Là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất từng được thực hiện ở khu vực phía Nam, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) đã hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Dự án hiện đang vận hành thương mại thử nghiệm và dự kiến sẽ vận hành thương mại chính thức sau hơn 2 tuần nữa. Người dân ở TPHCM đang háo hức chờ đợi được sử dụng phương tiện công cộng hiện đại này.
Mong chờ từng ngày
Anh Nguyễn Thanh Phương (44 tuổi, ở TP Thủ Đức) cho biết, ngày nào đi làm anh cũng di chuyển dọc theo phần lớn chiều dài của tuyến metro số 1, thấy sự thay đổi đã diễn ra gần như hàng ngày. “Tuyến metro này khởi công lúc tôi mới lập gia đình. Bây giờ cả hai con tôi đều đã vào cấp 2 rồi. Ngày nào tôi cũng mong chờ cho tới lúc được đi tuyến metro này và điều đó sắp thành hiện thực” - anh Phương nói. Có thể anh sẽ thay đổi phương tiện di chuyển nếu metro chạy đúng theo thời gian dự kiến khi đưa vào hoạt động thực tế. Bởi khu vực này thường xuyên tắc đường nên kỳ vọng metro sẽ san sẻ bớt áp lực giao thông cho các phương tiện khác.
Theo nhiều người dân ở khu vực Đông Bắc của TPHCM, khi dự án dần về đích cũng là lúc niềm vui được nhân lên. Với chiều dài gần 20km cùng 14 nhà ga nằm ở các khu vực đông đúc cư dân, dự án nhận được kỳ vọng không chỉ của người dân mà các cấp chính quyền thành phố. Sau một số khó khăn, dự án gần như đã hoàn thiện hoàn toàn khiến nhiều người cảm thấy an tâm, chỉ chờ đợi chính thức khai thác. Hiện nay kế hoạch khai thác, giá vé, cách thức tiếp cận các nhà ga cùng an ninh trật tự… đều được chuẩn bị chu đáo.
Bà Văn Thị Hữu Tâm - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cho biết, trong giai đoạn đầu vận hành thương mại, tuyến metro số 1 sẽ hoạt động từ 5h - 22h hàng ngày. Trong giờ cao điểm, giãn cách giữa các chuyến tàu là 8 phút, còn trong giờ bình thường là 12 phút. Các khung giờ cao điểm dự kiến vào khoảng 6h - 8h, 11h - 12h và 15h30 - 18h hàng ngày. Tất cả khung giờ hoạt động tại các nhà ga sẽ được công khai và niêm yết tại các điểm ga lên xuống để người dân dễ dàng nhìn thấy. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ cung cấp thông tin chi tiết về lịch trình, giá vé và các ga qua website và ứng dụng di động, giúp người dân thuận tiện trong việc lên kế hoạch và đi đúng giờ.
Trong khi đó, UBND TPHCM đã ban hành quyết định giá vé dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, giá vé lượt dao động 6.000 - 20.000 đồng tùy theo quãng đường và cách mua vé (tiền mặt hoặc không tiền mặt). Ngoài ra còn có vé 1 ngày 40.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trong ngày), giá vé 3 ngày 90.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trong 3 ngày). Vé tháng, hành khách phổ thông 300.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trong tháng), học sinh, sinh viên thì 150.000 đồng/người. Mức giá vé này đã có sự trợ giá để kích thích người dân sử dụng cũng như nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến metro.
Dày đặc xe buýt kết nối nhà ga
Ngoài việc hỗ trợ giá vé, từ nhiều tháng qua TPHCM đã lên kế hoạch khai thác tuyến metro có hiệu quả cao nhất. Trong đó ưu tiên xây dựng mạng lưới xe buýt công cộng kết nối với các nhà ga, bên cạnh các phương tiện giao thông khác.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM, sẽ có hệ thống 17 tuyến buýt gom đang được các đơn vị tập trung chuẩn bị để kết hợp cùng với metro. Các tuyến buýt này sẽ hoạt động tại khu vực dọc theo hành lang tuyến metro số 1 và đón hành khách từ các đường lân cận đến các nhà ga gần nhất. Đó là các tuyến 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168 và 169. Các tuyến này kết nối từ các ga metro với các khu dân cư, bến xe buýt, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, các trường đại học, cao đẳng khu vực TP Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 1…
Ngoài ra, các tuyến xe buýt hiện hữu có kết nối metro gồm tuyến số 1, 3, 4, 18, 19, 20, 31, 34, 36, 38, 39, 44, 45, 52, 53, 56, 65, 75, 88, 93, 102, 109, 152, D4 với tổng cộng 3.528 chuyến/ngày, hầu hết đi qua khu vực chợ Bến Thành (hành khách lên/xuống tại trạm trung chuyển trên đường Hàm Nghi) cũng như một số nhà ga khác. Dự kiến có thêm 2 tuyến buýt kết nối nhà ga metro Bến Thành (sau khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động chính thức) gồm: tuyến bến xe buýt Sài Gòn - Nhà hát TPHCM và tuyến bến xe buýt Sài Gòn - ga Hòa Hưng với 206 chuyến/ngày. Được biết, việc kết hợp giữa tuyến metro số 1 và mạng lưới xe buýt có tính tương hỗ rất cao. Ngoài việc xe buýt giúp người dân đi tới các nhà ga metro thì tuyến metro dự kiến cũng kích thích đáng kể số lượng người dân sử dụng so với trước kia.
Bên cạnh mạng lưới xe buýt dày đặc, TPHCM cũng điều chỉnh một số hạ tầng như tạo thêm bến bãi đậu xe taxi, bến bãi gửi xe hay cả cầu vượt đi bộ tại các nhà ga. Những hạ tầng này nhằm mục đích có thể giúp người dân gần như sử dụng mọi phương tiện (đi bộ, taxi, xe cá nhân…) đều có thể dễ dàng tiếp cận với metro để sử dụng.
Với 14 nhà ga cùng chiều dài toàn tuyến gần 20km, tuyến metro số 1 được kỳ vọng sẽ thay đổi đáng kể mạng lưới giao thông công cộng ở TPHCM, đặc biệt khu vực phía Đông Bắc.