TPHCM tìm cách khép kín Vành đai 2 bằng cơ chế đặc thù

Đoàn Xá 14/09/2023 08:06

Là dự án hạ tầng quan trọng, TPHCM đang tìm cách khép kín đường Vành đai bằng cách kêu gọi nguồn vốn từ xã hội hoá theo cơ chế đặc thù đang áp dụng.

Với quy mô 64km bao quanh TP HCM, đường Vành đai 2 hiện còn 14km chưa hoàn thành, chia thành 4 đoạn khác nhau. Trong đó có 2,7km đoạn từ Gò Dưa tới đường Phạm Văn Đồng đang triển khai theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao). Vì vậy, việc hoàn thành 3 đoạn còn lại đang là ưu tiên cấp bách của ngành giao thông thành phố, nhất là trong bối cảnh đường Vành đai 3 đã khởi công.

Cụ thể, Sở GTVT TP HCM vừa có thông tin về kế hoạch chi tiết để triển khai các dự án này. Trong đó, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp dài 3,5km có tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỷ đồng (chiếm hơn 71%). Theo đó, nếu triển khai từ quý 1 năm 2024 thì tới quý 2 năm 2025 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đồng thời khởi công và hoàn thành trong quý 4/2026. Đoạn thứ 2 tiếp nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8km dự kiến có tổng vốn 4.543 tỷ đồng với chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.956 tỷ đồng. Theo Sở GTVT, đoạn này có thể thực hiện bằng nguồn vốn BT nếu nguồn vốn ngân sách thành phố giai đoạn 2021-2025 không đáp ứng được. Điều đặc biệt là dự án BT triển khai ở dự án (nếu được phê duyệt) sẽ được thành phố chi trả bằng tiền ngân sách trả chậm cho doanh nghiệp đầu tư theo Nghị quyết đặc thù áp dụng trên địa bàn thay vì trả bằng quỹ đất như các dự án BT trước. Do liên quan đến hình thức đầu tư, dự án này có thể triển khai từ cuối năm 2023 tới năm 2027. Được biết, cả 3 đoạn trên của Vành đai 2 kể trên đều nằm trên địa bàn TP Thủ Đức.

Một đoạn đường Vành đai 2 đi qua TP Thủ Đức.

Trong khi đó, đoạn cuối cùng của Vành đai 2 dài 5,3km từ quốc lộ 1A tới đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) dự kiến có tổng mức đầu tư là 16.417 tỉ đồng, với chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 13.190 tỷ đồng (chiếm hơn 80%).

Theo Sở GTVT, do dự án có nguồn vốn lớn (khoảng 3.000 tỉ đồng/km) nên đề xuất chia việc thực hiện làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ nay tới năm 2027 sẽ đầu tư đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh tới Võ Văn Kiệt (dài 3,4km) cùng nguồn vốn là 8.972 tỉ đồng. Giai đoạn sau sẽ đầu tư đoạn từ đường Võ Văn Kiệt tới quốc lộ 1A dài 1,9km với tổng nguồn vốn 7.445 tỉ đồng, từ năm 2026 tới năm 2030. Về hình thức đầu tư, nếu thành phố không bố trí đủ nguồn vốn ngân sách thì dự án sẽ được triển khai theo hình thức BT như ở đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp tới Phạm Văn Đồng.

Có thể nói, với tổng nguồn vốn của 3 đoạn còn lại lên đến gần 30.000 tỉ đồng, việc thực hiện khép kín đường 11,3km Vành đai 2 từ nay tới năm 2030 chắc chắn sẽ cần sự chung tay đầu tư của doanh nghiệp tư nhân khi nguồn vốn ngân sách không đáp ứng đủ trong giai đoạn này. Trong đó hình thức đầu tư BT được coi là phù hợp, với sự mở rộng trong cơ chế chi trả cho doanh nghiệp đầu tư so với trước cũng đáp ứng được nhiều yêu cầu của doanh nghiệp và ngân sách thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TPHCM tìm cách khép kín Vành đai 2 bằng cơ chế đặc thù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO