Mùa hè là thời gian lý tưởng để trẻ có được những chuyến tham quan, trải nghiệm tại các bảo tàng, di tích lịch sử tại địa phương mình sinh sống cũng như các vùng miền khác nhau trên cả nước.
Đi một ngày đàng
Chị Vũ Thị Mai Hương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết vừa có tour du lịch khám phá Hà Nội 1 ngày cho 2 con cùng một số người bạn của con. “Điểm đến đầu tiên của nhóm là Hoàng thành Thăng Long. Ngay sát đó là Cột cờ Hà Nội, Di tích Nhà tù Hỏa Lò và xen kẽ trải nghiệm đi xe buýt 2 tầng quanh Bờ Hồ, ăn kem Tràng Tiền. Bạn nhỏ nào cũng tràn đầy năng lượng và hứng thú” - chị Hương chia sẻ.
Mong muốn đưa con đến gần hơn với thiên nhiên trong khi chưa có nhiều điều kiện lên núi, xuống biển, gia đình chị Phạm Khánh Ngọc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại lựa chọn đưa con đến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. “Không chỉ trẻ con mà người lớn như tôi cũng cảm thấy rất thích thú với mẫu vật sống động y như thật, từ con khỉ, con cá sấu, con trăn… đến những con vật nhỏ được ngâm trong cồn có thể tồn tại rất lâu. Con tôi đặc biệt yêu thích phòng côn trùng với vô vàn ảnh và mẫu vật thật, các thông tin thú vị về vòng đời, đặc điểm của các loài này” - chị Ngọc nói.
Là một trong những địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục mới mẻ, thu hút đông đảo thanh thiếu niên nhi đồng đến tham quan, học tập, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong mùa hè này có chuỗi hoạt động giáo dục như khám phá di sản các nước, khám phá di sản văn hóa vùng Tây Bắc… Ngoài các trưng bày thường xuyên, Bảo tàng còn có các trưng bày nhất thời, trưng bày ảo… nên dù đến đây nhiều lần, các em học sinh vẫn có những khám phá mới mẻ do được đổi mới liên tục tùy theo chủ đề trưng bày của từng tháng, từng tuần.
Gắn kết gia đình từ trải nghiệm thực tế
Được triển khai từ năm 2022, mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” đã được các bảo tàng cấp tỉnh thực hiện và đem lại nhiều giá trị trong việc giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa. Như Bảo tàng Lịch sử quốc gia mỗi năm đã tổ chức hàng trăm chương trình giáo dục dành cho học sinh phổ thông đến từ các nhóm gia đình và nhóm nhà trường theo mô hình này và trở thành “thương hiệu” của Bảo tàng. Thậm chí, ngay trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Bảo tàng từng bước chuyển hướng các chương trình giáo dục sang hình thức học trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom. Với hình thức này, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet có thể tham gia lớp học.
Mùa hè với nhiều thời gian nghỉ ngơi không đến trường, các bảo tàng đều tổ chức các hoạt động thú vị để thu hút du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, với lứa tuổi thanh thiếu niên dễ dàng bị hấp dẫn bởi những hình ảnh, âm thanh sống động, kinh nghiệm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đó là lồng ghép các hiệu quả ứng dụng công nghệ trong khi xây dựng các chương trình giáo dục mới để tăng thêm sự hấp dẫn.
Đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử để học sinh thêm yêu lịch sử nước nhà là những gì ngành giáo dục và xã hội đang hướng tới và nỗ lực thực hiện. Trong đó, trẻ có thể đọc nhiều câu chuyện trong sách, có thể tìm hiểu nhiều thông tin trên mạng nhưng có những câu chuyện trẻ chỉ có thể biết được khi trải nghiệm, tiếp xúc và tìm hiểu thông tin về các đồ vật, hình ảnh thú vị tại bảo tàng. Vì vậy, cùng với giáo dục trong nhà trường, các bậc phụ huynh dành thời gian để đưa con đến trải nghiệm, tham quan tại các bảo tàng chính là hình thức giáo dục hiệu quả nhất, không chỉ tăng thêm vốn hiểu biết về lịch sử, con người thời kỳ trước mà còn tạo cơ hội gắn kết tình cảm gia đình.
Bên cạnh đó, về phía các bảo tàng cũng cần thường xuyên đổi mới, thiết kế những chương trình giáo dục di sản hấp dẫn, để lại được những bài học ấn tượng sâu sắc cho học sinh. Nếu chỉ dừng lại ở việc đưa học sinh đến bảo tàng nghe thuyết minh, giới thiệu khái quát về nội dung trưng bày, mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” thì khó khơi gợi hứng thú cũng như sự quan tâm của trẻ với những câu chuyện lịch sử.