Dù dân số TPHCM đang ở thời điểm dân số vàng, tuy nhiên, thành phố cũng đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số quá nhanh. Do đó, thành phố cần có giải pháp để thích ứng.
Đề cập đến tỷ lệ dân số đang già hóa, lãnh đạo UBND thành phố cho hay, hiện nay, số người cao tuổi tại thành phố đứng thứ hai cả nước, khiến thành phố phải đối diện với nhiều thách thức trong bối cảnh già hóa dân số. Tính đến năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi tại thành phố đã tăng lên 11,87%. Trong vòng 7 năm (2017 - 2024), số lượng người cao tuổi tăng thêm 243.500 người, bình quân mỗi năm tăng gần 35.000 người. Sự gia tăng nhanh chóng này cho thấy tốc độ già hóa tại thành phố đang vượt qua các dự báo trước đây. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách và hạ tầng y tế, xã hội nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng đông.
Trước tình trạng số người lớn tuổi tăng cao, UBND TPHCM tăng cường nâng cao chất lượng đời sống cho người cao tuổi. Năm 2024, lần đầu tiên thành phố thực hiện khám sức khỏe cho người cao tuổi. Theo kế hoạch, người trên 60 tuổi được xét nghiệm tổng quát, siêu âm miễn phí để tìm ra các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và nhiều bệnh lý khác.
PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin, tính đến ngày 32/12/2024, có khoảng 330.000 người cao tuổi được khám sức khỏe, đạt tỷ lệ 32,9%. Kết quả thực hiện cho thấy, nhiều quận - huyện có tỷ lệ khám sức khỏe cho người cao tuổi đạt trên 50% nhưng vẫn còn một số quận – huyện thực hiện chưa được nhiều, chỉ chiếm khoảng 20%. “Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy nhanh tỷ lệ khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền, đến từng nhà vận động người dân đi khám sức khỏe. Thành phố sẽ xem xét để phòng khám tư đủ điều kiện cũng tham gia vào chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi” - ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Sở Y tế thành phố cho rằng, già hóa dân số quá nhanh đang đặt ra yêu cấp cấp thiết về chính sách, hạ tầng đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi. Sở y tế kiến nghị, Trung ương cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách dành cho người cao tuổi đặt trong mối tương quan phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là những người cao tuổi có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Cải cách hệ thống hưu trí bằng cách đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, đặc biệt chú trọng đến các loại hình bảo hiểm tuổi già tự nguyện, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia, có khả năng liên thông với các loại hình bảo hiểm khác…