Lãnh đạo TP Hạ Long và Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có thông tin về công tác bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long sau khi Báo Đại Đoàn Kết có phản ánh nước cống đen kịt xả ra vịnh Hạ Long.
Ngày 3/4, Báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết “Nước cống đen kịt xả ra vịnh Hạ Long”. Nội dung phản ánh về việc nước thải chảy ra từ các cửa cống ở khu vực đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) có màu đen và bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến khu dân cư, khách du lịch.
Sau phản ánh của Báo Đại Đoàn Kết, đại diện chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã lên tiếng về vụ việc này tại Họp báo thường ký quý I/2024 của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long thông tin: Đối với khu vực dọc tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, tất cả khu đô thị mới và doanh nghiệp có trụ sở hoạt động tại khu vực này thì đều có khu xử lý nước thải riêng và nước thải được xử lý. Nếu đơn vị nào không có trạm xử lý nước thải thì bơm nước thải về trạm xử lý nước thải của thành phố đã được đấu nối để xử lý theo đúng quy định. Khu vực này có 2 trạm xử lý nước thải với công suất 1200m3/ngày đêm và vẫn đang vận hành bình thường.
Lí giải tại sao các cống chảy ra nước thải màu đen, bốc mùi hôi thối, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết: Ở những khu dân cư cũ trước đây do hạ tầng đô thị chưa đồng bộ nên vẫn có nước thải khu dân cư cũ ngày xưa (không phải đô thị mới) thì họ vẫn xử lý theo hệ thống xử lý nước mặt thế và vẫn có việc chảy ra ngoài…
Theo ông Sơn, TP Hạ Long đã có dự án vay vốn ODA của Nhật để thực hiện dự án xử lý triệt để, thu gom lại toàn bộ nước thải của những khu đô thị cũ và bơm về trạm xử lý nước thải để xử lý. Tuy nhiên do một số vướng mắc nên đến nay chưa được triển khai. Thành phố đang cố gắng để triển khai dự án thu gom và xử lý nước thải một cách sớm nhất.
Cung cấp thông tin về công tác bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết: Một trong những tác nhân ảnh hưởng đến môi trường vịnh Hạ Long là do hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại một số khu dân cư cũ thuộc các địa phương ven bờ vịnh Hạ Long chưa đồng bộ, làm phát sinh nước thải chưa xử lý ra ngoài môi trường. Mặt khác, khu vực vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung nhiều phương tiện giao thông thủy, trong đó có các phương tiện đánh bắt thủy sản lạc hậu, một số người dân ý thức chưa cao nên vẫn xả trực tiếp các loại chất thải trong đó có chất thải ra môi trường.
Về giải pháp, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết: Tỉnh Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tại các địa phương ven bờ vịnh. Trong đó, tiếp tục mở rộng vùng thu gom nước thải sinh hoạt cho các trạm xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn chưa hết công suất; nâng cấp trạm xử lý nước thải sinh hoạt mới mục tiêu thu gom triệt để lượng nước thải sinh hoạt phát sinh.
Hiện nay, TP Hạ Long đang triển khai dự án “Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long” nhằm cải thiện, nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của thành phố. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải khu đô thị tập trung tại các địa phương ven bờ vịnh: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên đến năm 2025 đạt trên 65%, đến năm 2030 đạt trên 70%; triển khai dự án đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long nhằm xử lý nước thải đáp ứng quy chuẩn môi trường trước khi thải ra vịnh Hạ Long, đã áp dụng thành công công nghệ xử lý nước thải tại chỗ Jokaso của Nhật trong xử lý nước thải tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long.
Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.