Ngày 14/11, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phối hợp cùng Trường Đại học Văn hóa TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của TPHCM”.
Hội thảo tập trung vào 3 nhóm chủ đề: Lợi thế và thách thức của văn hóa TPHCM trong phát triển “Thành phố sáng tạo”; Các nguồn lực văn hóa TPHCM để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”; Những giải pháp để phát huy các nguồn lực văn hóa xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” có hiệu quả trong thời gian tới.
“Thành phố sáng tạo” là một khái niệm mới, đang được nhiều quốc gia quan tâm. Tại Việt Nam, năm 2019, UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “thiết kế” và tháng 10/2023, UNESCO công nhận 2 thành phố khác của Việt Nam là Hội An - thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” cùng Đà Lạt - thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”.
TS Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN), chúng ta sẽ hưởng lợi từ một nền tảng trao đổi và hợp tác quốc tế tích cực. Một trong những trụ cột làm nên “Thành phố sáng tạo” chính là “Văn hóa sáng tạo”. “Văn hóa sáng tạo” là cội nguồn của “sức mạnh mềm”, đem lại nguồn lực tổng hợp, không chỉ có tài lực, vật lực mà cả nhân lực đủ khả năng giải quyết các vấn đề xã hội và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Trong khi đó, theo TS Phạm Văn Luân (Trường Đại học Văn hóa TPHCM), để TPHCM sớm gia nhập UCCN, cần ưu tiên xây dựng và phát huy văn hóa sáng tạo mà mũi đột phá quan trọng nhất hiện nay là phát triển công nghiệp văn hóa; mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa. Ông Luân cho rằng, xây dựng TPHCM trở thành “Thành phố sáng tạo” sẽ mở ra cơ hội tận dụng tối đa nguồn lực quan trọng từ lực lượng nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, doanh nhân...
Ngày 25/10/2023, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, trong đó có mục tiêu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.
UNESCO đã thành lập Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” từ năm 2004, tập trung vào 7 lĩnh vực: Thiết kế; Văn học; Âm nhạc; Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; Ẩm thực; Điện ảnh và Nghệ thuật truyền thông.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo UCCN chương trình quốc tế hiện có 350 thành phố thành viên từ hơn 100 quốc gia.