Trung bình mỗi năm, TPHCM đón hàng chục vạn lượt học sinh, sinh viên, người lao động đến học tập và tìm kiếm việc làm. Nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng đã được UBND thành phố triển khai để giữ nguồn nhân lực quan trọng này.
Vừa tốt nghiệp ngành Công nghiệp chế tạo máy (Trường Cao đẳng Công thương TPHCM), em Ngô Trí Dũng (24 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, em vẫn chưa thể tìm được việc làm ở thành phố do thiếu tiêu chí “kinh nghiệm làm việc”. Dũng chia sẻ, khi nộp đơn xin việc vào các công ty cơ khí và chế tạo máy, em đều nhận được câu trả lời của nhà tuyển dụng là chưa đủ kinh nghiệm thực tế dù ở năm học cuối em đã thực tập tại một công ty công nghệ tại khu công nghệ cao TP Thủ Đức. Vậy nên, em mong muốn được hỗ trợ bởi một nguồn vốn vay ưu đãi dành cho sinh viên vừa ra trường, để có cơ hội làm việc. “Hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu kinh nghiệm nhưng chúng em cũng không thể có vốn thực tế để khởi nghiệp, trau dồi kinh nghiệm” - Trí Dũng cho biết.
Chị Đỗ Thị Bé Ba (41 tuổi, công nhân Công ty ChangShin Việt Nam) từng có kinh nghiệm thợ may giầy da lành nghề, thế nhưng chị Ba cũng đã phải chật vật nhiều năm khởi nghiệp ở TP Thủ Đức do vừa thiếu vốn, vừa khó khăn trong tìm kiếm việc làm thuộc lĩnh vực mong muốn. Chị Ba cũng bày tỏ mong muốn được tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi cho công nhân, lao động, bởi những người quá 35 tuổi khi muốn tìm việc làm mới là không thể, nhưng muốn khởi nghiệp thì lại thiếu vốn ban đầu.
Xây dựng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi là một trong những giải pháp được các cấp chính quyền TPHCM đặc biệt quan tâm trong nhiều năm. Chỉ riêng tại các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, việc hỗ trợ công nhân vay tiền lãi suất thấp tại Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) đã triển khai từ những năm 2010, đến nay, đã hỗ trợ cho khoảng 156.500 lượt đoàn viên công đoàn, công nhân lao động trên địa bàn thành phố với vốn vay trên 3.300 tỷ đồng.
Theo ông Cao Văn Thăng - Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư quy định về hồ sơ, trình tự cấp phép, tổ chức hoạt động của tổ chức vi mô. Trong đó, nhiều điều chỉnh theo hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của công nhân, người lao động. Ông Thăng cho biết, người có nhu cầu tiếp cận tài chính vi mô chỉ cần thỏa mãn các điều kiện đơn giản để được vay vốn như: cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập bình quân tối đa 9 triệu đồng/tháng tại thời điểm đề nghị vay vốn;…
Cũng theo đại diện LĐLĐ TPHCM, căn cứ tình hình thực tế quy định mức thu nhập bình quân tối đa 9 triệu đồng/tháng là tương đối khó khăn, từ đó, đảm bảo cho công nhân được vay vốn ưu đãi, tránh tình trạng phải tìm đến với các nguồn “tín dụng đen” đầy rủi ro. Ngoài ra, LĐLĐ thành phố cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, có kiến nghị kịp thời để đáp ứng phù hợp với nhu cầu, mong muốn vay vốn của công nhân, viên chức lao động trên địa bàn.
Ngoài công nhân, người lao động, mới đây tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư (Khóa XI), về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TPHCM cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm đã đạt 7.649,5 tỷ đồng, tăng hơn 7.332 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40. Đặc biệt, gần 560.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ chính sách này, với doanh số cho vay đến nay đạt hơn 23.540 tỷ đồng.
Để tiếp tục điều chỉnh chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, chính quyền thành phố đã yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TPHCM chủ trì, phối hợp các sở ban ngành liên quan nghiên cứu mở rộng chương trình tín dụng sinh viên để mọi học sinh, sinh viên từ các tỉnh thành khi đến TPHCM học tập nếu có nhu cầu vay vốn, đều được tiếp cận thuận lợi nhất. Ông Mãi cũng yêu cầu nâng cao vai trò và sự tham gia của Ủy ban MTTQ TPHCM, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác phối hợp, giám sát việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là ở các xã, phường, thị trấn có chất lượng tín dụng thấp.