Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, tạo tiền lệ xấu cho bạn bè hay thậm chí “kéo” theo cả phụ huynh vi phạm cùng là những hậu quả trực tiếp của việc học sinh sử dụng xe gắn máy, nhất là xe lớn hơn 50cc (dung tích) khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe. Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục, lực lượng chức năng ở TPHCM vừa qua tiến hành đợt cao điểm siết chặt, xử lý nghiêm tình trạng này.
Tại ngã tư quốc lộ 13 - Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), các chiến sĩ Đội CSGT Hàng Xanh, thuộc Phòng CSGT (PC08), Công an TPHCM phát hiện một số người điều khiển phương tiện xe gắn máy mặc quần áo đồng phục học sinh, đeo ba lô nên tiến hành dừng phương tiện, kiểm tra giấy tờ. Qua kiểm tra, CSGT phát hiện T.N. chưa có giấy phép lái xe. Em T.N. cho biết hiện là học sinh lớp 12 của một trường THPT ở quận Gò Vấp, đang trên đường trở về nhà sau buổi học sáng. Ngoài ra, khi làm việc với CSGT, nam học sinh này cũng không xuất trình được các giấy tờ liên quan tới phương tiện mình điều khiển. Theo học sinh này, hàng ngày em được bố mẹ chở đi học, nhưng hôm nay bố mẹ có việc bận, nên em tự đi học bằng xe máy. Nhà em cách trường khoảng 5km. Việc bị CSGT xử phạt khiến em lo lắng, sợ bị ảnh hưởng tới việc học tập ở trường.
Theo một chiến sĩ CSGT trong tổ công tác, với lỗi vi phạm này, T.N sẽ bị lập biên bản xử phạt hành chính số tiền là 500.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về trường nơi học sinh đang học. Ngoài ra, CSGT còn lập biên bản xử phạt phụ huynh T.N với lỗi giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe. Đây là lỗi vi phạm có mức xử phạt hơn 1 triệu đồng, tuỳ từng phương tiện.
Tương tự, các chiến sĩ ở Đội CSGT Bàn Cờ thuộc Phòng PC08, Công an TPHCM khi tiến hành kiểm tra, xử phạt giao lộ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Điện Biên Phủ (quận 3) đã phát hiện và xử lý nhiều học sinh, phụ huynh vi phạm luật giao thông. Như trường hợp em N.N.B.T. (15 tuổi, học sinh lớp 10) lái xe chạy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị phát hiện và xử phạt vì lỗi vi phạm “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô”. Kèm theo đó, phụ huynh em T. bị lập biên bản “đưa phương tiện không có giấy đăng ký xe tham gia giao thông”. Với lỗi này, phụ huynh em T. sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 2 triệu đồng.
Theo thống kê của Phòng PC08, sau 1 tháng cao điểm ra quân xử lý tình trạng học sinh sử dụng xe gắn máy trên địa bàn, lực lượng chức năng đã xử phạt 6.688 trường hợp là học sinh và phụ huynh vi phạm (số học sinh vi phạm là 4.423). Nghĩa là trung bình mỗi ngày có tới hơn 230 trường hợp là học sinh, phụ huynh vi phạm liên quan tới việc sử dụng xe gắn máy. Trong đó các lỗi vi phạm nhiều là chưa đủ tuổi điều khiển xe, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe… Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ so với thực tế số lượng vi phạm bởi lực lượng CSGT chỉ xử lý được một số tuyến đường trong rất nhiều tuyến đường ở TPHCM.
Lực lượng CSGT cũng cảnh báo những nguy cơ, nguyên nhân và tác hại của tai nạn giao thông để các em nâng cao nhận thức, hiểu biết, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn giao thông cũng như tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM. Tập trung vào các đối tượng là học sinh THCS, THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở các em học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Được biết, thời gian tới, CSGT TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh nhằm tạo môi trường giao thông an toàn.
Thực tế, tình trạng học sinh, chủ yếu là học sinh THPT sử dụng xe đạp điện, xe gắn máy đi học ở TPHCM khá phổ biến. Nhiều phụ huynh cho biết do giờ học và giờ đi làm có sự chênh lệch, nhiều buổi học có thể tan sớm hoặc muộn một chút khiến cho việc đưa đón gặp khó khăn. Ngoài ra, nhiều học sinh THPT ở TPHCM có sự phát triển tốt về thể chất, sức khoẻ khiến phụ huynh cũng “an tâm” khi cho phép con em mình tự sử dụng phương tiện giao thông mà không biết đã vô tình vi phạm các quy định của pháp luật.