Trong kỳ chi trả tháng 7/2024, Bảo hiểm xã hội ( BHXH) TP. Hồ Chí Minh sẽ chi trả theo mức mới cho người hưởng. Riêng đối với người bắt đầu hưởng từ ngày 1/7/2024, nếu lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng chưa được tính theo lương cơ sở mới sẽ được điều chỉnh và chi trả sau kỳ chi trả lương tháng 7/2024 trong thời gian sớm nhất.
Triển khai chi trả lương hưu mới
Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh vừa có thông báo về lịch chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 7/2024 theo mức hưởng mới quy định tại Nghị định số 75/2024/NĐ-CP.
Trước đó, ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2024 đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng.
Đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng (trừ người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 1/1/1995), sau khi điều chỉnh mà mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Trên cơ sở đó, BHXH TP.HCM cho biết, căn cứ Công văn số 2128/BHXH-TCKT ngày 01/7/2024 của BHXH Việt Nam về chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng của kỳ chi trả tháng 7 năm 2024, BHXH TP. Hồ Chí Minh thông báo lịch chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 07/2024 theo mức hưởng mới quy định tại Nghị định số 75/2024/NĐ-CP như sau: Tổ chức chi trả bằng hình thức tiền mặt tại các điểm chi thuộc Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh: bắt đầu từ ngày 01/07/2024 đến ngày 25/07/2024. Đối với hình thức chi trả không dùng tiền mặt: BHXH Thành phố Hồ Chí Minh chuyển tiền vào tài khoản người hưởng từ ngày 01/07/2024 đến ngày 02/07/2024.
Mức đóng BHYT, BHXH mới
Cùng với việc kịp thời chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội mới kịp thời, BHXH TP. Hồ Chí Minh cũng đã có thông báo về mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/7/2024. Theo đó, để phù hợp với Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, kể từ ngày 1/7/2024, mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp được điều chỉnh như sau:
Đơn vị tính: Việt Nam đồng
Phương thức | HSSV đóng 70% | Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% | Tổng mức đóng BHYT |
3 tháng | 221.130 | 94.770 | 315.900 |
6 tháng | 442.260 | 189.540 | 631.800 |
9 tháng | 663.390 | 284.310 | 947.700 |
12 tháng | 884.520 | 379.080 | 1.263.600 |
Đối với học sinh, sinh viên năm đầu cấp hoặc đã tham gia BHYT gián đoạn trong năm học trước thì có thể tham gia BHYT ngay từ đầu năm học.
Mức đóng BHYT hộ gia đình, hộ cận nghèo:
Mức đóng BHYT hộ gia đình theo thứ tự các thành viên khi đủ điều kiện giảm phí như sau:
Đơn vị tính: Việt Nam đồng/năm
Thành viên hộ gia đình | Tiền đóng BHYT hộ gia đình |
Người thứ 1 (100%) | 1.263.600 |
Người thứ 2 (70%) | 884.520 |
Người thứ 3 (60%) | 758.160 |
Người thứ 4 (50%) | 631.800 |
Người thứ 5 trở đi (40%) | 505.440 |
Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT cho người tham gia là thành viên hộ cận nghèo bằng 70% x 4,5% x 2.340.000 đồng x 12 tháng = 884.520 đồng/năm.
Người tham gia BHYT là thành viên hộ cận nghèo đóng bằng 30% x 4,5% x 2.340.000 đồng x 12 tháng = 379.080 đồng/năm.
Mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp:
- Mức lương đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BHYT cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở là 46.800.000 đồng/tháng.
- Mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu vùng:
+ Vùng I là 99.200.000 đồng/tháng.
+ Vùng II là 88.200.000 đồng/tháng.
- Mức lương đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng:
+ Vùng I là 4.960.000 đồng/tháng.
+ Vùng II là 4.410.000 đồng/tháng.
Mức đóng BHXH tự nguyện:
Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện:
- Thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng.
- Cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở là 46.800.000 đồng.
Mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm. Mức hỗ trợ cụ thể:
- Hộ nghèo (30%): 1.500.000 x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.
- Hộ cận nghèo (25%): 1.500.000 x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.
- Người tham gia khác (10%): 1.500.000 x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.
Khi Chính phủ điều chỉnh mức đóng, tỷ lệ đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT.
Trường hợp người tham gia đã đóng đủ tiền vào quỹ BHYT theo thời hạn sử dụng của thẻ BHYT và được cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT trước ngày 01/7/2024 thì cả người tham gia BHYT và ngân sách nhà nước không phải đóng, hỗ trợ bổ sung do tăng mức lương cơ sở đối với thời gian từ ngày 01/7/2024 mà người tham gia BHYT đã đóng BHYT.
BHXH TP.Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan BHXH sẽ tự điều chỉnh mức lương cao nhất tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đối với người tham gia đã kê khai đúng mức lương và phụ cấp lương trên hợp đồng lao động, đơn vị không phải nộp hồ sơ. Trường hợp đơn vị chưa kê khai đúng mức lương và phụ cấp lương trên hợp đồng, đề nghị đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh mức lương đóng BHXH,BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định.