Nếu mấy năm trước, các khung giờ cao điểm như 6h tới 9h hay 16h tới 19h là lúc tình trạng xảy ra ùn tắc, kẹt xe nhiều thì hiện nay, ngoài khung giờ trên, tình trạng kẹt xe thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Sau một thời gian giảm bớt ùn tắc do giãn cách vì dịch Covid-19, thời gian gần đây người dân ở TP HCM tiếp tục đối mặt với ùn tắc, kẹt xe ở nhiều địa điểm. Điều đáng nói, cũng như tình trạng ngập nước, dù thành phố đầu tư nhiều để giải quyết, cả hạ tầng lẫn phương tiện nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Thực tế, nạn ùn tắc kẹt xe không hề lạ lẫm với người dân ở TP HCM vì nó diễn ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, cùng với ngập nước, tình trạng kẹt xe hiện nay ngày càng diễn biến khó lường, có dấu hiệu mất kiểm soát. Ngoài những “điểm đen” được liệt kê, người dân vẫn chịu cảnh ùn tắc kẹt xe ở nhiều địa điểm khác không nằm trong danh sách điểm đen được kể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng hai tuần gần đây, các tuyến đường như quốc lộ 13 đoạn ngã tư Hàng Xanh, quanh bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), quốc lộ 1A đoạn qua quận Bình Tân, Tân Phú hay đường Lê Trọng Tấn, Tân Kỳ Tân Quý, Bình Long (quận Tân Phú) hay Cộng Hoà (Tân Bình)… thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe. Nhiều đợt, tình trạng này kéo dài tới 2-4 giờ đồng hồ, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng ngàn người.
Nếu mấy năm trước, các khung giờ cao điểm như 6h tới 9h hay 16h tới 19h là lúc tình trạng xảy ra ùn tắc, kẹt xe nhiều thì hiện nay, ngoài khung giờ trên, tình trạng kẹt xe thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân là ở các khung giờ cao điểm thì nhiều phương tiện ô tô như xe tải, xe khách… bị hạn chế di chuyển ở nhiều tuyến đường nội thành. Nhưng sau khung giờ trên, các phương tiện xe tải đổ dồn vào nhiều tuyến đường để vận chuyển hàng hoá, nhu yếu phẩm… khiến tình trạng kẹt xe xảy ra.
Do hệ thống đường vành đai, đường tránh quốc lộ 1A qua TP HCM chưa có nên để vận chuyển từ khu vực này qua khu vực khác, phương tiện thường phải di chuyển qua vùng trung tâm thành phố cũng dẫn đến tình trạng mắc kẹt nhiều nơi. Ngoài ra, hạ tầng giao thông thiếu hụt nghiêm trọng là nguyên nhân chính.
Một số chuyên gia giao thông tính toán, hạ tầng giao thông ở TP HCM chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu phương tiện giao thông. Và với tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân (đặc biệt là ôtô) nhanh như hiện nay thì nhu hạ tầng ngày càng không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các biện pháp như hạn chế phương tiện vào trung tâm, thu phí lòng đường, thu phí phương tiện vào trung tâm thành phố… thời gian qua được đưa ra nhưng chưa thành hiện thực khiến phương tiện cá nhân vẫn mất kiểm soát.
Ngược lại, người dân TP HCM cũng chưa được hưởng hệ thống phương tiện giao thông công cộng tiện ích khiến họ buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân. Hiện ngoài hệ thống xe buýt, thành phố vẫn chưa có phương tiện giao thông công cộng nào khác. Tình trạng thừa phương tiện cá nhân, thiếu hụt phương tiện công cộng cùng góp phần làm cho giao thông ở thành phố thêm phần phức tạp.
Mặc dù đã xảy ra nhiều năm, cũng được thành phố quyết liệt xử lý nhưng với hiệu quả của các dự án như thời gian qua, tình trạng ùn tắc kẹt xe ở TP HCM chắc chắn sẽ còn kéo dài.