Trái đất vẫn nóng

T. Tú 23/02/2020 06:11

Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Anh (Met Office)  dự báo, năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là “dấu vết rõ ràng” của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, trong đó đã loại trừ sự kiện không thể lường trước, như núi lửa phun trào. Nền nhiệt cao ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều loài sinh vật, cũng như có thể làm phát sinh những vụ cháy rừng lớn.

Thông tin từ các nhà khoa học của Cơ quan Đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 1/2020 là tháng 1 nóng nhất trong suốt 141 năm ghi nhận nhiệt độ trên toàn cầu. Theo đó, nhiệt độ bề mặt đất liền và đại dương toàn cầu trong tháng 1 vừa qua đã tăng 1,14 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 1 trong thế kỷ 20, vượt qua mức nhiệt kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 1/2016. Một lần nữa, câu chuyện Trái đất “bị nung nóng” lại khiến dư luận lo lắng.

Trái đất vẫn nóng

Greta Thunberg- “chiến sĩ nhỏ” đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Cô bé 16 tuổi thành “nhân vật của năm”

Đó là cô bé người Thụy Điển, Greta Thunberg. Em đã bất ngờ “vụt sáng” chỉ qua bài phát biểu 3 phút khi nói rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới “đang thổi bay cơ hội chống lại biến đổi khí hậu”. Trên thực tế, Greta đã cực kỳ nổi tiếng của phong trào đấu tranh vì môi trường. Em càng nổi bật khi dõng dạc đòi sự bình yên cho Trái đất tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, tổ chức tại Tây Ban Nha ngày 9/12 năm ngoái. Trong phát biểu của mình, em dõng dạc và mạnh mẽ nói thế giới vẫn không có hành động tập thể nào chống lại biến đổi khí hậu. Lượng khí thải toàn cầu vẫn chưa bị kiềm chế. Và như thế Trái đất vẫn lâm nguy.

Không đơn giản khi Tạp chí Time đã chọn em là “nhân vật của năm” vì là “người có tiếng nói lớn nhất về vấn đề lớn nhất đối với hành tinh”. Từ New York cho đến Bắc Dakota, từ Berlin đến Brussels… em đã thôi thúc hàng triệu người tuần hành, yêu cầu các lãnh đạo hành động nhanh hơn và mạnh mẽ hơn để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Một bức tranh tường cao 18 mét đã vẽ khuôn mặt em ở San Francisco cùng những tranh giống như vậy được dán trên đường phố Washington, nước Mỹ.

Katrin Uba Giáo sư khoa học chính trị Đại học Thụy Điển Uppsala, nói rằng Greta đã khuyến khích những người trẻ quan tâm đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là những cô gái trẻ, lên tiếng về vấn đề. Trong khi chính nước Mỹ giàu có lại rút lui khỏi Thỏa thuận Paris (chống biến đổi khí hậu toàn cầu).

Nhận xét về Greta có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận là lãnh đạo các quốc gia ngày càng khó phớt lờ những lời kêu gọi chống biến đổi khí hậu toàn cầu, như thông điệp của Greta: “Chúng ta có thể mang đến một thế giới khác”.

Trái đất vẫn đang nóng lên

Cùng với sự biến đổi khí hậu, tạo ra trạng thái cực đoan, thì xu hướng chung là Trái đất vẫn đang nóng lên như “một sự đe dọa ngấm ngầm”- nhận xét của Reuters.

Theo Cơ quan Đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), mức nhiệt của tháng 1 năm nay cao nhất trong vòng 141 năm (so với các tháng 1). Trong khi rất đáng lưu ý là nó không chịu tác động của trạng thái thời tiết El Nino tại Thái Bình Dương. Cá biệt, một số nơi nhiệt độ trong tháng 1 tăng vọt. Như tại Bắc Âu và miền Đông Canada, hay một phần của nước Nga mênh mông- đã ghi nhận mức nhiệt cao hơn 9 độ C so với mức nhiệt trung bình.

Khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng toàn cầu ấm lên, giới khoa học địa cầu chung nhận định. Dẫn lời nhà nghiên cứu Carlos Schaefer người Brazil, Hãng tin AFP cho rằng, do Trái đất ấm lên dẫn tới lượng băng ở Nam Cực tan nhanh nhất trong vòng 42 năm qua. Suốt thời gian qua, băng ở hai cực của Trái đất tan nhanh, khiến cho mực nước biển dâng lên. Nhiều quốc gia ven biển đã và đang phải đổi mặt với nước biển dâng tạo ra triều cường làm ngập các đô thị ven biển và xâm nhập sâu vào đất liền, khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Nhiều khu vực ruộng đồng vốn trù phú thì nay trở nên xơ xác.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Anh (Met Office) lại cho rằng, năm 2020 này sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Theo các nhà khoa học, đây là “dấu vết rõ ràng” của sự nóng lên toàn cầu, mà nguyên nhân do con người gây ra. Theo Giáo sư Adam Scaife- người đứng đầu Phòng dự báo dài hạn của Met Office thì các hiện tượng tự nhiên (như hiện tượng El Nino ở Thái Bình Dương, hay là núi lửa phun trào) thì cũng không làm cho Trái đất ấm lên “đều đặn” như khí thải nhà kính do con người tạo ra. Vị Giáo sư này cũng không quên cảnh báo rằng thế giới sẽ đến gần hơn với “bờ vực” của sự cố khí hậu ngay trong năm nay. Dẫn ra việc lượng khí thải carbon hàng năm hiện cao hơn 4% so với năm 2015 từ khi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết, Giáo sư Adam nhấn mạnh, nếu nguyên thủ các quốc gia không hành động thực sự thì “một cơ hội cứu Trái đất sẽ bị bỏ qua”.

Trái đất vẫn nóng - 1

Trái đất nóng lên là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ánh rừng nước Úc bốc cháy, khiến nhiều loài vật mất đất sống.

Vì sao Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris?

Trong khi nhân loại đang lo ngại về tình trạng Trái đất ấm lên làm biến đổi khí hậu toàn cầu thì chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại thông báo tới Liên hợp quốc rằng Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (được ký năm 2015). Việc nền kinh tế lớn nhất thế giới rút lui khỏi Thỏa thuận, đồng nghĩa với việc nguồn kinh phí rất lớn đóng góp cho nỗ lực giảm hiệu ứng nhà kính sẽ không còn.

Như vậy, Mỹ, nước được coi là phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới về lịch sử đã trở thành quốc gia duy nhất đứng ngoài Thỏa thuận “cứu Trái đất”.

Điều đó càng cho thấy, ông Trump kiên trì và kiên quyết với tôn chỉ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Trước đây, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã tham gia Thỏa thuận, hứa hẹn đến năm 2030 sẽ cắt giảm 26-28% lượng khí thải nhà kính của Mỹ so với mức năm 2005.

Cần nhắc lại, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được đàm phán trong Hội nghị lần thứ 21 của các Bên của Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Paris (COP21). Hiệp định được 197 quốc gia ký kết ngày 12/12/2015, 185 nước thông qua và chính thức có hiệu lực ngày 4/11/2016.

Về cơ bản, các quốc gia ký kết Hiệp định đều nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ đốt nhiên liệu hóa thạch, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Theo đó, các quốc gia thành viên COP21 đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp và cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Nếu không, các nhà khoa học cảnh báo, Trái đất sẽ tiến đến ngưỡng thảm họa mà không thể xoay chuyển được. Để đạt mục tiêu này, các nhà khoa học khuyến cáo, thế giới cần cắt giảm đến một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030.

Thỏa thuận này cũng đặt ra mục tiêu các nước phát triển đóng góp ngân quỹ tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái sinh ít phải thải hơn, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, như hạn hán hay lũ lụt.

Câu hỏi đặt ra là: Vậy thì tại sao ông Trump lại đưa nước Mỹ ra khỏi COP21?

Câu trả lời là ông Trump vốn sẵn hoài nghi về biến đổi khí hậu, từng bác bỏ quan điểm cho rằng khí nhà kính do con người gây ra khiến Trái đất ấm lên nhanh chóng và kích hoạt các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ông Trump thậm chí bác bỏ cả nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu khí nhà kính. Năm 2017, phát biểu tại một buổi lễ ở Vườn Hồng của Nhà Trắng, ông Trump chỉ trích Thỏa thuận Paris là gánh nặng về tài chính và kinh tế, khiến nhiều người mất việc làm, gây xói mòn chủ quyền quốc gia và đặt Washington vào thế bất lợi so với các nước khác, nhất là trong ngành công nghiệp than đá. Ông Trump còn khẳng định quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris “tượng trưng cho sự tái khẳng định chủ quyền Mỹ”.

Sự rút lui của Mỹ có thể xem như một bước lùi đối với chính Washington bởi nước này từng giữ vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bước đi của Mỹ khiến cho toàn bộ thế giới lúng túng, khi giải pháp bảo vệ Trái đất không có sự hậu thuẫn của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, dù có muốn, nhưng Mỹ không được phép rút ra khỏi Thỏa thuận Paris ngay lập tức. Theo các điều khoản của Thỏa thuận, tiến trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu này sẽ kéo dài. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4/11/2020 - một ngày sau ngày bầu cử Tổng thống nước Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trái đất vẫn nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO