Trách nhiệm bảo quản những thước phim quý

An Hà 31/12/2022 08:48

Gần đây, thông tin trên mạng xã hội đăng tải việc nhiều bộ phim do Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất từ ngày đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, với khoảng hơn 300 phim nhựa, hiện đang lưu giữ trong kho lưu trữ của Hãng này đều ở tình trạng hư hỏng nặng.

Thực hiện số hóa phim tại Viện Phim Việt Nam.

Thông tin đó đã gây sốc dư luận, đặc biệt là với những người làm công tác điện ảnh, những người yêu mến điện ảnh nước nhà.

Tuy nhiên, theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) khẳng định, đây không phải là những bản phim gốc, vì vậy không có chuyện những thước phim nhựa quý giá của điện ảnh Việt Nam bị biến mất hoàn toàn.

Còn đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân - nguyên Phó Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam lên tiếng trên trang cá nhân về việc ông mới vào xem kho lưu trữ của Hãng phim Truyện Việt Nam. Theo đó, tất cả các phim do Hãng sản xuất từ ngày đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam đều có ở đây. Khoảng hơn 300 phim, bắt đầu từ phim “Chung một dòng sông”, những thước phim quý giá đồng hành với một phần lịch sử bi tráng của dân tộc đang trong tình trạng mất khả năng sử dụng, khó có khả năng phục hồi. Trong số này có nhiều phim giá trị như Sài Gòn giải phóng, Tướng về hưu, Tâm hồn mẹ…

Trở lại với ý kiến của ông Vi Kiến Thành, hơn 300 phim nhựa được đề cập là dương bản, được Hãng phim Truyện Việt Nam trước đây giữ lại để lưu trữ và phổ biến. Những bản phim gốc (hay còn gọi là âm bản) hiện đang được bảo quản với chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật tại Viện Phim Việt Nam. Viện Phim Việt Nam có chức năng lưu giữ, bảo quản tất cả các phim do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là những phim Nhà nước đặt hàng, phim thời kỳ đầu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đều luôn được xác định là di sản vô giá…

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng điều hành Viện Phim Việt Nam xác nhận, Viện Phim Việt Nam với chức năng của mình hiện đang thực hiện rất tốt việc lưu giữ, bảo quản những di sản của nền điện ảnh dân tộc. Trong đó, những bộ phim Nhà nước đặt hàng, những tác phẩm điện ảnh sống cùng năm tháng, tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam đều được lưu trữ, bảo quản tốt tại đây.

Các bộ phim được sản xuất từ trước đến nay hiện đang được Viện Phim Việt Nam lưu trữ theo điều kiện chuẩn quy định quốc tế. Ảnh: TRẦN HUẤN.

“Kho lưu trữ tư liệu hình ảnh động tại Viện Phim Việt Nam là một trong những kho bảo quản phim tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, toàn bộ phim tại Viện Phim Việt Nam đang được lưu trữ theo điều kiện chuẩn quy định quốc tế. Chúng tôi cũng đang triển khai việc số hóa để lưu trữ và bảo quản một số tác phẩm, đồng thời đưa những thước phim giá trị này đến gần hơn với công chúng” - ông Hoàng cho biết.

Như vây, bước đầu người yêu điện ảnh trong nước tạm yên lòng. Tuy nhiên, nói như Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành thì việc các nghệ sĩ điện ảnh phản ứng và bức xúc là điều dễ hiểu, bởi để xảy ra tình trạng bảo quản không tốt, dẫn đến kho phim của Hãng phim Truyện Việt Nam bị hư hỏng là rất không ổn.

“Dù đây là những phim dương bản nhưng là tài sản của Hãng phim chuyển giao cho Vivaso quản lý khi cổ phần hóa hãng phim. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cần tổng kiểm kê, đánh giá các mức độ hư hỏng. Đồng thời, cần có chế độ bảo quản phù hợp” - ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cho biết, tất cả phim trong kho của Công ty đều là bản sao. Toàn bộ bản gốc của các phim được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam, là cơ quan nhà nước có chức năng lưu giữ tất cả phim thuộc sở hữu nhà nước.

Vẫn theo ông Thắng, trước đây Hãng phim Truyện Việt Nam sử dụng các bản sao này để làm nhiệm vụ phổ biến phim theo chức năng kinh doanh. Về sau, việc phổ biến bằng phim nhựa không còn phù hợp, số phim này được lưu dưới dạng file tại các ổ cứng để phục vụ công tác phổ biến phim trong thời kỳ công nghệ số hiện nay.

Phim truyện Việt Nam đã từng có những thời kỳ vàng son, với những bộ phim làm rất công phu, đạt trình độ cao cả về nội dung lẫn nghệ thuật thể hiện. Tới nay, nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn không thể quên những bộ phim lừng lẫy, như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội, Ngày lễ thánh, Chị Tư Hậu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bao giờ cho đến tháng mười, Cánh đồng hoang, Vợ chồng A Phủ... Cùng đó, đã có những thế hệ đạo diễn đầy tài năng nhiệt huyết, những nghệ sĩ màn bạc với đẳng cấp “minh tinh màn bạc”. Ảnh hưởng của họ là rất lớn đối với đồng nghiệp nhiều thế hệ.

Nhiều người cho rằng, với xu hướng làm phim “mỳ ăn liền”, phim thị trường những năm qua thì dòng phim của Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất trước đây đã trở thành cổ điển, mẫu mực. Điều đó cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu và học tập một cách nghiêm túc; nếu không chúng ta sẽ dừng lại ở một nền điện ảnh rất trung bình, và thay vào đó là những cuộc đổ bộ của điện ảnh nước ngoài.

Gần đây, chúng ta cũng có một vài bộ phim được làm kỹ, với những đạo diễn có nghề. Nhưng số lượng vẫn rất khiêm tốn, không tạo thành một dòng chảy mang phong cách phim Việt Nam.

Chính vì thế, việc bảo quản thật tốt những bộ phim đã trở thành kinh điển là trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân được giao. Vì bất cứ lý do gì để những bộ phim truyện nhựa ấy hư hỏng sẽ là lỗi rất lớn.

Nhiều ý kiến của giới hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cho rằng để bảo tồn di sản điện ảnh, gìn giữ, bồi đắp vốn giá trị văn hóa, lịch sử thì công tác lưu trữ, bảo quản, số hóa phim Việt Nam cần được quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Được biết, Viện Phim Việt Nam - cơ quan lưu trữ hình ảnh động quốc gia, có kho lưu trữ lớn nhất cả nước với gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại và một số lượng lớn băng, đĩa ở nhiều định dạng khác nhau. Viện cũng đã và đang thực hiện in chuyển phim nhựa sang định dạng kỹ thuật số 4K, trong đó có nhiều phim mang giá trị lịch sử, văn hóa. Tương tự, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương cũng đang lưu trữ gần 12.000 phim nhựa và video sản xuất từ năm 1956 đến nay, trong đó nhiều phim ghi lại các cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc… Tuy được bảo quản thường xuyên và bắt đầu số hóa, nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiều phim đã nhiễm khuẩn, xước nặng, khó phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm bảo quản những thước phim quý