Ngày 9/8, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, nhanh chóng đưa các chợ truyền thống vào hoạt động.
Lãnh đạo UBND TP HCM yêu cầu, Sở Công Thương khẩn trương cùng các địa phương nghiên cứu giải pháp tổ chức lại các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại những chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động. Còn không phải hình thành các điểm bán nhỏ cung ứng mặt hàng tươi sống đảm bảo nguồn cung ứng để bình ổn thị trường cho thành phố.
Đối với các quận – huyện và thành phố Thủ Đức, UBND thành phố chỉ đạo, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Trong đó nghiên cứu, điều chỉnh việc triển khai thực hiện "phiếu mua hàng" hiệu quả, phù hợp với năng lực cung ứng hàng hóa của hệ thống phân phối.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường bán hàng lưu động, bổ sung bán mặt hàng thực phẩm tươi sống cho các cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi và cập nhật hoạt động bán hàng trực tuyến để gia tăng điểm mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.
Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng khi người dân đến mua sắm, đồng thời đảm bảo kiểm soát tình trạng tập trung đông người tại các điểm bán, hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết.
Bà Phan Thị Thắng yêu cầu, các hệ thống phân phối như siêu thị Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Lotte, Aeon, MM Mega Market, BigC, Emart... nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá nhu cầu, tiếp tục gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng. Đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Không chỉ đẩy mạnh hoạt động phủ sóng điểm bán lương thực, thực phẩm, UBND thành phố còn nhấn mạnh việc quản lý giá cả hàng hóa.
Theo bà Phan Thị Thắng, diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện đã có 3/3 chợ đầu mối, 201/234 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Trong đó, tại một số quận - huyện đã tạm ngưng hoạt động đối với toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn và việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân tập trung vào các hệ thống phân phối hiện đại. Điều này làm gia tăng áp lực và tạo thêm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, cùng với các giải pháp giảm mật độ lưu thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn, cụ thể là hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h (hàng ngày)” đã ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân.