Trái đắng từ giấc mơ xuất ngoại

Nguyễn Tuấn Anh     (Còn nữa) 09/05/2017 08:35

Xuất khẩu lao động là một trong những ước mơ đổi đời của nhiều người. Tuy nhiên, chỉ khi sang đất khách quê người họ mới vỡ lẽ và đành ngậm ngùi mỏi mòn chờ cơ hội được trở quê hương.

Bài 1: Chiêu thức dụ dỗ

Từ những lời dụ dỗ ngon ngọt, mức lương hấp dẫn, sự thân quen và các loại giấy phép hoạt động có dấu đỏ của cơ quan chức năng, nhiều lao động đã dính bẫy của các công ty đeo mác cung ứng nhân lực, bị kẻ môi giới trục lợi trên mồ hôi, nước mắt và thể xác. Đáng chú ý, không ít những kẻ từng bị lừa, chịu bao cơ cực lại hoá thành những chân rết đi dụ dỗ, phỉnh gạt người khác để kiếm lợi.

Lao động Việt Nam được các đối tác nước ngoài ghi nhận là cần mẫn, khéo léo nhưng không phải ai cũng tìm được những địa chỉ đáng tin cậy. Ảnh nhỏ: Trao đổi trên trang Zalo cá nhân “Never Mind” với người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. (Nguồn: Xuatkhaulaodongnhat.vn).

Từ quan hệ thân quen

Đã gần 1 năm nay, chị Hồ Thảo Nguyên (29 tuổi, thường trú tại số 128 Nguyễn Du, thôn 2, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) viết đơn cầu cứu khắp nơi; tố rằng bị gia đình bà Đinh Thị Nga (công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Ana) lừa đảo môi giới đi xuất khẩu giúp việc nhà ở nước ngoài.

Gia đình chị Nguyên vốn có hoàn cảnh khó khăn. Chồng chết sớm, một mình chị nuôi 2 con nhỏ, không nhà cửa, không việc làm ổn định. Từ đó, bà Đinh Thị Nga ở gần nhà đã tới tư vấn chị Nguyên đi xuất khẩu lao động với mức lương 9 đến 10 triệu đồng/tháng. Đang lúc túng quẫn, tin bà Nga thật lòng giúp đỡ, nghĩ đi lao động nước ngoài vừa có tiền lo cho 2 con ăn học, sau này về có thêm ít vốn làm ăn, đầu tháng 5-2016, chị Nguyên đã đến gặp bà Đinh Thị Liên (chị ruột bà Nga) và ông Đinh Văn Bường (bố bà Nga và bà Liên) cùng ông Vũ Văn Mạnh (tạm trú cùng bà Liên).

Những người này giới thiệu là nhân viên Cty cổ phần xây dựng và cung ứng nhân lực Quang Trung (viết tắt Cty Quang Trung). Sau khi nghe tư vấn, gia đình chị Nguyên đồng ý cho chị đi lao động xuất khẩu. Ông Hoàng Đồi (bố chồng chị Nguyên, còn cho chị mượn 1,5 triệu đồng làm các thủ tục khám sức khỏe, hộ chiếu theo yêu cầu của gia đình bà Nga. Cuối tháng 5-2016, gia đình bà Nga đã đưa cho chị Nguyên 1 bộ hợp đồng của Cty Quang Trung. Chị Nguyên đã đưa cho bố đẻ là ông Hồ Đức Sinh ký và ra UBND thị trấn Buôn Trấp ký đóng dấu xác nhận.

Đầu tháng 6/2016 chị Nguyên được gia đình bà Nga đặt vé máy bay cùng bà Đinh Thị Liên ra Hà Nội và được đưa đến Cty Quang Trung để học tiếng Ảrập Xêút trong vòng 1 tuần. Trước 10 ngày chuẩn bị bay qua Ảrập Xêút, Cty Quang Trung lại đưa chị Nguyên sang ký hợp đồng lao động với Cty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Bạch Đằng (Bimexco)- ở P.Niệm Nghĩa, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng. Thấy có sự bất thường, chị Nguyên đã gọi điện về và được bà Nga trấn an: “Do bên Cty Quang Trung làm Visa lâu nên bố chị (ông Đinh Văn Bường) chuyển hồ sơ qua Cty Bimexco. Em cứ yên tâm, gia đình chị không lừa em đâu. Bố chị là người làm ăn đàng hoàng, còn chị là người nhà nước, không lẽ lại lừa em”. Được bà Nga làm tư tưởng tâm lý, chị Nguyên đã lăn tay và ký hợp đồng.

Cũng như trường hợp của chị Nguyên, nhiều chị em khác cũng đã được gia đình bà Nga tích cực tư vấn đi Ảrập Xêút trong đó có các chị em người dân tộc thiểu số: H’Zim, H’Chinh, H’Noan ở xã Ia Jai, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Chị Trương Thị Hằng, một người ở gần nhà chị Nguyên chia sẻ: “Cũng chỉ vì tin tưởng họ là người ở địa phương, muốn giúp đỡ hoàn cảnh gia đình mình khó khăn nên tôi mới đồng ý đi qua bên đó để làm việc. Vậy mà khi qua đó, mọi thỏa thuận không giống như hứa hẹn của phía môi giới và hợp đồng lao động, lương không được trả, còn bị họ hành hạ, ngược đãi sống không bằng chết, tủi nhục vô cùng”.

Hộ chiếu được trang “Never Mind” đưa lên mạng.

