Văn hóa

'Trạm yêu thương' - Gieo hạt giống tâm hồn

Hoàng Vân 14/12/2023 14:20

Vượt lên trên khiếm khuyết, Trần Trà My sinh năm 1986 tại Đông Hà, Quảng Trị không chỉ thành thạo cả tiếng Việt, tiếng Anh mà còn trở thành nhà thơ, nhà văn.

ban-sao-cua-_mg_0306.jpg
Câu chuyện của Trà My được kể lại trong "Trạm yêu thương" số lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 16/12/2023.

Sinh năm 1986 tại Đông Hà, Quảng Trị trong gia đình có 4 anh chị em, Trần Trà My không may mắn bị khuyết tật ở chân sau một lần sốt cao co giật. Không thể đi lại, không thể đến trường, đôi tay bị liệt chỉ còn một ngón có thể cử động. Hành trình “Gieo hạt giống tâm hồn” sẽ được kể lại trong "Trạm yêu thương" lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 16/12/2023 trên kênh VTV1.

Vốn sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, thế nhưng bất hạnh bất ngờ ập đến với Trần Trà My lúc mới 3 tháng tuổi. Qua phóng sự mở của chương trình, nguyên nhân khiến nữ nhà văn 8X gắn liền với chiếc xe lăn dần được hé lộ. Ngày ấy, cơ thể cô bé My bắt đầu nổi những chấm li ti, ngày một nặng hơn và phải nhập viện phẫu thuật. Đôi chân bị teo ngắn không thể tự di chuyển, bàn tay co quắp chỉ có thể cử động được một ngón, còn giọng nói cũng không được tròn vành rõ tiếng...

ban-sao-cua-_mg_0277(1).jpg
Nghị lực của Trà My khi đối mặt với những biến cố khiến khán giả không khỏi xót xa.

Không thể đến trường, mọi di chuyển sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người khác, cộng thêm sự tự ti, mặc cảm về bản thân…, đã có lúc Trà My nghĩ đến những điều tiêu cực. Thế nhưng thấy em gái chăm chỉ học bài, cô chị âm thầm dõi theo, dần dần Trà My nặng nhọc đánh vần từng chữ, rồi tập viết nguệch ngoạc trên giấy. Có những lúc tay và người mỏi nhừ nhưng mỗi lần viết được một chữ hay đánh vần được một câu lại có thêm niềm vui. Từ những con chữ “học lỏm” đó đã đưa Trà My đến với những trang sách, mở ra cuộc sống rộng lớn cho một người quanh năm chỉ gắn với bốn bức tường.

14 tuổi, Trà My bắt đầu sáng tác thơ, đó chính là bước ngoặt cuộc đời khi tác phẩm được nhiều người biết đến: “Bài tản văn đầu tiên của tôi được phát trên Đài PT-TH tỉnh Quảng Trị, giây phút ấy, trong tôi như bừng sáng niềm hy vọng. Tôi đã tìm thấy rồi - niềm vui từ văn chương". Kể từ đó, tình yêu với thơ ca và văn chương đã tiếp thêm niềm tin, niềm hy vọng sống cho Trà My.

Đến năm 21 tuổi, được tiếp xúc với máy tính, nhận thấy việc gõ chữ với 1 ngón tay dễ dàng hơn viết nên Trà My bắt đầu chinh phục bàn phím và tập viết những câu chuyện của mình chỉ bằng một ngón tay.

Cuộc sống đầy màu sắc như được mở ra với cô gái trẻ. Trà My suy nghĩ, viết không phải để thành nhà văn mà trước hết để thay đổi chính mình, viết để được nói, được giải tỏa và để hướng đến một cuộc sống khác. Chính vì vậy, cô gái một lần nữa quyết tâm thay đổi cuộc đời khi quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp.

Năm 2007, cô gái Trần Trà My rời mảnh đất nắng gió Quảng Trị vào miền Nam. Trà My sống bằng công việc viết văn, viết báo và học thêm nhiều lớp nghiệp vụ về truyền thông để làm thêm. Đến nay, nhà văn Trần Trà My đã có gần 12 năm sống tự lập, tự mình chăm sóc bản thân, tự mình mày mò học tập trau dồi kiến thức, kỹ năng cuộc sống, xuất bản nhiều đầu sách ấn tượng: “Giấc mơ đôi chân thiên thần (2009), "Chúng ta chính là mùa xuân" (2010), "Yêu… trên từng ngón tay" (2013), và mới đây nhất là cuốn "Tin vào điều tử tế" do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành.

Dẫu sức khỏe không tốt như người bình thường, luôn phải nhờ vào xe đẩy mới di chuyển được, nhưng nữ nhà văn thường xuyên đi từ Bắc vào Nam để tham gia các chương trình của riêng mình cũng như các dự án cộng đồng. Không dừng lại ở việc xuất bản sách, Trần Trà My đang thực hiện dự án "Mang sách đến các trại giam", là người đồng sáng lập quỹ "Giấc mơ đôi chân thiên thần", giúp đỡ người khuyết tật yêu văn chương, làm đại sứ thiện chí cho nhiều chương trình thiện nguyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Trạm yêu thương' - Gieo hạt giống tâm hồn