Sáng 1/12, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra tại một số đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Hà Nội về tiến độ triển khai việc lắp camera theo quy định tại Nghị đinh 10 của Chính Phủ
Tại Công ty TNNH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, bà Phan Thị Thu Hiền cho hay, hiện cả nước có khoảng 208.000 phương tiện sẽ phải lắp camera theo quy định. Song, đến thời điểm này chỉ đạt được 12 – 15%.
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, trên địa bàn thành phố có hơn 34.000 xe, nhưng tính đến tháng 10/2021 mới có 16.000 đơn vị kinh doanh vận tải lắp đặt camera giám sát (tương đương 17%) cho thấy việc lắp đặt camera có tỷ lệ lắp đặt là rất thấp.
Giải thích về lý do việc lắp đặt camera giám sát còn thấp khi chỉ còn 1 tháng nữa là đến hạn xử phạt những đơn vị kinh doanh vận tải chưa lắp đặt camera giám sát, bà Hiền cho biết, mặc dù số lượng phương tiện trong diện bắt buộc phải lắp là rất lớn, song, một số doanh nghiệp vẫn chần chừ. Có thể nói lý do lớn nhất là phương tiện hoạt động chưa cao, do dịch Covid-19 nên vận tải hành khách, vận tải hàng hóa còn phải nghỉ nhiều do nhu cầu đi lại của hành khách vẫn chưa cao; thứ 2 các doanh nghiệp còn tâm lý chờ đợi Chính phủ có điều chỉnh lùi thời hạn xử phạt hay không.
Báo cáo về tỷ lệ lắp đặt camera giám sát hành trình, ông Phạm Quang Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến cho hay, hiện công ty đã lắp đặt được 70% số xe của doanh nghiệp, hiện còn khoảng 30% số xe chưa lắp đặt để đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định, doanh nghiệp đã ký kết với Công ty TNHH phát triển công nghệ điện tử Bình An dự kiến trung tuần tháng 12 sẽ hoàn thành 100%.
Thông tin về sau khi lắp camera đối với gần 70% phương tiện, ông Cường cho biết, việc lắp đặt đã mang lại lợi ích giúp cho doanh nghiệp giám sát được hành vi lái xe không tuân thủ quy định về ATGT hay tự ý giao xe cho người khác, phòng chống dịch Covid-19.
Trước số liệu doanh nghiệp báo cáo, bà Hiền đánh giá cao việc chấp hành điều kiện kinh doanh của Công ty Bảo Yến cho rằng, thực tế thiết bị camera không chỉ có tác dụng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước mà còn phục vụ cho cả quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng trong ngày hôm nay, tại Công ty cổ phần xe khách Hà Tây, ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty cho biết, hiện đơn vị đã lắp đặt được 22 phương tiện, còn lại 40 phương tiện. Dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, theo ông Cường, việc lắp đặt một camera/xe chi phí bỏ ra khoảng 5 - 6 triệu đồng. Do đó, doanh nghiệp mong muốn đến thời điểm lắp đặt, dịch bệnh còn phức tạp, số xe chưa được hoạt động công suất 100%, mong được Hà Nội xem xét cho phép những xe nào hoạt động sẽ lắp đặt trước. Cùng đó, doanh nghiệp mong muốn, tích hợp giữa hệ thống GPS và camera là một để đỡ chi phí.
"Vừa qua chúng tôi đã tổ chức các hội nghị đối thoại để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của doanh nghiệp. Cho thấy lý do chậm lắp camera do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh vận tải phải dừng hoạt động; các doanh nghiệp có tâm lý là chờ đợi nghe ngóng xem chủ trương của Chính phủ có thay đổi thời gian lắp không thì trên cơ sở Nghị quyết 66 của Chính phủ chúng tôi đã thông tin đến các doanh nghiệp đến ngày 31/12/2021 phải thực hiện việc lắp đặt camera theo quy định", ông Long nói
Ông Long khẳng định: "Căn cứ vào xử lý của Thanh tra, chúng tôi giao cho Phòng nghiệp vụ của Sở GTVT để tổ chức chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải khi không thực hiện theo đúng quy định Nghị định của Chính phủ".
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, Chính Phủ đã cho lùi thời gian xử phạt do thời gian dịch bệnh khó khăn nhưng không thể tiếp tục lùi được nữa. "Sau ngày 31/12/2021, nếu các doanh nghiệp chưa lắp đặt camera theo quy định chúng tôi sẽ yêu cầu các Sở ngành xử lý nghiêm”, bà Hiền nhấn mạnh.