Liên quan đến việc xử lý cán bộ, đã xuất hiện nhiều thông tin trên mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, phải cảnh giác với những âm mưu kích động trên khi cho rằng là đấu đá nội bộ, phe này đánh phe kia, thế này nặng, nhẹ. Vì thế chúng ta cần xem xét, bình tĩnh, tỉnh táo.
Ngày 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri. (Ảnh: VnExpress/Giang Huy).
Cử tri vẫn băn khoăn tham nhũng chưa giảm
Cử tri Đặng Văn Tĩnh (phường Tứ Liên, Quận Tây Hồ) cho biết: Trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ khá quyết liệt thể hiện quyết tâm không có vùng cấm trong chống tham nhũng, đã chỉ đạo 1 số tổ chức cá nhân trong đó có cả cán bộ cao cấp, Chính phủ xây dựng Chính phủ liêm chính kiến tạo, hành động tạo được một số kết quả. Từ kết quả trên đã tạo được niềm tin của dân với Đảng.
Tuy nhiên cử tri vẫn băn khoăn tham nhũng chưa giảm, Chính phủ chưa kiểm tra các cấp nên có tình trạng trên nói dưới chưa làm, xử lý người đứng đầu đa số chưa gắn với xử lý tài chính.
Theo cử tri Trần Viết Hoàn (Phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình), người dân hoanh nghênh và tin tưởng Tổng Bí thư thể hiện quyết tâm của mình như từng nói trước đó vì sự tiến bộ chung phải xử lý một số người để cứu muôn người. Từ vụ Trịnh Xuân Thanh đã lôi ra nhiều vụ án khác nữa. Dân lo cho Đảng, nhà nước cần xem lại cơ chế quản lý cán bộ một cách nghiêm túc, nhiều nơi đưa người thân quen lên làm quan, khiến người tài không được vào.
“Như vụ Trần Vũ Quỳnh Anh tại Thanh Hóa mới vào mà được bổ nhiệm cấp phòng, chưa qua sơ cấp chính trị đã được quyết định đi học trung cấp chính trị, phải truy tìm người nâng đỡ Trần Vũ Quỳnh Anh. Cử tri băn khoăn cán bộ quá giàu như Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tài sản lên mấy trăm tỷ, phải làm rõ ai đã đưa bà Hồ Thị Kim Thoa lên Thứ trưởng”- ông Hoàn nói.
Theo ông Hoàn, công tác quản lý cán bộ lỏng lẻo để cán bộ trốn đi nước ngoài như vụ Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, Trần Vũ Quỳnh Anh. Những vụ này có người tổ chức cho trốn đi nước ngoài không?.
Từ vụ ông Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng bị kỷ luật cần xem xét người đưa họ vào cơ cấu. Tham nhũng là những kẻ mặc thiên hạ gầy miễn mình béo cho nên đánh đổ giặc này là cứu được dân. Dân mong lãnh đạo cấp cao làm theo đúng đạo lý làm người mà Bác Hồ dạy bảo. Quần chúng chỉ quý mến người làm được chứ không phải chỉ có nói, tự mình liêm chính thì mới làm gương cho người khác, tự mình không liêm chính thì bảo được ai.
Cử tri Đinh Hữu Khuynh (Phường Kim Mã, Quận Ba Đình) cho rằng, quyết định thi hành kỷ luật đối với đồng chí Thăng là quá nhẹ như vậy có phù hợp không? gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng mà lại cho giữ chức Phó Ban Kinh tế Trung ương.
Cùng chung quan điểm xử lý chưa tương xứng, cử tri Trần Quang Vinh (Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ) cho rằng, 2 triệu đồng chịu trách nhiệm hình sự vậy mà ông Thăng gây sai phạm như vậy chỉ bị cảnh cáo. Vậy đã tương xứng chưa? Tổng Bí thư phải làm rõ. Đồng thời ông bày tỏ băn khoăn khi cán bộ công chức kê khai tài sản, làm sao biết minh bạch, cơ chế nào kiểm tra giám sát và ai là người đi kiểm tra giám sát? Để biết khai đúng khai thật để tài sản minh bạch.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán (Phường Bưởi, Quận Tây Hồ) phản ánh, nhiều cử tri rất quan tâm đến hội nghị Trung ương 5. Ông Đinh La Thăng là người có tài khi làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, khi làm Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh là người xông xáo, lội ruộng với dân, hiếm người lãnh đạo nào được như thế. Nhưng hình thức kỷ luật cảnh cáo vì để ra sai phạm lúc đang làm Chủ tịch tập đoàn dầu khí, nhiều đảng viên cả nước không đồng thuận với ý kiến này.
