Mặc dù chưa có phương án tuyển sinh chính thức, cũng như quy định không thực hiện bài thi tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM khẳng định ưu tiên ổn định phương án tuyển sinh như thời gian trước.
Gần 10 năm qua, việc tuyển sinh bậc THCS ở TPHCM được giữ ổn định và thực hiện theo 3 hình thức. Trong đó, phần lớn các trường THCS thực hiện hình thức xét tuyển theo tuyến (địa bàn, tức bản đồ GIS), xét tuyển theo tuyến kết hợp tiêu chí ưu tiên (nếu số lượng học sinh vượt hơn chỉ tiêu tuyển sinh) và xét tuyển kết hợp bài kiểm tra đánh giá năng lực. Thực tế cũng ghi nhận, ngoài Trường Trần Đại Nghĩa thường tổ chức thi đánh giá năng lực liên tục nhiều năm, hầu hết các trường chỉ xét tuyển thông thường và xét tuyển thêm tiêu chí phụ như chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học... Tuy nhiên, ở 2 năm học gần đây, số lượng trường THCS ở TPHCM tổ chức thi đánh giá năng lực đã tăng đáng kể.
Cụ thể, năm 2024, có 6 trường THCS tổ chức thi đánh giá năng lực. Ngoài Trường Trần Đại Nghĩa áp dụng cho toàn bộ học sinh ở TPHCM có nhu cầu thì có 3 trường THCS ở TP Thủ Đức, một trường ở quận 7 và một trường ở huyện Hóc Môn. Các trường này đều chỉ nhận hồ sơ xét tuyển với học sinh trên địa bàn. Việc thực hiện bài thi đánh giá năng lực đều theo một chuẩn chung do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM quản lý, với cấu trúc bài thi gồm nhiều kiến thức khác nhau. Ngoài các trường trên, trên địa bàn TPHCM còn có nhiều trường THCS theo mô hình tiên tiến - hội nhập khác, có số lượng hồ sơ nộp cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, các trường này thực hiện việc xét tuyển bằng hình thức đánh giá bảng điểm của một số môn học và bảng điểm năm học lớp 5 trước đó, cùng một số chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học để sàng lọc, tuyển chọn học sinh theo hình thức từ trên xuống.
Với đặc thù là đô thị lớn có mật độ dân số cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THCS theo mô hình tiên tiến - hội nhập khá ít (dao động từ 150 - 250 học sinh) nên thực tế, số lượng hồ sơ nộp vào luôn gấp 2 - 3 lần chỉ tiêu. Tình trạng này dẫn tới việc các trường luôn phải có nhiều kế hoạch để tuyển sinh một cách công bằng cũng như đảm bảo chất lượng đầu vào ở mức tốt. Năm học vừa qua, ghi nhận ở nhóm các trường thực hiện bài thi đánh giá năng lực cho thấy, số lượng hồ sơ nộp vào luôn cao gấp 3 - 5 lần số lượng tuyển sinh.
Theo ông Nguyễn Vi Tường Thụỵ - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), trường dạy và học theo mô hình tiên tiến - hội nhập quốc tế nên được phụ huynh quan tâm, đánh giá cao. Ghi nhận thực tế vài năm qua cho thấy, số hồ sơ nộp vào lớp 6 luôn cao gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh (chỉ có 150 học sinh). Do trường không thực hiện các bài thi đánh giá năng lực nên phải chọn lựa học sinh bằng bảng điểm học bạ bậc tiểu học, cùng các chứng chỉ như ngoại ngữ quốc tế, tin học hay thậm chí tiêu chuẩn khác như: Công tác đoàn đội, thể dục thể thao, văn nghệ… nhằm tuyển chọn những học sinh tốt nhất. Đây là phương án mà nhiều trường THCS có số lượng học sinh vượt quá chỉ tiêu thực hiện.
Tuy nhiên, điểm học bạ thực tế không phản ánh chính xác năng lực của học sinh bằng bài kiểm tra kiến thức tổng hợp. Được biết, việc tuyển sinh bậc THCS không chỉ diễn ra trong một ngày mà thực tế là một quá trình học tập của học sinh (bậc tiểu học) và bước đệm bước vào bậc học tiếp theo. Vì vậy, phụ huynh thường tìm hiểu kỹ về những trường mà con em mình có thể theo học (vị trí, chất lượng…) để có những chuẩn bị nhất định, nhằm đáp ứng các tiêu chí xét tuyển mà các trường đề ra.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, hiện nay, TPHCM chưa chính thức quyết định phương án thực hiện tuyển sinh bậc THCS (lớp 6). Sở đang xây dựng phương án và sẽ trình UBND TPHCM để quyết định chính thức. Dự kiến, phương án này sẽ được quyết định trong tháng 2/2025 và sẽ công bố rộng rãi để phụ huynh, học sinh nắm rõ. Trong đó, ưu tiên đề xuất tiếp tục thực hiện các phương án tuyển sinh như thời gian qua để phụ huynh học sinh được an tâm, không gây xáo trộn.