Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có bài phát biểu đầu tiên và quan trọng trước Đại hội đồng LHQ vào sáng hôm nay (19/9), trong một sự kiện thường niên quy tụ nhiều nhà ngoại giao cấp cao và lãnh đạo thế giới, những người chờ đợi lãnh đạo Mỹ đưa ra ý kiến về những diễn biến quan trọng mới đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có lịch trình dày đặc tại New York. (Nguồn: StraitTimes).
Cuộc họp diễn ra tại thành phố New York đã trở thành một sự kiện ngoại giao lớn đối với mỗi vị Tổng thống Mỹ. Tổng thống Trump lần này đến với khán phòng của Đại hội đồng LHQ khi phải đối diện với nhiều câu hỏi đặt ra về các vấn đề nóng hổi như biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran.
Lịch trình làm việc của ông trong vòng 4 ngày diễn ra sự kiện bao gồm rất nhiều cuộc đối thoại với những người đồng cấp nước ngoài đang mong muốn thảo luận về tình hình các điểm nóng thế giới với ông, cũng như về mối bất đồng đang gia tăng với CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, tiêu điểm trong bài phát biểu đầu tiên của ông Trump trước LHQ chính là 8 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông.
Từng có lần chỉ trích LHQ, nhưng thực tế cho thấy Tổng thống Trump đã đạt được nhiều chiến thắng về mặt ngoại giao tại Hội đồng Bảo an LHQ, mà mới đây nhất là việc cơ quan này thông qua nhiều lớp lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ vẫn luôn tỏ ý hoài nghi về tính hiệu quả của LHQ và giá trị của nó đối với nước Mỹ.
Theo đuổi truyền thống
Đối với Tổng thống Trump, bài phát biểu ngày hôm nay chính là một cơ hội để ông bước lên vũ đài thế giới, lên tiếng trước cả những đại diện địch thủ và đồng minh.
Giới chức chính quyền Mỹ cho hay Tổng thống Trump chắc chắn sẽ không lên tiếng chỉ trích LHQ theo cách mà ông từng làm trước đây. Thay vào đó, các cố vấn của ông đã chuẩn bị một bài phát biểu phần lớn là làm theo cách truyền thống tức kêu gọi các nước trên thế giới lên án một số nước như Triều Tiên và Iran.
Từ cuối tuần trước, các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Trump đã cùng xem xét về thông điệp mà ông sẽ đưa ra trong bài phát biểu tại LHQ, trong đó có chủ đề "Trách nhiệm và Chủ quyền". Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ kêu gọi các nước tỏ ra trách nhiệm hơn đối với vấn đề an ninh của họ, cùng lúc tuyên bố thời kỳ mà nước Mỹ dạy các nước khác về các vấn đề như nhân quyền đang kết thúc.
"Ông ấy sẽ thúc giục tất cả các nước cùng chung tay giải quyết các mối đe dọa mà tất cả chúng ta phải đối diện" - H.R McMaster, cố vấn an ninh quốc gia tại Nhà Trắng, cho hay.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump liên tục vướng vào bất đồng với các đồng minh của Mỹ về vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu. Nhưng chính ông cũng đưa ra nhiều phát ngôn không nhất quán đối với các vấn đề này, gây ra nhiều sự hiểu nhầm và lẫn lộn về quan điểm của mình.
Ở phần lớn các lĩnh vực, Tổng thống Trump cũng đưa ra một mức độ kiềm chế nào đó trong việc thực thi các chính sách mà ông từng hứa hẹn lúc tranh cử. Ông đã nghe theo lời khuyên của Lầu Năm Góc để gửi thêm binh sỹ tới Afghanistan, bất chấp sự phản đối từ một số cố vấn bảo thủ của ông. Ngoài ra, ông cũng tạm ngừng việc di dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv tới Jerusalam, điều mà ông từng cam kết.
Và quan trọng nhất trong số đó, ông Trump vẫn chưa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, dù vẫn đang cân nhắc các bước đi để làm suy yếu thỏa thuận này. Tất cả những vấn đề trên sẽ là những tiêu điểm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Trump trong tuần này.
Các cuộc gặp chớp nhoáng
Tại New York, ông Trump sẽ ở tại Trump Tower, nơi ở lâu năm mà ông đã từ bỏ kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 năm nay. Đồng hành cùng ông sẽ là Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Rex Tillerson, tất cả đều có các bài phát biểu riêng.
Cũng như các năm trước, một số lãnh đạo quan trọng của thế giới cũng cử các phái đoàn tới tham dự cuộc họp Đại hội đồng LHQ thay vì đích thân tới đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin năm nay sẽ không tham dự, cũng như Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang chạy đua cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn có lịch trình dày đặc khi có cuộc nói chuyên với hàng chục lãnh đạo thế giới khác trong 4 ngày làm việc ở New York. Ông sẽ có buổi gặp riêng với lãnh đạo Pháp, Israel, Jordan, chính quyền Palestine, Anh, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan và Ukraine. Ông cũng có buổi gặp gỡ nhiều bên với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ cũng sẽ tổ chức một cuộc họp với các nhà lãnh đạo Mỹ Latin và châu Phi.
Trước đây, năm 2009, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ông đã thu hút được sự ngưỡng mộ từ giới lãnh đạo thế giới nhờ bài phát biểu đầy tích cực. 8 năm sau đó, ông Obama đưa ra một bài phát biểu tiêu cực hơn nhiều, ám chỉ quan điểm về thương mại và nhập cư dưới thời Tổng thống Trump.