Trạm thu phí BOT An Sương-An Lạc vẫn nóng

Đoàn Xá 09/01/2019 07:00

Liên tiếp trong các ngày 7/1 và 8/1, hàng chục tài xế lại tiếp tục phản đối trạm thu phí BOT An Sương-An Lạc (Quận Bình Tân, TPHCM) với lý do thiếu minh bạch tại dự án này.

Cụ thể, một số tài xế cho biết họ không sử dụng hạ tầng là các cây cầu vượt của do chủ đầu tư thực hiện nhưng vẫn bị buộc phải đóng phí. Ngoài ra, việc xây dựng 4 cây cầu vượt là dự án tách rời riêng biệt chứ không phải là dự án cải tạo tuyến đường quốc lộ 1A đoạn từ nút An Sương đến nút An Lạc nên việc thu phí kéo dài là không đúng.

Trạm thu phí BOT An Sương-An Lạc vẫn nóng

Một tài xế chạy xe tải từ miền Tây thường di chuyển qua đường này cho biết, anh thực tế không sử dụng hạ tầng là 2 cây cầu vượt nút giao Hương lộ 2 với cầu vượt ngã tư Gò Mây tuy nhiên, anh vẫn phải đóng phí.

Nhiều tài xế khác cũng cho biết, sau khi cải tạo xong tuyến quốc lộ 1A dài khoảng 16km từ An Sương tới An Lạc, công ty đã thu phí thì coi như xong. Thế nhưng việc nhà đầu tư tiếp tục xây thêm cầu vượt với mục đích tránh ùn tắc cho các phương tiện đường ngang dân sinh ở TP HCM rồi buộc các tài xế chạy đường trục dọc trên tuyến quốc lộ 1A đóng phí là chưa thỏa đáng. Tài xế chạy trên quốc lộ 1A không có nhu cầu sử dụng cầu vượt trên tuyến quốc lộ này!

Theo ông Nguyễn Hồng Ninh- Giám đốc Công ty IDICO, chủ đầu tư dự án BOT này thì hợp đồng thu phí giai đoạn 1 đã kết thúc vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, Công ty đã đầu tư 4 hạng mục thu phí là 2 nhánh cầu vượt Tỉnh lộ 10, cầu vượt Hương lộ 2, cầu vượt Lê Trọng Tấn với tổng kinh phí gần 2.500 tỷ đồng. Vì vậy, thời gian thu phí được tiếp tục thực hiện thêm 16 năm, đến năm 2033. Tất cả các hạng mục này đều được Sở GTVT TP HCM cấp phép.

Ngoài ra ông Ninh cũng cho biết, việc xây dựng 4 cây cầu vượt là cùng dự án cải tạo tuyến đường chứ không tách biệt nên dù tài xế không sử dụng cầu thì vẫn buộc phải đóng phí.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia giao thông cho biết, việc đầu tư 2 dự án nối tiếp nhau trên tuyến quốc lộ 1A dài khoảng 16km từ An Sương tới An Lạc có một số bất cập. Theo đó, ban đầu dự án là cải tạo đoạn đường trên, doanh nghiệp thực hiện xong và đã hết hạn thu phí. Vì thế, khi xây thêm 4 cây cầu thì doanh nghiệp chỉ được cấp phép thu phí ở những hạ tầng mà đơn vị này thực hiện, không thể buộc người dân đóng phí khi sử dụng toàn tuyến quốc lộ 1A từ 2 nút giao thông trên. Bởi dự án cải tạo đã hoàn thành, đã thu phí xong. Khi tiếp tục xây thêm cầu thì chỉ được đặt trạm thu phí tại các cây cầu mà thôi.

Vì vậy, việc thu phí hay không, thu mức độ nào cũng vẫn đang phải nhờ đến... “trọng tài”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trạm thu phí BOT An Sương-An Lạc vẫn nóng