Ngày 31/7, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho biết, 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Thành phố đã tổ chức 333 cuộc giám sát chuyên đề.
Đồng thời, phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức Hội nghị nhân dân định kỳ hàng tháng đối với phường, hàng quý đối với cấp quận. Nhờ đó đã tổ chức gần 1200 Hội nghị nhân dân, có gần 105 nghìn lượt người tham dự, có trên 11 nghìn lượt ý kiến.
Qua các hoạt động giám sát và các kênh tiếp xúc, đối thoại của Mặt trận các cấp của Thành phố đã truyền tải được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân…góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM cũng đã nêu các nội dung đề xuất, kiến nghị đến Trung ương để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 403 nêu trên, trong đó nhấn mạnh 2 nội dung về kinh phí hỗ trợ tương xứng trong phát huy vai trò và trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Ngoài ra, bà Trần Kim Yến đề xuất xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành Luật, trong đó cần quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản Quy phạm pháp luật. Đặc biệt cần quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan được giám sát.