Biết là xử lý có tình có lý nhưng sai lầm như thế chỉ khiển trách. Tôi là đảng viên đã 50 năm thấy phải là cách chức. Thế mới nghiêm để đảng viên thấy được bài học để tự răn mình. Nếu không người khác cứ làm để cùng lắm cũng cảnh cáo cho nên phải xử lý cương quyết hợp lòng dân. Khuyết điểm như thế lại đưa làm Ban Kinh tế Trung ương. Ban Kinh tế toàn là những đồng chí xứng đáng, tham mưu cho Đảng về vấn đề phát triển kinh tế nhưng giờ lại đưa người bị kỷ luật vào đấy. Công và tội phải rõ, đừng để Ban Kinh tế là “cái túi” đựng người bị kỷ luật. Như ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dân lo như thế mà trả lời trước Quốc hội nói cứ tỉnh bơ rồi đưa về Phó Ban Kinh tế Trung ương. Dân cứ ám ảnh suy nghĩ mãi.
Cử tri Nguyễn Viết Lệch (Phường Xuân La, Quận Tây Hồ) nói: “Nạn tham nhũng trong tuyển dụng sử dụng cán bộ. Hơn 11 nghìn cán bộ không chuyên trách chỉ được phụ cấp 1,2 triệu đồng trong khi phải làm nhiều việc trong khi nhiều cán bộ công chức ngồi chơi xơi nước. Cần sắp xếp số dôi dư cán bộ và có chế độ thỏa đáng với cán bộ xã phường”.
Theo cử tri Đỗ Thị Kim Oanh (Phường Đội Cấn, Quận Ba Đình,) nhân dân thấy Đảng đã kiểm điểm nhưng Đảng cảnh cáo cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị nhưng lại phân công Phó Ban Kinh tế Trung ương là chưa thỏa đáng. Sai phạm về kinh tế nhưng lại làm Phó Ban Kinh tế Trung ương. Ý Đảng nhưng còn lòng dân nữa. Cho nên Quốc hội cần xem xét, giám sát chặt chẽ hơn để dân tin Đảng.
Làm nghiêm, đúng pháp luật
Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt các ĐBQH đơn vị bầu cử số 1 gửi lời cảm ơn ý kiến tâm huyết, phong phú, sâu sắc nhiều vấn đề của cử tri khi đề cập cuộc sống muôn hình muôn vẻ phản ánh nhiều góc độ khác nhau, và ý kiến rất trách nhiệm, nhiều người nghiên cứu sâu về chương trình kỳ họp nhất là các luật để đóng góp ý kiến.
Theo Tổng Bí thư, chương trình kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV là kỳ đầu của năm 2017 cho nên Quốc hội sẽ xem xét bàn luận thông qua luật đã chín mùi, bàn luật cho ý kiến lần đầu, giám sát, cho ý kiến về các vấn đề quan trọng của đất nước, tình hình kinh tế xã hội và thực hiện giám sát. Dự kiến kỳ họp sẽ thông qua 13 dự án luật, cho ý kiến lần đầu về 4 dự án luật. Họp từ ngày 22/5 đến 20/6.
Qua hội nghị tiếp xúc cử tri này, chúng tôi đã thu hoạch được nhiều, hiểu được đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con qua phản ánh của cử tri. Nhưng chúng tôi qua nhiều kênh, tiếp xúc cử tri là 1 kênh còn phải đi thực tế địa phương nữa. Nhưng đây là kênh thông tin rất quan trọng.
Trước việc cử tri góp ý cho dự án Bộ Luật hình sự sửa đổi, Luật quy hoạch, Luật du lịch..., Tổng Bí thư cho rằng, công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, các nước Quốc hội chủ yếu làm luật. Đây là vấn đề quan trọng, Nhà nước quản ý thông qua luật pháp, cơ chế chính sách. Nhưng làm luật cũng phức tạp, có luật ra 1-2 năm rồi phải sửa, thậm chí Bộ luật hình sự vừa thông qua đã phải chỉnh sửa lại. Làm luật rất khó, nội dung nhiều cái mới theo quan điểm thay đổi của chính sách. Riêng kinh tế thị trường định hướng XHCH vận động thì luật cũng phải thay đổi theo.
