Hà Nội 36 phố phường, đi đến đâu người ta cũng dễ tìm cho mình vài ba hàng trà đá. Không cần cao sang cũng chẳng cần cầu kỳ, trà đá vỉa hè cứ thế mà tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác.
“Thông tấn xã vỉa hè”
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, trà đá vỉa hè Hà Nội được người dân tìm đến như một thói quen rất đỗi giản dị. Bên ly trà đá chan chát cùng đôi ba câu chuyện tán gẫu, ấy vậy mà xôn xao cả một góc nhỏ Hà Nội.
Không biển hiệu, không màu mè, chỉ đơn giản là một bộ ấm tích, phích nước, thùng đá, vài ba chiếc ghế trải nhựa, dăm bảy lọ thủy tinh trắng đựng nào là kẹo lạc, kẹo vừng cùng một hộp kính đủ loại thuốc lá, thuốc lào và một chiếc điếu cày. Nét văn hóa bình dân ấy không phân biệt giới tính, tuổi tác, học vấn, công nhân hay nhân viên công sở với trang phục chỉnh tề đều có thể ngồi lại bên những ly trà đá vỉa hè.
Cốc trà đá chỉ 3.000 – 5.000 đồng thôi mà đã làm vơi đi biết bao nỗi mệt nhọc trong người, vơi đi cả cơn khát trong tiết trời nóng nực. Vậy nên dù đi xa cách mấy, nhiều người lại nhớ đến và thèm một ly trà đắng chát, nhất là giữa những ngày thời tiết oi ả của nắng hè hay là lúc trời Hà Nội chuyển mình vào thu.
Bước đến bên quán trà đá, không khó để bắt gặp các ông, các bà chào hàng đon đả, sự mến khách không lẫn đi đâu được. Hầu như những người chủ quán đều đã có tuổi. Ngồi với khách, đôi khi họ còn kể đôi ba câu chuyện về ngày xưa xem như món quà tinh thần tặng khách.
Người Hà Nội vốn cầu kỳ đủ thứ nhưng với trà đá, họ lại chẳng đề ra yêu cầu nào. Ngồi trà đá, người ta bỗng dưng thoáng đi, không còn bàn tới vị trà ngon hay dở. Cùng với đó là tiếng cười đùa, xôn xao cùng đôi ba câu chuyện kể từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đến y tế, thể thao, có thể là cả chuyện đầu ngõ cuối xóm, tất cả đã tạo nên một nét văn hóa đậm chất riêng của Hà Nội.
Nơi dừng chân bên góc phố
Không phải ai cũng đến với trà đá vỉa hè cũng để tám chuyện, có những con người đến với nó đơn giản chỉ để tìm cho mình sự bình yên giữa cuộc sống đầy xô bồ này.
Giữa góc quán quen, tôi bắt gặp những ánh mắt trầm ngâm nhìn lên bầu trời, bàn tay xoay lấy cốc trà đá, thỉnh thoảng rít từng hơi dài điếu thuốc lá. Khói thuốc, hương trà hòa quyện lại với nhau làm cho con người ta trở về với sự hoài niệm, với chính tâm hồn đơn điệu sau những vấp ngã, bon chen với thế giới ngoài kia.
Họ đến bên cốc trà đá, lặng lẽ ngồi nhâm nhi và rồi lặng lẽ rời đi. Chính vì vậy mà trà đá vỉa hè được ví là chốn dừng chân của những tâm hồn, nơi người ta tạm quên đi những nỗi lo cơm áo gạo tiền, tạm quên đi những gánh nặng trong cuộc sống để lòng mình được bình yên hơn.
Cuộc sống vội vã nhưng bên ly trà, nhịp sống phồn hoa bỗng chốc chậm lại hơn. Và cứ vậy, chẳng biết từ bao giờ, thức đồ uống dung dị ấy trở thành cái chất riêng của vùng đất ngàn năm văn hiến. Giống như những câu thơ của tác giả Nguyễn Đức Huy:
“Ừ thì ta thích lê la
Thích nghe chém gió, ba hoa bốc giời...
Nổi chìm qua mỗi phận người
Ta như thấy một phần đời trong ta”.