Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho hay, nhìn chung một số chuỗi lây trước đây đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, hiện nay thành phố xuất hiện vài ổ dịch mới đang được xác minh rõ nguồn lây.
Đơn cử, ổ dịch Xưởng cơ khí Hóc Môn tối 8/6 ghi nhận 6 bệnh nhân nhiễm Covid-19 sau khi đến khám sàng lọc ở một số bệnh viện như Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Trưng Vương. Qua truy vết phát hiện các bệnh nhân này đều có đến 1 xưởng cơ khí ở Hóc Môn.
Lực lượng y tế truy vết phát hiện thêm 25 ca bệnh, người làm việc tại Công ty SAMHO. Tính đến sáng ngày 12/6, số ca nhiễm của ổ dịch này lên đến 36 ca. Tất cả những trường hợp bệnh nhân phát hiện sau này đều có quan hệ trong cùng gia đình, hàng xóm có tiếp xúc gần với các bệnh nhân.
Ổ dịch chung cư Ehome (quận Bình Tân), ban đầu xuất phát từ 2 trường hợp đến khám sàng lọc ở tại bệnh viện Quốc tế City ngày 5/6 và bệnh viện Triều An ngày 7/6. Qua truy vết phát hiện 14 ca bệnh khác tại khu vực này, trong đó có 1 công nhân làm việc tại công ty Pouchen. Hiện tại ổ dịch đang được kiểm soát chặt chẽ.
Ổ dịch tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức: từ 1 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại bệnh viện Đức Khang ngày 2/6 đã phát hiện thêm 5 bệnh nhân là người sống cùng nhà và người cùng làm việc.
Ổ dịch tại ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, ngày 5/6 từ một bệnh nhân đến khám sàng lọc tại bệnh viện Hóc Môn đã phát hiện thêm 9 bệnh nhân khác cùng nhà và các nhà xung quanh.
Đề cập đến các ca bệnh rải rác trong cộng đồng và các ổ lây nhiễm chưa xác minh rõ nguồn gốc, lãnh đạo ngành y tế thành phố cho rằng, trong thời gian giãn cách xã hội nên dịch không lây lan rộng. Dịch bệnh lây lan đối với các trường hợp tiếp xúc gần từ những người trong cùng gia đình như ổ dịch ở chung cư Ehome, xưởng cơ khí Hóc Môn.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, nguồn lây chủ yếu, dịch âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước. Thứ hai là do người bệnh có tiếp xúc với ca bệnh đi qua vùng dịch tễ nhưng chưa khai báo đầy đủ. Theo Sở Y tế thành phố, thời gian tới có thể xuất hiện những ca bệnh rải rác khác. Riêng những hợp liên quan đến các ổ dịch trước đây đã được cách ly nên không thể lây lan trong cộng đồng.
Mặc dù đánh giá tình hình dịch bệnh có thể khả quan hơn, song thành phố vẫn lên kế hoạch dự phòng khi dịch bùng phát mạnh hơn. Theo đó, tiếp tục lấy mẫu và xét nghiệm tầm soát có trọng tâm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Thực hiện xét nghiệm cuốn chiếu các công ty, khu công nghiệp nhằm đảm bảo toàn bộ các công nhân trong các khu công nghiệp được xét nghiệm. TP HCM ghi nhận có 4 ca nhiễm Covid-19 là người lao động trong khu công nghiệp nhưng chưa ghi nhận tình trạng lây lan trong khu vực này.
Song song với các hoạt động trên, thành phố chủ động xây dựng phương án đáp ứng chống dịch với 5.000 ca nhiễm. Phân công 7 bệnh viện của thành phố chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 với 2.000 giường bệnh, 1000 giường hồi sức, 1000 máy thở. Cụ thể, bao gồm các bệnh viện như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới, Dã chiến Củ Chi, Covid-19 Cần Giờ, Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2, Phạm Ngọc Thạch). Đồng thời chuẩn bị triển khai thêm các bệnh viện dã chiến với tổng số 3.000 giường.
Đáng chú ý, từ ngày 10/6, “Đơn vị điều trị Covid-19” tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch quy mô 550 giường với 66 giường hồi sức đã sẵn sàng đi vào hoạt động.