"Ta mới đi vào đổi mới, chưa có kinh nghiệm, 30% ĐBQH là chuyên trách, số còn lại là làm nhiều việc khác, không chuyên sâu. Các nước họ chỉ làm luật thôi, kinh nghiệm hơn trăm năm rồi. Nhiều ý kiến nói sao ta không chuyên trách 100% như các nước nhưng nước ta có cái khác là ĐBQH là đại diện cho nhân dân, do đó phải có nhiều thành phần, đại diện cho các tầng lớp, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân. Do đó ta cần từng bước cố gắng. Cho nên tăng ĐBQH chuyên trách, các nhà làm luật, rồi lắng nghe ý kiến nhân dân. Nhưng có luật rồi quan trọng là làm sao đưa luật vào cuộc sống, có luật rồi nhưng vẫn vi phạm phải xử lý, rồi chưa hiểu luật hay người ta hay nói là “mù luật” nên cũng dẫn đến làm sai", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cho rằng cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng đề cập đến. Nhân dân mong muốn làm mạnh thêm vì chưa đạt yêu cầu, bản thân chúng tôi cũng thấy vậy. Gần đây cũng có tiến bộ nhất là từ năm 2016 đến nay bao nhiêu vụ đưa ra xét xử, có cái công bố, có cái không không bố, từ Trung ương đến địa phương. Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương hàng năm đều có các Đoàn đi kiểm tra tại địa phương. Như vụ Giang Kim Đạt trốn đi nước ngoài nhưng chúng ta bắt xong và đưa ra xét xử với mức án tử hình; còn vụ Trịnh Xuân Thanh vẫn đang làm. Tuy nhiên, đúng là có nhiều cái chưa hài lòng, nước nào cũng có. Gần đây Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc xử lý cũng rất nghiêm như Tổng thống Hàn Quốc mất chức cũng là do tham nhũng, có thể nói đây là bệnh nhân loại thời đại. Tuy nhiên xử lý cũng phải đúng người đúng tội, đúng pháp luật, pháp luật của ta nhân văn đánh người chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, làm nghiêm đúng luật pháp tinh thần dân tộc chứ không phải làm nhẹ đi.
Theo Tổng Bí thư, Trung ương đã bàn nhiều lần về tổ chức bộ máy. Làm ra, làm vào vì đây là vấn đề khó, giảm đầu mối nhưng đầu mối phình ra, giảm cấp phó nhưng sinh ra hàm, giảm biên chế nhưng biên chế phình ra. Vừa rồi Trung ương 5 đã bàn về kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân, chỉnh đốn Đảng. Sắp tới sẽ Trung ương sẽ bàn chuyên đề về tổ chức bộ máy.
Liên quan đến vụ xử lý kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng, Tổng Bí thư nêu rõ: Vừa qua chúng ta đã xử lý một loạt các cán bộ nguyên là Ủy viên Trung ương như ông Vũ Huy Hoàng, Trần Lưu Hải, Huỳnh Minh Chắc. Còn ông Võ Kim Cự thì không phải Ủy viên Trung ương nhưng là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Sắp tới còn nữa các bác cứ chờ đấy xem chứ không phải không nghiêm đâu. “Việc chúng ta động đến một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh lớn đến như thế là chưa bao giờ có. Đây mới xử về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự vẫn đang làm, các vụ khác cũng đang làm. Vừa rồi, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, một loạt nhân vật đang làm thêm. Đó mới là kỷ luật về Đảng chứ không phải tất cả. Sắp tới còn làm tiếp nhưng làm thế nào thì không thể nói trước được. Chúng ta cứ làm đúng luật pháp, đúng lương tâm, đạo đức”-Tổng Bí thư nêu rõ.
Liên quan đến việc xử lý cán bộ, đã xuất hiện nhiều thông tin trên mạng, Tổng Bí thư lưu ý, phải cảnh giác với những âm mưu kích động trên khi cho rằng là đấu đá nội bộ, phe này đánh phe kia, thế này nặng, nhẹ. Vì thế chúng ta cần xem xét, bình tĩnh, tỉnh táo.
Chiều nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp xúc với cử tri Quận Hoàn Kiếm.