Lên mạng chèo kéo

Mặc dù quen biết nhau từ lâu, thế nhưng do cuộc sống gia đình, nên chị Lê Thị Minh Sơn (ở 21 chung cư A, chợ Đầm Nha Trang, Khánh Hòa) ít có cơ hội gặp lại người bạn cùng trang lứa tên Hà (trú tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Gặp lại bạn cũ rồi xin nhau số điện thoại, cũng như thường xuyên liên lạc bằng Zalo, chị Sơn được bạn chia sẻ thông tin là có mối làm ăn ở Úc, nếu muốn đi qua đó làm ăn thì sẽ giới thiệu giúp. Nghĩ cuộc sống đang khó khăn, con cái đã lớn, vốn liếng làm ăn ít, cuộc sống nhiều vất vả, được bạn chỉ đường qua nước ngoài làm ăn thì không còn gì bằng. Chị Sơn liền tích cực học tiếng Anh, trau chuốt lại nghề làm móng tay, chân, chờ ngày xuất ngoại.

Xem các hình ảnh giới thiệu của người bạn đăng tải trên mạng, rằng những người này sắp đi, người kia sắp bay sang Úc, đồng thời cô bạn thường xuyên nhắn tin động viên thăm hỏi nên chị Sơn hoàn toàn tin tưởng làm theo hướng dẫn của bạn. Bà Hà giới thiệu các gói chi phí: Nếu tự bỏ tiền đi thì mất khoảng 60 triệu đồng; còn nếu không đủ tiền thì người ta (người trong đường dây đưa đi- PV) sẽ bỏ tiền ra hỗ trợ theo các mức từ A đến Z, sang bên đó làm hàng tháng sẽ trừ vào lương cho đến khi hết nợ. Nghe lời bạn, chị Sơn đã huy động anh em họ hàng cho vay hơn 60 triệu đồng để xuất ngoại làm móng tay, móng chân. Theo bà Hà, muốn bay sang Úc phải quá cảnh sang Đubai của UAE, chị Sơn được bạn làm cho 2 hộ chiếu (1 hộ chiếu sang Đubai và một hộ chiếu sang Úc). Sau khi mọi thủ tục hoàn thành, ngày 2/9/2014 chị Sơn theo chân Hà ra sân bay Nội Bài xuất ngoại.

Thế nhưng khi vừa đáp máy bay xuống đến Đu-bai, chị Sơn đã được một nhóm người Việt ở Đu-bai trong đó có đối tượng Linh (người Nghệ An) và Sáu Ngón (tên người ta gọi đàn em của Linh và chồng, một đối tượng có máu mặt anh chị) đưa đến một dãy nhà tập trung chủ yếu các chị em phụ nữ người Việt Nam được đưa qua đây để làm việc.

Chị Sơn kể, chị đã phải chứng kiến cảnh các chị em Việt Nam vì vay mượn tiền của chúng để xuất ngoại bị chúng ép đi tiếp khách trong các nhà chứa, phải làm ở các tiệm massage. Do uất ức và không chịu được tủi nhục, trước đó 2 người đã nhảy lầu tự tử, trong đó có 1 người tử vong. Do là người tự bỏ tiền mua vé đi, nên chị Sơn không bị nhóm này khống chế, thúc ép như các chị em khác nợ tiền chúng. Sau hơn 2 tuần ở đất người, biết bị bạn mình lừa, nhờ sự quen biết, chị Sơn đã được giải cứu. Chị Sơn đã được bảo lãnh và ra sân bay mua vé trở về Việt Nam. Chị Sơn có hỏi hộ chiếu bay qua Úc thì được trả lời, đây là hộ chiếu được các đối tượng này làm giả để lừa gạt qua Đu-bai chú không bay được qua Úc.

Chuyện bị bạn lừa trên mạng như chị Sơn không hiếm. Mới đây, trên trang Zalo cá nhân “Never Mind” gửi tin nhắn Zalo kết bạn với nhiều người. Rồi hình ảnh các giấy tờ như: “Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” do Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp ký, đóng dấu Bộ LĐTBXH cấp phép cho Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và tư vấn giáo dục Hoàng Phát; cách khai phiếu lý lịch tư pháp số 1; hình ảnh các chị em đã được giới thiệu đi xuất khẩu; để dụ dỗ, lôi kéo nhưng chị em có mong ước đổi đời bằng con đường xuất ngoại. Lần theo một chứng minh thư do một người tên Trang tung lên Zalo chia sẻ ngày 2/3/2017 để chèo kéo chị em đi xuất khẩu lao động, chúng tôi đã tìm về thôn 13 (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) gặp người thân gia đình chị Hòa Thị Duyên, người được trang “Never Mind” giới thiệu là sẽ bay qua Ảrập Xêút để nhận việc trong tháng 4/2017.

Tại đây, bà Phạm Thị Nho, mẹ chị Duyên cho biết, con gái bà hiện đang làm việc tại một Trường tiểu học ở xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) chứ không đi lao động xuất khẩu gì cả. Sau khi chúng tôi đưa hình ảnh chứng minh thư nhân dân con gái cho bà Nho xem về việc trang “Never Mind” giới thiệu con bà đi xuất khẩu lao động, bà Nho liền gọi ngay cho con gái. Chị Hòa Thị Duyên xác nhận chị chưa bao giờ làm thủ tục, hồ sơ gì liên quan đến việc đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xêut như trang Zalo kia chia sẻ thông tin.

Theo con trai bà Nho cho biết, chủ nhân của trang Zalo này là Huỳnh Thị Trang, cùng ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Năm trước, Trang có đi xuất khẩu lao động ở Ảrập Xêút nhưng đi được 1 năm thì về và giờ đi đâu Trang cũng giới thiệu mình là nhân viên của Cty cung ứng đưa người đi lao động ở nước ngoài, để chèo kéo mọi người nuôi ước mơ đổi đời nhờ đi lao động xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trái đắng từ giấc mơ xuất ngoại