Chất lượng trái cây Việt ngày càng cải thiện và đang từng bước thâm nhập các thị trường khó tính. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng đòi hỏi trái cây Việt phải đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Xoài Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân từ 8 - 10%/năm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu thu về từ rau quả đạt từ 151,5 triệu USD năm 2003. Đến năm 2013 giá trị xuất khẩu mặt hàng này lên đạt 1,07 tỷ USD, năm 2018 đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47,3% so với năm 2017. Điều đặc biệt, giá trị sản phẩm từ quả chiếm trên 80%.
Các chuyên gia kinh tế và giới kinh doanh trong ngành cho rằng, với đà phát triển trên trong những năm tới, dự báo giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Điều đáng mừng trái cây tươi của Việt Nam đã có mặt tại một số thị trường cao cấp như Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Điển hình, thị trường Mỹ đã nhập khẩu thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa. Hiện đang tiến hành đàm phán để xuất khẩu bưởi vào thị trường này. Tương tự, thanh long, xoài đã vào thị trường Nhật Bản và đang thực hiện đưa vải, nhãn cùng tham gia. Riêng thị trường EU, hầu hết các loại trái cây đều có thể xuất khẩu nếu đáp ứng yêu cầu của EU cho từng loại. Nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, sẽ tiến hành đàm phán với úc, Argentina… cùng nhiều nước khác.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của trái cây xuất khẩu vì cơ hội mở rộng thị trường rất lớn, song không ít ý kiến lo ngại khả năng cạnh tranh của trái cây Việt. Trong đó, cần xem lại chất lượng, giá thành, nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm. Đơn cử, trái xoài Việt Nam tham gia thị trường Nhật Bản và cạnh tranh với xoài Thái Lan, Philippines, Pakistan. Nhận định của đại diện nhà bán lẻ Aoen Nhật Bản cho hay, xoài Việt được đánh giá cao tại thị trường Nhật, tuy nhiên xét về giá và chất lượng (độ ngọt) vẫn chưa thật sự vượt trội so với sản phẩm các nước. Cần lưu ý hơn nữa đến tính ổn định của độ ngọt. Ngoài chất lượng sản phẩm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được các thị trường đặc biệt quan tâm. Các nước có nhiều yêu cầu gắt gao bắt buộc trái cây nhập khẩu phải thực hiện an toàn thực phẩm. Ví dụ, thị trường Mỹ, Chi-lê đòi hỏi trái cây phải được chiếu xạ. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… lại yêu cầu phải xử lý nước nóng hay hơi nước bão hòa. Đối với thị trường úc và New Zealand thì một trong hai phương pháp chiếu xạ hay hơi nước bão hòa đều có thể được áp dụng tùy theo yêu cầu.
Chất lượng, an toàn sản phẩm đặt lên hàng đầu
Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch khẳng định, trái cây Việt chủ yếu được sử dụng tươi (chiếm đến 90%). Tuy nhiên, so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới nông sản Việt Nam có tính cạnh tranh thấp. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, đối với các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, EU, Úc, Hàn Quốc,… đòi hỏi chất lượng sản phẩm rất cao. Trong đó, theo dõi chặt quy trình giám sát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, triệu hồi sản phẩm không an toàn, kiểm soát nhập khẩu thông qua chuỗi. Với các nước trong khu vực ASEAN chất lượng sản phẩm có thể thấp hơn, kiểm soát nhập khẩu qua chứng nhận,… Tuy nhiên, xu hướng các quy định sẽ chặt chẽ hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn nâng cao giá trị gia tăng cho trái cây Việt, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu yêu cầu đặt ra, phải đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm từ trồng trọt cho đến khâu chế biến. Theo Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, ngoài quy trình sản xuất trên đồng ruộng, sản phẩm rau quả phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GLOBALGAP, HACCP các khâu thu hoạch và sau thu hoạch như rửa, làm ráo, phân loại, xử lý, đóng gói và bảo quản chờ trung chuyển cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn yêu cầu. Đáng chú ý, cần đầu tư công nghệ hiện đại nhằm tìm ra cách thức bảo quản rau quả có hiệu quả, phù hợp nhất phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, ứng dụng công nghệ cao để đánh giá độ chín, chất lượng trái cây thông qua các thiết bị phân tích và đo lường. “Nếu như trước đây việc nâng cao chất lượng chỉ tập trung nhiều đến hình thức, cấu trúc của sản phẩm, giờ đây người tiêu dùng còn quan tâm đến độ ngon, mùi vị, giá trị dinh dưỡng. Giá trị dinh dưỡng sản phẩm tươi đem lại không chỉ là hàm lượng thành phần vitamin, khoáng chất hay chất xơ mà là các thành phần chất có giá trị sinh học, chất chống ôxy hóa”- đại diện Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch nhấn mạnh.
* Trái xoài Việt Nam tham gia thị trường Nhật Bản và cạnh tranh với xoài Thái Lan, Philippines, Pakistan và được đánh giá cao. Tuy nhiên, muốn nâng cao giá trị gia tăng cho trái cây Việt, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm từ trồng trọt cho đến khâu chế biến. Cần đầu tư công nghệ hiện đại nhằm tìm ra cách thức bảo quản rau quả có hiệu quả, phù hợp nhất phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, ứng dụng công nghệ cao để đánh giá độ chín, chất lượng trái cây thông qua các thiết bị phân tích và đo lường.