Xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành và tác động trực tiếp đến việc khai thác nguồn nước từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn - 2 nguồn cung cấp nước ngọt chính cho TP. HCM. Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cũng đang tính tới phương án vận hành các trạm giếng ngầm trong trường hợp khẩn cấp để bảo đảm việc cấp nước được ổn định.
Sông Đồng Nai.
Sông Đồng Nai và sông Sài Gòn là hai nguồn cung cấp nước mặt chính phục vụ cho hoạt động cấp nước của TP. Tuy nhiên vài năm gần đây, các số liệu quan trắc cho thấy một số chỉ tiêu nước thô lấy từ hai con sông này không còn đáp ứng được theo quy chuẩn cấp nước. Có thời điểm độ mặn vượt quá 25 mg/lít. Mức độ ô nhiễm cũng ngày một tăng cao và có chiều hướng diễn biến ngày càng xấu...Hoạt động lấy nước thô trên sông Sài Gòn - Đồng Nai đã từng có lúc phải dừng lại do nước sông nhiễm mặn cao, không xử lý được.
Theo kết quả khảo sát mới nhất do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện cho thấy độ mặn tuần đầu tháng 2-2016 trên sông Sài Gòn - Đồng Nai tăng so với độ mặn tuần cuối tháng 1/2016. Độ mặn vào thời điểm này cũng cao hơn so với mặn cùng tuần năm 2015. Số liệu từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP HCM cũng chỉ ra độ mặn tại huyện Nhà Bè tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước và tăng 80% so với nhiều năm gần đây.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP HCM cũng vừa phải đưa ra cảnh báo về tình trạng nhiễm mặn trên sông Sài Gòn - Đồng Nai và yêu cầu các đơn vị liên quan đến hoạt động cấp nước, thủy lợi phải chủ động ứng phó với tình trạng này.
Thông tin này đã khiến nhiều người dân ở thành thị cuống cuồng lo lắng. Đói 1 ngày có thể chịu đựng được chứ khát nước sinh hoạt 1 ngày thì quả là cực hình. “Từ năm 2011, tình trạng nhiễm mặn và ô nhiễm trên sông Đồng Nai đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. Thế nhưng, tại thời điểm hiện tại tình hình có vẻ ngày càng nghiêm trọng, người dân thành thị chúng tôi rất lo. Cứ thử hình dung ở chung cư mà mất nước vài ngày thì không hiểu cuộc sống sẽ đảo lộn thế nào” – Bà Nguyễn Thị Ngọc, nhà ở quận 7 cho biết.
Không phải đến bây giờ vấn đề nguồn nước cung cấp cho TP mới nóng. Từ hồi tháng 8/2015, Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu TP HCM đã kiến nghị UBND TP. cần thực hiện nhiều giải pháp thích ứng kịp thời như xây hồ chứa nước ngọt, chuyển đổi nguồn cấp nước…Thế nhưng, tình trạng xâm nhập mặn vẫn đến hẹn lại lên.
Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), tình hình xâm nhập mặn sẽ tác động trực tiếp đến việc khai thác nguồn nước từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Hiện SAWACO đã phối hợp với các đơn vị liên quan lên phương án nhằm chủ động ứng phó với tình hình trên.
Cụ thể, công ty đã tăng cường giám sát chất lượng nước tại các trạm thu nước thô, kiểm tra kỹ độ mặn ở từng khu vực và từng thời điểm để đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời khi chất lượng nguồn nước biến động. Cũng theo đại diện của SAWACO, công ty đang tính tới phương án vận hành các trạm giếng ngầm trong trường hợp khẩn cấp để bảo đảm việc cấp nước được ổn định.
Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn thì để đảm bảo hoạt động sản xuất và sản lượng nước sạch cung cấp liên tục cho thành phố, Nhà máy nước Tân Hiệp đã phối hợp với Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa yêu cầu hỗ trợ xả nước đẩy mặn. Tuy nhiên, trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay, hồ Dầu Tiếng hiện đã không đủ sức để đẩy mặn nên nhà máy phải ngưng lại nước thô để phục vụ sản xuất trung bình 6 giờ/ngày.