Địa điểm diễn là cánh đồng Trái tim lúa Hội An (khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu, TP Hội An).