Xã hội

Trả lương đúng để phát triển nguồn nhân lực

N.Quang 11/03/2024 08:00

Việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng để vừa bảo đảm thu nhập gắn với xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.

anh1baiduoi-6.jpg
Ông Bùi Ngọc Thanh.

Theo TS Bùi Ngọc Thanh - ĐBQH khóa IX, X, XI; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công có vai trò quan trọng đặc biệt, nhưng chính sách tiền lương lại quá bất cập trong thời gian dài. Đáng chú ý, khu vực công áp dụng mức lương tối thiểu thấp nhất trong các mức lương tối thiểu. Ông Thanh nêu vấn đề, qua 21 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu (từ Nghị định 110/2008 ngày 10/10/2008 đến Nghị định 38/2022 ngày 12/6/2022, của Chính phủ), nhưng lao động khu vực công chỉ được điều chỉnh 6 lần (tính tới ngày 1/7/2023). Cụ thể, trong cùng thời gian (tính đến hết năm 2022), mức lương tối thiểu của lao động khu vực thị trường tăng hơn 5 lần, trong khi mức lương tối thiểu của lao động khu vực công (được thay bằng mức lương cơ sở) chỉ tăng 2,29 lần.

Cải cách chính sách tiền lương khu vực công, ông Thanh cho rằng, phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết 27 của Trung ương: Phải coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ. Trả lương đúng, chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, cải cách chính sách tiền lương phải gắn với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác làm cơ sở để tăng lương...

Ông Thanh cũng lưu ý tới “các chức năng của tiền lương” khi cải cách, đó là: thước đo giá trị của sức lao động và phản ảnh giá trị sức lao động; tái sản xuất sức lao động; kích thích lao động và tích lũy, để dành. Nếu bảo đảm được các chức năng của tiền lương như vậy thì cải cách chính sách tiền lương mới thực sự có ý nghĩa.

Quy định mức lương cụ thể thay cho hệ số lương, bao gồm 4 nhóm công việc cụ thể. Thứ nhất, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm 70% lương cơ bản và 30% là các khoản phụ cấp. Thứ hai, ban hành hệ thống thang, bảng lương mới theo vị trí việc làm. Trong đó, 2 bảng lương khu vực công gồm: bảng lương chức vụ (áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức giữ các chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo. Thứ ba, xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới. Thứ tư, sắp xếp lại các khoản phụ cấp hiện hành theo hương tối giản.

anh2baiduoi-7.jpg
Ông Phạm Minh Huân.

Trong khi đó, theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 1960 đến thời điểm nay đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương (vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003). Chủ trương cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lao động trong doanh nghiệp được Trung ương đề ra tại Nghị quyết 27, từ năm 2018.

Về định hướng cải cách tiền lương sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới khu vực công, gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm 30%); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

“Việc quy định lương bằng lương cơ sở nhân hệ số nhiều năm liền đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Lương trả theo hệ số và cào bằng cả hệ thống công chức cùng hưởng lương như nhau, dù trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc mỗi người khác nhau. Do vậy, việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay sẽ giúp bảng lương mới khắc phục được các hạn chế. Đồng thời khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và góp phần giữ chân được người tài trong hệ thống” - ông Huân nói, đồng thời cho rằng một yếu tố quan trọng khác để cải cách tiền lương là cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy. Cần xem lại việc tinh giản biên chế thực chất hay chưa.

Chính sách tiền lương phù hợp thực tiễn là điều phải hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tạo động lực nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình họ. Trong đó, có cả việc giữ chân và thu hút nhân tài vào khu vực công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trả lương đúng để phát triển nguồn nhân lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO