Dù phải tới đầu năm 2024 tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên mới được khai thác thương mại nhưng ngay từ bây giờ, TPHCM đang lên phương án để có thể khai thác hiệu quả dự án hạ tầng quan trọng này.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã có đề xuất về mức giá vé dành cho hành khách sử dụng tuyến metro số 1. Cũng như phương tiện xe buýt đang hoạt động, tàu metro cũng là loại hình giao thông công cộng của thành phố và thời gian đầu khai thác, hành khách sẽ được trợ giá để sử dụng dịch vụ này. Giá vé sử dụng dịch vụ metro được dự kiến có 3 loại là vé lượt, vé ngày và vé tháng. Trong đó vé ngày và tháng có giá trị lần lượt là 40.000 đồng và 260.000 đồng, được sử dụng nhiều lần. Trong khi đó vé lượt có giá từ 12.000 đồng tới 18.000đồng/người tùy theo km. Được biết, nếu được thông qua, mức giá vé này sẽ được áp dụng trong khoảng từ 3 tới 5 năm kể từ lúc khai thác thương mại.
Trước đó, liên quan tới việc mua vé, trả tiền khi sử dụng dịch vụ metro, UBND TPHCM đã có chỉ đạo các ban ngành liên quan tìm cách thống nhất chung một hình thức chi trả (là vé từ thông minh) của nhiều loại phương tiện giao thông công cộng. Trong đó quan trọng nhất là thẻ vé đi metro, xe buýt, buýt sông… được thống nhất chung một mẫu và người dùng có thể sử dụng một thẻ duy nhất cho tất cả các phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn. Động thái này sẽ giúp người dùng có thể sử dụng 1 loại thẻ cho nhiều dịch vụ, hạn chế sử dụng tiền mặt.
Cũng liên quan tới việc khai thác, vận hành tuyến metro số 1, TPHCM đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho phép thêm 22 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp với tuyến metro thông qua các nhà ga. Cùng với 11 tuyến xe buýt đã được kết nối với các nhà ga trước đó, tổng cộng sẽ có 33 tuyến xe buýt kết nối với các nhà ga giúp hành khách có thể dễ dàng sử dụng xe buýt để tiếp cận metro và ngược lại, có thể sử dụng metro rồi tiếp tục đi thêm xe buýt. Hiện nay, ngoài 2 ga Bến Thành và Suối Tiên, tuyến metro số 1 còn có 12 nhà ga khác. Trong đó có các ga dự kiến sẽ đông hành khách là ga Văn Thánh, Thảo Điền, Bình Thái do nằm gần các khu đô thị, trường đại học, khu công nghiệp… Lượng hành khách dự kiến sẽ gần tương đương với 2 ga chính Bến Thành, Suối Tiên.
Ngoài ra, hiện nay TPHCM cũng đang xây dựng thêm 9 cầu bộ hành, chủ yếu nằm dọc theo trục Xa lộ Hà Nội để giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nhà ga metro hơn. Theo đó, do đặc thù trục đường Xa lộ Hà Nội, nơi tuyến metro đi song song có quy mô rộng, nhiều làn ô-tô, xe máy và dải phân cách cứng, phân cách bằng cây xanh khiến cho việc tiếp cận của người dân với các nhà ga khó khăn hơn (vì phải băng qua đường). Việc xây các cầu bộ hành này sẽ giúp ích và tăng đáng kể lượng người sử dụng metro thời gian tới.
Dù chưa chính thức khai thác nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, khoa học sát với nhu cầu thực tiễn, hệ thống metro số 1 ở TPHCM dự kiến sẽ thu hút đông đảo người dân tham gia sử dụng.