Nhân dịp chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và hưởng ứng chuỗi hoạt động Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021, Trung tâm hoạt động Văn hoá, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa cho ra mắt công nghệ 3D Mapping kể chuyện đạo học Việt Nam.
Theo đó, công nghệ 3D Mapping gồm 9 nội dung: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; Ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác QR Code); Hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI; Ứng dụng tham quan ảo 3D Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên Internet; Trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ thực tế ảo VR 360; Trải nghiệm tương tác 3D di sản tiêu biểu - Bia Tiến sĩ; Tái hiện không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lê bằng công nghệ thực tế ảo 3D; Chương trình “Đạo học Việt Nam” và Online tour trực tuyến Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ 3D; Trải nghiệm Không gian nghệ thuật & 3D Mapping tại sân Thái Học.
Phát biểu tại buổi chiếu thử, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, thời gian qua, chúng tôi đã có sự trao đổi với các cơ quan chức năng về mong muốn đưa không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian văn hoá hoạt động văn hoá cả ngày và đêm, có thêm nhiều những sản phẩm phục vụ du khách tham quan. Trên cơ sở đó để hình thành tuyến phố đi bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào cuối tuần, góp phần phát huy giá trị của di tích gắn liền với đạo học. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Trung tâm đã đề xuất với thành phố Hà Nội đề án phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0 tại. Trong đề án đó có nội dung là xây dựng sản phẩm tour đêm, kể câu chuyện về đạo học Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đề án đó, trùng hợp với ý tưởng của quận Đống Đa là muốn đưa không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành phố đi bộ. Hiện nay, kịch bản, nội dung trong một sản phẩm chưa hoàn chỉnh. Vì sau khi thành phố phê duyệt, chúng tôi mới bắt đầu xây dựng, nghiên cứu.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, xây dựng dữ liệu số cho di tích Văn Miếu về công nghệ số sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận thông tin, hình ảnh toàn diện. Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này, các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0…